Nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc lần thứ 2 thắng giải “Nghệ sĩ hàng đầu mạng xã hội” tại giải thưởng âm nhạc Billboard - Ảnh: People
Hoa dạng niên hoa hàm ý khoảnh khắc đẹp nhất đời người.
Và lúc này, thực sự đang sống trong những năm tháng đẹp nhất của họ.
Xuất hiện tại lễ trao giải Billboard Music Award 2018 hôm 21-5, BTS tuy chỉ giành chiến thắng ở một hạng mục nhỏ nhưng lại giành được sự chú ý không nhỏ. Khi họ bước lên sân khấu trình diễn, người dẫn chương trình đã không ngần ngại gọi họ là "nhóm nhạc nam lớn nhất thế giới".
Những anh chàng với mái tóc bob xanh đỏ giờ đây tới Mỹ trong tư cách những ngôi sao được hàng ngàn fan săn đuổi. "Giống như The Beatles vậy", một số chuyên gia nhận định, bởi cách mà BTS đem K-pop càn quét nước Mỹ phần nào gợi nhớ cách mà nửa thế kỷ trước, The Beatles đã tạo ra "cuộc xâm lăng của người Anh".
Tại sao BTS thành công đến vậy? Họ có tài, tất nhiên. Và không thể không kể đến sự phát triển của mạng xã hội đã giúp cuộc cạnh tranh giữa các nghệ sĩ từ bất cứ đâu trở nên sòng phẳng hơn bao giờ hết. Rào cản ngôn ngữ không còn là vấn đề khi mà "Mỗi lần chúng tôi viết trên Twitter, nó ngay lập tức được dịch sang 30 thứ tiếng" - theo chia sẻ của R.M., một trong bảy thành viên của BTS.
Nhưng một yếu tố nữa là bởi dường như thời đại nào người ta cũng luôn yêu những nhóm nhạc nam (boyband).
Khái niệm "boyband" ra đời từ cơn sốt The Beatles, và suốt nhiều thập niên kế tiếp, mô hình về một nhóm các anh chàng đẹp trai, ngọt ngào, hát hay chưa bao giờ trở nên lỗi mốt.
Backstreet Boys đình đám của thập niên 1990 - Ảnh: Bandwagon
Thập niên 1970, người ta có New Kids On The Block. Thập niên 1990 là Westlife, Backstreet Boys, NSYNC. Đến những năm 2000 còn có thêm Jonas Brothers và đặc biệt ở châu Á là F4. Thập niên 2010, One Direction trở thành hiện tượng và sau khi nhóm này tạm ngưng hoạt động, chúng ta không phải đợi lâu để tìm ra một boyband mới thế chỗ là BTS.
Những năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng sâu sắc từ K-pop, song Việt Nam lại không có nhiều boyband gây được tiếng vang. 365daband - nhóm thực sự tạo dựng được tên tuổi - thì đã tan rã. Oplus, nhóm nhạc nam kiểu mẫu với thứ âm nhạc văn minh, nói không với chiêu trò thì lại chưa thể bứt hẳn lên. Zero 9, nhóm nhạc được quảng cáo là "BTS của Việt Nam", thì khi mới ra mắt đã chịu chỉ trích vì giống HKT hơn là BTS.
Nhưng dù là Việt Nam hay thế giới, điểm hạn chế của các boyband nằm ở chỗ khán giả nữ có thể phát điên lên vì họ, nhưng rồi sao? Sự thành công về mặt thương mại đóng khung các giọng ca boyband thành hình mẫu một bạn trai lý tưởng thay vì một nghệ sĩ lý tưởng.
Quay trở lại với BTS, dù được so sánh với The Beatles, nhưng nên nhớ rằng One Direction cũng từng được gọi là The Beatles phiên bản mới, vậy mà chỉ sau vài năm âm nhạc của họ đã nhạt nhòa. Trên con đường từ một boyband trở thành nghệ sĩ thực thụ, sự cuồng nhiệt nhất thời đôi khi là con dao hai lưỡi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận