TTCT - Sự hài hòa đã biến mất trong thế kỷ đầy rẫy khủng bố hôm nay. Ta không cần nghệ thuật minh họa nữa. Thế giới này toàn cái xấu xa, mỹ thuật là nghệ thuật dối lừa... Tác phẩm Vô đề Được một anh bạn mách cho đường link để xem catalog các tác phẩm nghệ thuật đương đại sắp được nhà Sotheby’s đem bán đấu giá từ ngày 19-5 ở New York, tôi dậy sớm, pha một ấm trà thật ngon và run rẩy cố tĩnh trí để lướt qua tác phẩm cao giá theo đúng nghĩa đen của những nghệ sĩ tên tuổi còn sống hay đã chết. Như trà ngon phải có bạn hiền, tôi nhặt hú họa ra mấy tác phẩm để đợi hôm sau khoe với các bạn tưởng tượng của tôi: 1) CY TWOMBLY, 1928-2011, tên thật là Edwin Parker Twombly Jr., một đại diện sáng giá của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism) khởi thủy ở Bắc Mỹ hồi thập kỷ 1940. Tác phẩm Vô đề, màu acrylic trên vải bố. Định giá: 0,22-0,28 triệu USD. 2) ROBERT MOTHERWELL, 1915-1991, bạn vong niên của Cy Twombly, họa sĩ của chủ nghĩa siêu thực (surrealism). Khúc bi thương New England số 3, mực và cát trên giấy. Định giá: 1,2-1,8 triệu USD. 3) TONY SMITH, 1912-1980, nghệ sĩ tạc tượng Mỹ, được coi là người tiên phong của phong cách tối giản (minimalism). Hộp đen, tôn không sơn. Định giá: 0,1-0,15 triệu USD. Và thưởng lãm thêm 4) JOSEPH BUEYS, 1921-1986, họa sĩ và nghệ sĩ hành động Đức. Tác phẩm Ghế trét mỡ. Định giá: không thể, vì bị nhân viên vệ sinh vô tình cho vào thùng rác, khiến bảo hiểm phải bồi thường 22.500 USD. Xin các bạn thứ lỗi, nếu tôi nhầm tên tác phẩm hay tác giả, nhưng tôi mạo muội phỏng đoán là có nhầm cũng chẳng ai đoán ra. Giờ ta đến với Ephraim Kishon. Ông là tác giả cuốn Cuộc báo thù ngọt ngào của Picasso về nghệ thuật hiện đại được dẫn chiếu trong bài phỏng vấn trên tạp chí Focus, số 13-11-1995. Cũng cần nói thêm là Kishon vốn được biết đến ở tư cách nhà văn Do Thái với hàng chục triệu ấn bản được bán ra, nhưng ông không phải dân nghiệp dư trong lĩnh vực nghệ thuật. Sinh thời, ông là nghệ nhân chế tác trang sức vàng bạc, tốt nghiệp đại học mỹ thuật với hai bằng tạo hình kim loại và phê bình nghệ thuật. Focus: Thưa ông Kishon, trong tác phẩm mới đây ông lật mặt nạ một “tổ chức cực đoan” mang tên Nghệ thuật hiện đại, chuyên “ngu dân ở trình độ cao”. Và chắc chắn ông không định nói mỉa? - Kishon: Tôi vốn luôn tư duy trào phúng, nhưng lần này nói chuyện nghiêm túc: ta đang bàn đến một trong những tổ chức kinh tế thành công nhất thế giới. Tôi thực sự không định công kích quá mức cần thiết những kẻ bịp bợm trắng trợn thiên tài đó ở thời đại chúng ta, nhưng một số tổ chức khủng bố hoạt động khá giống thế. Xin ông giải thích rõ hơn. - Có thể tôi ghen tị chăng, vì rõ ràng ta đang nói đến một lũ lừa đảo đặc biệt thông minh, biết biến mấy trò hề rẻ tiền thành một dạng tôn giáo. Qua đó, lũ mafia nghệ thuật đã chiến thắng đầu óc tư duy lành mạnh một cách huy hoàng, và sự hỗn láo đó dần dần phá bung mọi giới hạn. Nhưng đồng thời sự ngu xuẩn của con người cũng không có giới hạn, vì vậy xuất hiện một sự cân bằng lành mạnh... Ông cho rằng nghệ thuật tạo hình hôm nay là rác rưởi, ông dùng những khái niệm như “trại điên được bao cấp sổng sểnh”, “bãi rác”, “triển lãm những đồ bôi trét”... Nhưng có nhiều người bỏ cả triệu đôla để sở hữu chúng!? - Thì chính thế! Qua mấy chục năm tẩy não, bọn mafia nghệ thuật đã thành công khi làm cho những người thông minh - vốn có tư duy logic ở các lĩnh vực khác - chợt thấy rối trí, và họ tự nhủ: “Có thể đó là nghệ thuật thực sự cũng nên, mình không có trình độ đánh giá, vì mình không học hành tử tế môn này”. Và lũ nghệ sĩ hiện đại ranh giảo cũng là những kẻ thích đùa. Đôi khi quá chén, chúng còn tự thú nữa cơ. Gã nghệ sĩ vĩ đại Baselitz mới đây phát biểu: “Chẳng lẽ tôi không bán, họ trả tôi cả núi tiền cho mấy thứ này...”. Thế thì có gì trong chuyện này đáng gọi là mafia? - Cơ chế hoạt động! Nó giống như chủ nghĩa khủng bố có tổ chức. Các tiếng nói phê phán hầu như im bặt, mọi phòng tranh thải loại dần các tác phẩm tả chân dễ hiểu. Hôm nay không có hội chợ nghệ thuật nào nhận một bức tranh bình thường nữa. Họa sĩ nào muốn kiếm tiền, muốn trưng bày ở Venice hay New York hoặc có chân trong một ban giám khảo, phải bước vào hàng ngũ những kẻ thành đạt, tức là phải vẽ những bức tranh tởm lợm hoặc vô nghĩa. Ông viết trong sách, Picasso biết vẽ, Warhol ít nhất cũng nỗ lực, trong khi Joseph Beuys không thèm hạ mình làm mấy công việc hèn hạ ấy... - Trường hợp Beuys có lẽ độc nhất vô nhị trong lịch sử nghệ thuật: ông ta trở thành nghệ sĩ nổi tiếng thế giới mà không cần tạo ra một tác phẩm nghệ thuật duy nhất nào. Hình như tôi là nhà phê bình nghệ thuật duy nhất không hiểu ông ta. Nếu khán giả toàn bị dắt mũi, chẳng lẽ không ai ngộ ra? - Người ta chỉ có thể tin hay không tin, chứ không thể tranh luận về tín ngưỡng. Người ta thần tượng nghệ thuật hiện đại và những nhà tiên tri ở đó, thờ phụng ông thánh Picasso. Họ ngắm cái bồn tắm trét màu của Beuys và thì thào: “Nó đang nói với tôi đó. Tôi không rõ vì sao, nhưng tôi thấy rộn rực trong lòng...”. Còn các nhà phê bình? - A, các lãnh tụ tinh thần? Họ viết những điều chẳng ai hiểu, có lẽ chính họ cũng chẳng hiểu. Đố ai giải thích được “sự tổng hợp rung động được tiên lượng như khoảng cách quang học đối với sự phình trướng tràn đầy giai điệu” (lời bình một tấm vải bố trắng tinh, có chữ ký ở mặt sau - chú thích của người dịch)? Hoặc “Bề mặt tranh nổi lên như phù điêu và không cho phép ai đoán ra ý nghĩa của nó” (lời bình tranh của họa sĩ Pierre Souglases - chú thích của người dịch)? Với những lời phán ngu rực rỡ như thế, các nhà phê bình khiến người nghe hoảng sợ, bởi họ tin là mình không đủ sức mạnh tinh thần để phản biện. Ta hãy thử đi đến một triển lãm nghệ thuật hiện đại mà quan sát những kẻ tâm thần rón rén kiễng chân di chuyển hoặc trầm mặc đứng mười lăm phút trước một vệt màu duy nhất trên nền trắng. Và... chẳng ai cười cả. Ông hãy nhận xét những đánh giá quen thuộc về hội họa tả chân. Thứ nhất: nhiếp ảnh đã thế chỗ nó, vì ảnh chụp trung thành hơn nhiều. - Vớ vẩn! Dalý có vẽ như ảnh không? Magritte? Hay Hieronymus Bosch? Các danh họa toàn vẽ những cảnh không có thật. Đã bao giờ Giêsu đứng làm mẫu cho họa sĩ nào chưa? Chừng nào con người chỉ có hai mắt, tại sao có người vẽ ba mắt? (Ở một chỗ khác trong sách, Kishon viết: “Cớ gì không vẽ cho nhà giàu tranh một phụ nữ có hai mũi hoặc hai phụ nữ chung một mũi, hoặc ba bốn mắt, nếu họ muốn thế?”. Xem các chân dung mà cụ vẽ người nhà mình thì tất cả đều là tranh tả chân, ít nhất thì ai cũng có một mũi và hai mắt. Cụ chẳng dại mà gây sự với gia đình mình - chú thích của người dịch). Chuyện đã rõ: một người bình thường sẽ nghĩ giống tôi, chỉ có điều là không ai dám mở miệng. Thứ hai: Sự hài hòa đã biến mất trong thế kỷ đầy rẫy khủng bố hôm nay. Ta không cần nghệ thuật minh họa nữa. Thế giới này toàn cái xấu xa, mỹ thuật là nghệ thuật dối lừa... - Thế giới này không xấu hơn, quá khứ vẫn thế. Đừng quên là những tác phẩm hội họa đẹp nhất ra đời thời tòa án giáo hội thiêu tội nhân trên giàn lửa! Còn các họa sĩ trừu tượng ngày nay không vẽ xấu, mà đơn giản là họ hoàn toàn không vẽ! Ông nghĩ gì về những tranh vẽ thảm họa chiến tranh của Otto Dix và tranh biếm của George Grosz? - Ai cho phép gọi hai tên đó trong cùng một câu? Họ đều là nghệ sĩ đích thực! Tranh của Grosz luôn chuyển tải một thông điệp xã hội. Nhưng thông điệp nào ẩn chứa trong cái ghế trét mỡ? Mời các vị tha hồ múa bút viết hàng trang báo về nó, nó vẫn cứ là cái ghế trét mỡ. Thứ ba: Ai tái tạo hình thái sáng tác ngày xưa, bị coi là sến? - Sến là gì? Mọi cái đẹp là sến? Cũng có thể cách thể hiện tả chân đã cạn kiệt, chả có gì mới? - Còn bôi trét kiểu trừu tượng luôn bất ngờ chứ gì? Liên tục có trường phái mới như phong trào kiến tạo (constructivism), chủ nghĩa siêu việt (suprematism), phong cách tối giản (minimalism) - và tất cả giống nhau ở chỗ vô nghĩa. Nhưng ta hãy tự hỏi đi, vì sao Raffael, Rubens hay Toulouse-Lautrec vẫn được thán phục cho đến hôm nay? Đó là “gu” chăng? Hay là cả ngành nghệ thuật tạo hình đã chết, giống như siêu hình học? - Nếu quả thực thế thì nó bị sát hại. Thời nay có một chế độ Apartheid trong nghệ thuật tạo hình. Giá mà các phòng tranh treo một nửa là tranh trừu tượng, nửa kia tranh tả chân... Nhưng không, họ tẩy chay các họa sĩ thực sự. Ông viết tội lỗi lớn nhất của nghệ thuật hiện tại là khinh rẻ khán giả. Vậy thì, đáng đời những kẻ xuýt xoa khen ngợi bức tranh mà họ không hiểu? - Nói thế thì không khác gì nói nhân dân xứng đáng bị một bạo chúa trị vì. Không, nhân dân xứng đáng hưởng một nền nghệ thuật tốt hơn. Chế độ phát xít cũng đàn áp nghệ thuật trừu tượng. Ông không ngại có sự liên tưởng... - Hoàn toàn không. Chế độ phát xít đàn áp nghệ thuật hiện đại, không có nghĩa là làm nó tự khắc mang tính tích cực. Tôi không thể xây dựng quan điểm của mình bằng cách so sánh với thời quốc xã. Tôi sẽ không hút thuốc lá chỉ vì Hitler ghét thuốc lá. Trong truyện cổ tích Hoàng đế cởi truồng mọi người phá lên cười khi một thằng cu kêu: “Ông kia cởi truồng kìa!”. Ông không ngạc nhiên là chuyện đó không xảy ra trong giới nghệ thuật hiện đại? - Tôi rất ngạc nhiên. Chính vì thế tôi viết cuốn sách này. Nghệ thuật hiện đại là sự lăng nhục đối với tri thức của tôi. Do đó tôi tìm cách thủ vai thằng cu kia. Vợ ông là chủ một phòng tranh nghệ thuật, bán tranh hiện đại ở Tel Aviv... - Vợ chồng không nhất thiết chia sẻ mọi quan điểm. Vợ tôi không ưa cuốn sách này, bà ấy kêu là tôi đi quá trớn. Tôi thì thấy nghệ thuật hiện đại mới là quá trớn.■ Tags: Nghệ thuật tạo hìnhEphraim KishonApartheid trong nghệ thuật tạo hình
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.