Chàng trai Lê Hoài Phương bên cây đàn bầu - Ảnh: NVCC
Tác phẩm Lý kèo chài được Lê Hoài Phương làm mới
2 tác phẩm này nằm trong 7 tác phẩm tâm huyết mà Lê Hoài Phương ấp ủ 10 năm nay và mày mò thực hiện trong suốt 3 năm.
Tiếng đàn bầu không não nề
Khi thực hiện dự án này, Lê Hoài Phương mong muốn khán giả nhận thấy đàn bầu không buồn, không não nề như mọi người vẫn nghĩ mà vẫn tươi mới, mang lại hứng khởi cho người nghe.
Anh chọn thực hiện 7 tác phẩm phát triển từ những điệu lý, bài dân ca rất quen thuộc, trải dọc chiều dài đất nước Việt Nam: Từ phía Bắc với Bèo dạt mây trôi, Mưa rơi (dân ca Tây Bắc), 2 bài dân ca quan họ Bắc Ninh Ngồi tựa mạn thuyền, Ra ngõ mà trông, xuôi vào miền Trung với Lý tình tang mang âm hưởng Huế, rồi lên cao với tác phẩm Tây Nguyên và về đồng bằng Nam Bộ với Lý kéo chài.
Những tác phẩm này được phối trên nền nhạc đương đại kết hợp giữa giao hưởng, điện tử và dân gian. Lý kéo chài của anh đã khiến người nghe bất ngờ khi phối hợp ba yếu tố dân gian - rock - điện tử mang tinh thần phóng khoáng của những ngư dân Nam Bộ. Tiếng đàn bầu khỏe khoắn, uốn lượn như sóng nước giữa những chất nhạc mang hơi thở đương đại.
Lê Hoài Phương đoạt giải nhất độc tấu đàn bầu và ẵm luôn giải sáng tác dành cho tác phẩm Khát vọng trong cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 - Ảnh: LINH ĐOAN
Hoài Phương tâm sự anh muốn đem đến cho người nghe một cái nhìn mới về âm nhạc dân ca của VN.
"Ý tưởng này không phải mỗi mình tôi làm nhưng cách làm của tôi là có pha với giao hưởng. Tôi tiết chế để yếu tố điện tử không quá mạnh, vẫn giữ tính sang trọng của âm nhạc cổ điển kết hợp sự sang trọng của âm nhạc dân gian" - Phương nói.
Vốn là người con đất Huế, định mệnh đẩy đưa khiến Lê Hoài Phương bén duyên với cây đàn bầu. Học hết lớp 12, Phương ra Hà Nội thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia VN, chuyên ngành đàn bầu, đỗ thủ khoa.
Sau 4 năm học, anh lại tốt nghiệp xuất sắc và ở lại trường làm giảng viên. Năm 2003, anh tham gia cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc và đoạt giải nhất độc tấu đàn bầu.
Với những thành tích xuất sắc đó, chàng trai mê đàn bầu được nhận học bổng sang Hàn Quốc du học. Lấy bằng tiến sĩ tại Hàn Quốc với đề tài So sánh tiết tấu nhạc cụ gõ VN và Hàn Quốc, năm 2016 Lê Hoài Phương về nước và trở thành giảng viên giảng dạy tại khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM đến nay.
17 năm "biệt tích" với các cuộc thi tài năng trong nước, năm 2020 Phương trở lại và tạo tiếng vang trong cuộc thi Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc tại TP.HCM khi là người duy nhất đoạt giải nhất độc tấu đàn bầu và ẵm luôn giải sáng tác dành cho tác phẩm Khát vọng.
TS Lê Hoài Phương bên cây đàn bầu - Ảnh: NVCC
Muốn lan tỏa làn điệu VN ra thế giới
Cọ xát rất sớm với bạn bè quốc tế nên khi làm album riêng đàn bầu đầu tiên của mình, Phương đã chuẩn bị rất kỹ. Anh mất thời gian dài mới tìm được nhà sản xuất có sự đồng điệu âm nhạc với mình là Javix (Lê Anh Dũng).
Mong những làn điệu dân ca, điệu lý của VN lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới, trong từng tác phẩm của Hoài Phương đều có yếu tố quốc tế.
Bài Lý kéo chài anh phối hợp thêm các nhạc cụ dân tộc như sáo, tranh, đàn nhị...; đặc biệt có tiếng đàn tam thập lục của nữ nghệ sĩ Hàn Quốc Eunhwa Yun - người nổi tiếng vì quảng bá tiếng đàn dân tộc của mình ra thế giới thông qua con đường nhạc rock.
Bài Mưa rơi anh mời các bạn Mông Cổ có giọng ca khỏe khoắn, nội lực cùng hòa điệu. Hai bài dân ca quan họ Bắc Ninh kết hợp với người bạn Đức, nhạc sĩ Peter Schinler.
Ba năm qua, Phương cứ tỉ mẩn với từng tác phẩm, cứ nghe đi nghe lại, chưa ưng thì chỉnh sửa đến hoàn thiện mới thôi. Và đến nay 7 tác phẩm đã hoàn tất, trước mắt anh sẽ tung từ từ từng tác phẩm trên kênh YouTube và các nền tảng kỹ thuật số cho đến cuối năm.
Ca sĩ Vân Khánh hỗ trợ Hoài Phương với tác phẩm Lý Tình tang mang âm hưởng Huế - Ảnh: NVCC
Hoài Phương chia sẻ anh mong muốn gặp được một đơn vị có chung niềm đam mê, khát khao đưa tiếng đàn dân tộc đến với người trẻ, đến thế giới cùng hợp tác để thực hiện một CD hoàn chỉnh như một tâm huyết của người yêu đàn bầu, phả làn gió mới để những giọt đàn bầu yêu thương sẽ đi cùng thời đại.
Từ thời còn học ở Hàn Quốc, chàng sinh viên năng nổ sinh năm 1982 đã thành lập nhóm nhạc đa quốc tịch Asian Music Ensemble. Nhóm nhạc có Phương đàn bầu, bạn Trung Quốc đàn cổ tranh, bạn Mông Cổ đàn mã độc cầm, các bạn Hàn Quốc chơi sáo, tam thập lục, đàn kéo...
Họ đã được mời biểu diễn và đoạt rất nhiều giải thưởng tại Hàn Quốc và một vài nước trên thế giới.
Khi Hoài Phương về nước, nhóm vẫn giữ liên lạc và cố gắng mỗi năm sáng tác ít nhất một nhạc phẩm để biểu diễn cùng nhau. Nhóm này đã từng sang TP.HCM tham dự lễ hội âm nhạc Hò Zô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận