Người trẻ có dị dạng mạch não là nhóm nguy cơ cao
Tại Hà Nội mới ghi nhận ca bệnh nam thanh niên 27 tuổi đi ngoài trời nắng về thì thấy mệt mỏi, đau đầu. Chủ quan, anh vào phòng bật điều hòa và nằm nghỉ, sau 2 tiếng gia đình vào gọi anh xuống ăn cơm thì anh đã hôn mê không biết gì.
Một trường hợp khác là nữ, 37 tuổi, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện E trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp tăng cao, miệng cứng, cơ thể lạnh toát.
Chị được chẩn đoán bị đột quỵ ở mức độ rất nguy hiểm. Nguyên nhân là do đi làm trời nắng về, người bụi bặm, khó chịu, bệnh nhân đi tắm. Được 10 phút khi nghe thấy tiếng động lạ, người nhà phá cửa vào thì thấy bệnh nhân nằm bất động dưới nền gạch.
TS Phan Thảo Nguyên, phó giám đốc Bệnh viện E, cho biết nắng nóng "sốc nhiệt" làm gia tăng đột quỵ nhiệt. Khác với đột quỵ do nắng nóng ở người già thường do các bệnh lý nền như tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, tim mạch..., ở người trẻ (đa phần 25-30 tuổi) là do dị dạng mạch máu não.
Triệu chứng của bệnh không điển hình, giống như say nắng, đau đầu nên người bệnh chủ quan mà không biết rằng kiểu đột quỵ dạng này khởi phát với rất ít dấu hiệu cảnh báo nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý nhanh.
Thực tế nghiên cứu trên 1.700 bệnh nhân cho thấy mỗi thay đổi nhiệt độ giảm đột ngột 2,9 độ C làm tăng 11% nguy cơ đột quỵ. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên đến 30%.
Các yếu tố nguy cơ khác đi kèm bao gồm thay đổi đột ngột về độ ẩm và áp suất khí quyển. Các nhóm đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ do nhiệt độ thay đổi bao gồm: người cao tuổi, có bệnh lý tim mạch kèm theo như tăng huyết áp, rung nhĩ, suy tim…
"Người trẻ là nhóm đang làm việc hăng say, vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 - 50 độ C, trong khi nhiệt độ trong nhà thấp hơn vì có sử dụng điều hòa để làm mát, gây nên sự chênh lệch nhiệt độ cao giữa trong nhà và ngoài trời.
Chính thói quen "hạ nhiệt" trong ngày nắng nóng như đi chơi, làm ngoài trời, chơi thể thao… về là tắm hoặc vào ngay phòng điều hòa khiến nhiệt độ cơ thể giảm xuống đột ngột gây cảm lạnh và đột quỵ" - TS Nguyên cảnh báo.
Vì vậy, sau khi đi làm về thì phải ngồi nghỉ từ 15 - 20 phút để thân nhiệt ổn định lại, sau đó lau người trước cho cơ thể thích ứng với nhiệt độ của nước rồi mới bắt đầu tắm toàn thân.
Tình trạng để nhiệt độ điều hòa quá thấp hoặc uống nước đá lạnh, hay ăn kem… cũng dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt và đột quỵ. Vì vậy, điều cần làm là ngồi nghỉ và lấy một cốc nước mát uống từ từ để giải khát và trung hòa thân nhiệt.
Phát hiện sớm và sơ cứu rất quan trọng
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh việt Việt Đức, cảnh báo đột quỵ nhiệt là một trong những cấp cứu thường gặp vào mùa nắng nóng ở hầu hết các nước trên thế giới. Đột quỵ nhiệt có thể giết chết hoặc gây tổn thương não, cơ bắp và các cơ quan nội tạng nếu không được sơ cứu và xử trí kịp thời.
"Chúng ta cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ nhiệt khi có yếu tố tiếp xúc với nền nhiệt độ cao trong một thời gian (làm việc ngoài trời nắng nóng, đi nắng về, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao, công nhân làm việc trong hầm lò, đi du lịch đến vùng nắng nóng, lao động nặng…).
Bệnh nhân có những biểu hiện sớm như đau đầu, chóng mặt, thiếu mồ hôi mặc dù trời nắng nóng, da đỏ, nóng và khô khi sờ vào, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và ói mửa.
Nặng hơn nữa là thay đổi nhịp tim, thở nhanh và nông, thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc hoảng loạn, co giật bất tỉnh và tử vong. Cặp nhiệt độ cơ thể lên trên 40 độ C.
Khi nghi ngờ ai đó bị đột quỵ nhiệt, hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người đó đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tìm kiếm trợ giúp y tế đều có thể dẫn đến tử vong.
Trong khi chờ đợi các nhân viên y tế đến, cần tiến hành sơ cứu đầu tiên: đưa người bệnh đến môi trường có máy lạnh, hoặc đưa bệnh nhân vào trong nhà tắm hay ít nhất là khu vực râm mát, cởi bỏ bất kỳ quần áo nào không cần thiết.
Nếu có nhiệt kế thì liên tục cặp nhiệt độ của cơ thể bệnh nhân và sơ cứu, làm mát cơ thể đưa nhiệt độ về 38 - 38,5 độ C.
Những cách làm mát cơ thể bao gồm: dùng quạt không khí thổi đều trên người bệnh trong khi làm ướt da bằng khăn ướt hoặc vòi nước rửa, chườm các túi nước đá vào nách, cổ và lưng của bệnh nhân vì những khu vực này rất giàu mạch máu gần da.
Làm mát chúng có thể giúp giảm nhiệt độ cơ thể nhanh chóng. Không sử dụng đá lạnh cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ, bệnh nhân bị bệnh mạn tính.
Cách tránh đột quỵ do sốc nhiệt:
- Uống đủ nước, làm mát cơ thể khi nhiệt độ cao.
- Cần hạn chế các hoạt động thể chất kéo dài vào những thời điểm nóng nhất trong ngày từ 10h - 16h30. Nếu phải ở ngoài trời thì nên uống đủ nước và nghỉ ngơi thường xuyên.
- Không trực tiếp đi ngay vào phòng có điều hòa, mà phải đi vào phòng đệm trước đó.
- Không nên sử dụng điều hòa với mức nhiệt độ quá thấp, nên duy trì ở khoảng 27 độ, tránh chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với môi trường bên ngoài.
- Che chắn cơ thể khi đi ra ngoài đường để tránh bị tăng thân nhiệt, không tắm nước lạnh ngay khi vừa đi ngoài trời nắng về…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận