Nguyên do là các đám cưới ở thành phố thường diễn ra chậm hơn so với giờ in trên thiệp, khiến thực khách ngồi đợi "dài cổ".
Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" tế nhị đã xảy ra ở những đám cưới như vậy, khiến cả chủ lẫn khách đều bối rối vô cùng.
Đến đám cưới trễ nhưng vẫn phải… ngồi đợi
"Đám cưới mình, bạn đến sớm hơn 30 phút để chụp hình rồi chiếu lên màn hình LED lớn ở trung tâm tiệc cưới luôn nhé. Vào tiệc hai bên gia đình sẽ không đến từng bàn để chụp hình, nên cố gắng đến sớm với mình nhé", cậu bạn Ngọc Bảo (trú thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa gửi thiệp mời, vừa căn dặn tận nhẽ với tôi như vậy.
Theo Bảo, đám cưới ở Huế người ta thường tổ chức tiệc chậm hơn so với thời gian in trên thiệp mời từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, đặc biệt là các bữa tiệc cưới vào giờ trưa.
Có nhiều cách lý giải cho việc xài giờ "dây thun" này, nhưng chủ yếu là do gia chủ muốn chờ sự góp mặt đông đủ của bạn bè thân hữu trong buổi lễ trọng đại nhất đời người.
Ở thành phố, giờ mời cưới thường rơi vào giờ tan làm nên phần lớn người lao động đều phải tranh thủ đến dự tiệc.
Tắc đường, bận đón con, nấu ăn cho gia đình hoặc bận làm nốt việc… là những lý do mà nhiều người ở phố đưa ra để giải thích việc đến đám cưới muộn.
Đến giờ bắt đầu bữa tiệc, nhìn thấy bên dưới bàn tiệc còn trống trơn, hẳn gia chủ cũng chưa muốn bắt đầu buổi lễ trọng đại của mình tẹo nào.
Hôm đám cưới Bảo, tôi cũng tranh thủ làm xong việc rồi đến sớm. Tiệc cưới diễn ra ở một nhà hàng nằm ngay trung tâm phố Tây sầm uất của TP Huế.
Dù không thể đến sớm như lời cậu bạn dặn nhưng tôi vẫn tin rằng mình đến đúng giờ in trên tấm thiệp hồng. Thế nhưng lễ thành hôn của cậu bạn tôi vẫn chưa thể bắt đầu vì dù đúng giờ nhưng khách khứa đến chẳng là bao.
Gần 1 tiếng sau, những món ăn đầu tiên mới được dọn lên bàn và tiệc cưới bắt đầu. Sau gần 1 tiếng vào tiệc, nhóm bạn chơi chung của tôi và Bảo mới bắt đầu xuất hiện ở nhà hàng, dù lúc này đã có rất đông các vị khách đứng dậy ra về.
Ngồi vào chiếc bàn ghi hai chữ "dự phòng", nhóm bạn tôi gọi phục vụ nhà hàng đến và đề nghị lên món ăn. Thế nhưng do không đủ người (10 người một bàn tiệc), nhân viên nhà hàng đã từ chối dọn món. Thế là dù đến muộn, mấy anh bạn của tôi cũng đành phải… đợi thêm người đến cho đủ bàn.
Chú rể Ngọc Bảo lúc này dù đang bận chào khách ra về, biết chuyện cũng đành bỏ ngang để tìm quản lý nhà hàng đề nghị dọn món ăn lên cho những người bạn.
Rút kinh nghiệm khi dự đám cưới ở quê
Không ít lần nhóm bạn ở phố chúng tôi nhắc nhở nhau rằng khi được mời đến dự một tiệc cưới ở quê thì phải đi sớm, tuyệt đối không "dây thun" kẻo lãnh đủ.
Cách đây mấy năm, trong nhóm có anh bạn người ở huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), cách trung tâm TP Huế 100km, mời cưới.
Trong thiệp cưới ghi rõ 11h trưa vào tiệc. Tính toán thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng đồng hồ, cả nhóm thống nhất đúng 8h sáng sẽ lên xe đi đến đám cưới.
Hẹn nhau ở một quán cà phê để đi chung xe, nào ngờ tôi và một anh bạn khác là người đến đúng giờ và sớm nhất. Phải đến 9h sáng, mọi người mới đến đông đủ và xe mới xuất phát.
Đến nơi thì đồng hồ đã điểm gần 12h trưa. Xuống xe thì đã thấy vợ chồng anh bạn đang đứng ở cổng nhà hàng để chào khách ra về.
"Tôi biết mấy ông bà kiểu gì cũng 'dây thun' nên đã dặn riêng nhà hàng để lại hai bàn tiệc. May là đám cưới của tôi đấy, chứ đám cưới của người khác là các ông các bà bụng đói ra về rồi", anh bạn tôi hóm hỉnh trêu cả nhóm, rồi mời mọi người nhập tiệc nhanh kẻo… đói.
Muôn kiểu nhắc khách đi tiệc đám cưới
Để tránh tình trạng giờ "dây thun" ảnh hưởng đến tiệc cưới của mình, nhiều cô dâu, chú rể đã nghĩ cách làm sao nhắc nhở bạn bè thân hữu đến đúng giờ, tránh để người khác phải đợi lâu mệt mỏi.
Chú rể Ngọc Bảo chia sẻ rằng việc dặn từng người đến sớm để chụp hình là một cách nhắc mọi người có mặt đúng giờ. Bảo nói rằng ngoài ra nhiều người còn in hẳn lời nhắc nhở một cách khéo léo lên tấm thiệp cưới, hoặc đặt lịch hẹn qua ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook… để đến giờ những ứng dụng này sẽ báo lên màn hình điện thoại từng người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận