Phóng to |
Một máy bay không người lái trưng bày ở Paris air show, Pháp - Ảnh: Reuters |
Trong lúc cả ngành hàng không đang phải thắt lưng buộc bụng, các công ty sản xuất máy bay đã đem đến Paris air show tháng 6-2013 những dòng máy bay thế hệ cũ nhưng có thể bay mà không cần người trong buồng lái. Đó có thể là các dòng máy bay thương mại hoặc thậm chí máy bay phun thuốc trên những cánh đồng.
Trên CNN, Bill Sweetman, biên tập viên mảng quốc phòng quốc tế của Aviation Week, nhận xét khủng hoảng kinh tế và việc chấm dứt chiến tranh lạnh đã dẫn đến xu hướng mới trong ngành hàng không. Thay vì chế tạo một máy bay hoàn toàn mới, “các công ty đang hiện đại hóa, chỉnh sửa các máy bay mà họ đã có thành một thứ khác, bởi nhu cầu của ngành công nghiệp này hiện không giống như thời chiến tranh lạnh và sẽ có những thứ khác nữa trong 10 năm tới”.
Lợi ích dân sự
UAV có nhiều tiềm năng phát triển cho các mục đích từ chiến đấu đến giám sát cháy rừng, chăm sóc mùa màng, tìm kiếm nạn nhân trong các thiên tai, giám sát các mỏ và đường ống dẫn dầu, khí đốt... Các quan chức và lãnh đạo ngành công nghiệp hàng không khẳng định đã đến thời các UAV sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống.
Tại Paris air show từ ngày 17 đến 23-6 ở Pháp, Piaggio Aero đem đến chiếc máy bay thương mại HammerHead cải tiến với các thiết bị phục vụ việc giám sát và hệ thống lái điều khiển từ xa. Piaggio Aero cho biết HammerHead hi vọng sẽ được phép sử dụng từ năm sau, cho một cái nhìn gần vào “những hệ thống bay không người lái trong tương lai”.
Còn chiếc ArchAngel của Iomax, vốn là một máy bay phun hóa chất trong nông nghiệp, được trưng bày với chức năng cải tiến là... tuần tra biên giới. Công ty Thụy Sĩ SenseFly trình làng chiếc UAV giúp vẽ bản đồ địa hình trong khi một công ty của Mỹ giới thiệu một chiếc máy bay dùng năng lượng mặt trời có thể đưa những mặt hàng nhỏ, như thuốc men, đến những khu vực hẻo lánh. Một nhóm nghiên cứu đi xa hơn khi phát triển sản phẩm chim robot có chuyển động sống động như một con chim thật sự.
Thật ra, nhiều nước như Mỹ đã sử dụng UAV với mục đích chính là thu thập thông tin cháy rừng, sự cố hạt nhân, sự di cư của động vật, giúp giải cứu tàu thuyền, trồng rừng... Chi phí để phát triển UAV được cho là rẻ hơn việc phát triển một đội trực thăng để tiếp cận các khu vực hiểm trở. Tại châu Âu, Financial Times đưa tin ba “ông lớn” hàng không là EADS, Finmeccanica và Dassault mới đây cũng hối thúc các lãnh đạo khu vực phát triển một chương trình UAV như Mỹ.
Nhưng để ngành công nghiệp UAV thật sự cất cánh, các quan chức cần làm việc lại về các đạo luật hàng không. Các nhà làm luật trên thế giới cần cho các nhà sản xuất biết họ được tung hứng sáng tạo đến đâu và khi nào, AP nhận định. Cơ quan hàng không Mỹ đang có ý định mở rộng việc sử dụng UAV khi dự kiến hoàn thành bộ luật cho các thiết bị này vào năm 2015, quy định cụ thể về những khu vực UAV được bay, cách đào tạo người điều khiển, các quy định an toàn bắt buộc, mục đích sử dụng... Cơ quan này đã công bố sáu điểm thử nghiệm UAV trên toàn quốc.
Lo ngại quân sự
Công ty nghiên cứu hàng không Teal Group ước tính chi tiêu hằng năm cho UAV trên toàn thế giới sẽ vào khoảng 11,4 tỉ USD vào năm 2022. Số UAV trên bầu trời nước Mỹ năm 2020 sẽ lên đến 30.000 chiếc. Tổ chức vận động hành lang Hiệp hội UAV tung hô rằng việc đưa vào sử dụng UAV ở Mỹ sẽ tạo ra doanh thu 13,6 tỉ USD và 70.000 việc làm. |
John Langford, lãnh đạo Công ty Aurora Flight Sciences, cho rằng một thử thách hiện nay là thay đổi nhận thức về các UAV lâu nay nổi tiếng là những sát thủ thầm lặng thực hiện các nhiệm vụ đánh bom hay dọ thám trên chiến trường. “Họ chưa từng thấy mặt lợi (của UAV) trong lĩnh vực dân sự nhưng đã chứng kiến phần đáng sợ” - ông Langford trả lời AP.
Nhưng tờ Financial Times chỉ ra lý do thật sự của xu hướng trên xuất phát từ sự thay đổi chiến lược quân sự tại các điểm nóng như Afghanistan. “Binh lính đang chuẩn bị trở về từ Trung Á và các nhà kinh doanh đang ba hoa với các chính trị gia về tiềm năng to lớn của UAV trong mảng phi quân sự” - tờ này viết.
Quả thật lo ngại không phải không có căn cứ. Việc sử dụng UAV trong quân sự có thể giảm nhưng ứng dụng công nghệ không người lái vào các máy bay quân sự có thể tạo ra những con quái vật. Theo BBC, nhược điểm của UAV dùng trong quân sự là khả năng tự vệ kém khiến chúng dễ dàng bị bắn hạ. Một trong những giải pháp được đề cập là phát triển những cỗ máy lớn hơn với chức năng chiến đấu toàn diện, có thể bay được những chặng đường dài và nhanh hơn. Chúng có thể tấn công, đánh bom và tự bảo vệ mà không cần phi công.
Eric Trappier, lãnh đạo Công ty hàng không Dassault của Pháp, giải thích UAV là một lợi thế trên chiến trường, cho phép thực hiện những chiến dịch khó khăn và nắm rõ địa hình mới tiếp cận. “Trong một số nhiệm vụ, UAV có thể làm tốt hơn máy bay có người lái” - ông Trappier cho biết.
Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là những người điều khiển các pháo đài bay này từ khoảng cách rất xa liệu có thể nhận thức được tính nghiêm trọng tại vùng chiến sự và những sai lầm mà họ có thể phạm phải. Trang RT của Nga (ngày 6-6-2013) dẫn một tài liệu tình báo của Mỹ cho biết UAV thường giết nhầm tại Pakistan khi có đến 1/4 số nạn nhân trong giai đoạn 2010-2011 không thể xác định được. Một điều tra của AP năm ngoái cũng cho thấy có đến 30% nạn nhân các cuộc không kích của Mỹ tại Pakistan là dân thường hoặc cảnh sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận