08/06/2014 03:37 GMT+7

Thời niên thiếu của cố danh thủ Tam Lang

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Nhiều bạn đọc đã thắc mắc về thời niên thiếu của cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Và Tuổi Trẻ đã tái hiện phần nào về giai đoạn niên thiếu của ông qua lời kể của ông Phạm Huỳnh Long Nhi (77 tuổi), anh ruột ông Tam Lang, vừa từ Mỹ trở về...

Ông Long Nhi cho biết anh em ông sinh tại Sài Gòn chứ không phải ở Gò Công (Tiền Giang). Cụ thể, Tam Lang sinh ở Chợ Lớn, trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay. Ông Long Nhi nói: “Wikipedia ghi Tam Lang sinh ở Gò Công, đứa con Gò Công, nhưng tôi không dám đính chính vì ông bà già là dân Gò Công. Ông già lấy bà già trên Sài Gòn khi ông đang làm cho Tây thời thuộc địa. Đến khi phong trào Việt Minh nổi lên thì ông bỏ nhà cửa đi theo cách mạng rồi qua đời khi Tam Lang mới 3 tuổi. Sau đó cả nhà về Gò Công sống và nó học tiểu học ở Gò Công”. Ông Long Nhi cho biết gia đình có ba anh chị em. Trong đó em gái Phạm Thị Quỳnh Hoa (chị của Tam Lang) sinh năm 1940 bị bệnh mất khi còn nhỏ.

Ông Long Nhi kể: “Lúc mới sinh ra Tam Lang đã có một cái răng. Khi đó do lo lắng, mẹ tôi đi hỏi thầy bói và thầy bói đã nói rằng bà hãy nuôi thằng bé này cho kỹ vì sau này sẽ là một người được rất nhiều người biết đến.

Dưới Gò Công có một cái sân bóng. Người phát khởi đầu tiên mà nổi tiếng là anh Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1926) - cầu thủ được phong là “Mũi tên vàng”. Tôi nghĩ thời kỳ đó đã bắt đầu gây mầm mống cho Tam Lang yêu thích bóng đá, bởi chiều chiều sau khi đi học về, chúng tôi ra đá bóng ở sân này.

Năm 1955, Tam Lang 13 tuổi và trúng tuyển vào Trường trung học Pétrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong) tại Sài Gòn. Nó học giỏi toán lắm nên thi một cái là đậu liền. Mẹ tôi vui lắm vì trước khi đi kháng chiến, cha tôi căn dặn mẹ tôi là “ráng cho tụi nó học”.

Nhưng học ở Pétrus Ký chưa được bao lâu, Tam Lang đã làm mẹ tôi rất khổ tâm khi cứ bỏ học đi đá banh. Thầy giáo thấy Tam Lang học giỏi, thương nên kêu lên rầy. Nó cứ dạ dạ rồi lại tiếp tục bỏ học đi đá bóng tiếp. 15 tuổi, nó tham gia đội bóng Các ngôi sao Chợ Lớn, việc học lại càng trễ nải hơn. Hết lần này đến lần khác, thầy đành phải mời mẹ tôi ở Gò Công lên mắng vốn. Bà chữ nghĩa không có, cứ mỗi lần lên Sài Gòn chỉ biết năn nỉ nó ráng học. Miệng thì dạ nhưng nó vẫn tiếp tục bỏ học đi đá banh.

Mẹ tôi rất thương Tam Lang, nhưng bà cũng mệt mỏi với nó lắm khi cứ phải liên tục lặn lội từ Gò Công lên Sài Gòn theo lời mời của thầy giáo. Lúc đó nhà cửa không có, phải ở nhờ nhà người em gái, bà hằng ngày phải ra chợ bán heo giùm cho người ta kiếm tiền lo chạy cơm từng bữa và để dành tiền gửi lên Sài Gòn cho Tam Lang đóng tiền học ở Pétrus Ký. Tiền ở thì không phải lo do anh Tư “Mũi tên vàng” cho nó ở nhờ nhà. Nhưng việc nó học hành như vậy khiến bà rất buồn.

Bước ngoặt cuộc đời bóng đá của Tam Lang có lẽ là năm 1959 khi 17 tuổi. Khi đó nó đi Nam Hàn (Hàn Quốc) với đội tuyển miền Nam. Trung vệ Phạm Văn Hiếu sau khi đá nửa hiệp xong đã cởi áo giao lại cho Tam Lang và nói: “Kể từ đây về sau tao giao lại vai này cho mày”. Lãnh cái áo số 5 của Phạm Văn Hiếu xong, trở về nước nó bỏ học luôn. Các thầy ở Trường Pétrus Ký ai cũng tiếc.

Hồi nó chưa lấy vợ, nó ở nhà tôi trên đường nay là 3 Tháng 2 đã thể hiện cái lạ thế này: cứ đúng 6g sáng là nó dậy xách giỏ đi tập. Nó tự thực hiện kỷ luật một cách kỳ lạ. Trong đầu nó lúc nào cũng chỉ nghĩ đến đá banh, đá làm sao cho đẹp, đá làm sao cho hay. Tôi chưa thấy ai mê sân banh như nó”.

Ông Long Nhi nói: “Cuộc đời của nó dành cho bóng đá, dành cho khán giả. Nó chơi bóng đá không phải là đá chân người ta mà luôn tâm niệm phải chơi nghệ thuật. Đó là cái mà nó để lại cho đời sâu sắc nhất”.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên