​Thời kỳ hậu tư bản chủ nghĩa đã bắt đầu

HẢI MINH (THEO THE GUARDIEN) 30/07/2015 01:07 GMT+7

Dưới tựa đề “Kết thúc của chủ nghĩa tư bản đã bắt đầu” (The end of capitalism has begun), Paul Mason, nhà báo Anh, tác giả nhiều đầu sách nổi tiếng và hiện là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Wolverhampton, đã viết trên The Guardian về việc cuộc cách mạng công nghệ thông tin đang đưa chúng ta tiến vào thời kỳ hậu tư bản chủ nghĩa ra sao. TTCT trích giới thiệu luận điểm này.

 

Những lá cờ đỏ và những bài hát với nền nhạc quân hành của Đảng Syriza trong cuộc khủng hoảng Hi Lạp, cộng với niềm tin các ngân hàng sẽ bị quốc hữu hóa đang làm sống lại một giấc mơ của thế kỷ 20: khuất phục thị trường tự do bằng ý chí áp đặt từ trên xuống...

Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản sẽ không bị loại bỏ bởi những lá cờ đỏ và những khúc quân hành. Nó sẽ bị loại bỏ khi chúng ta tạo ra được một lực lượng cơ động mới, đầu tiên khó nhận ra trong hệ thống cũ, nhưng rồi sẽ đột phá, cấu trúc lại nền kinh tế xung quanh những giá trị và cách hành xử mới. Tôi gọi đó là thời kỳ hậu tư bản. 

3 thay đổi lớn từ công nghệ thông tin

25 năm qua, ba thay đổi lớn mà công nghệ thông tin mang lại đã khiến cho thời kỳ hậu tư bản trở nên khả thi. Trước hết, nó giảm yêu cầu làm việc, làm mờ đi ranh giới giữa làm việc và thời gian rảnh rỗi, làm mềm hóa mối quan hệ giữa công việc và tiền lương.

Thứ hai, thông tin đang làm xói mòn khả năng của thị trường tự do trong việc hình thành giá cả một cách chính xác. Điều đó là bởi các thị trường dựa trên sự khan hiếm trong khi thông tin lại rất nhiều. 

Cơ chế phòng thủ của hệ thống này là tạo ra những doanh nghiệp độc quyền, những công ty công nghệ khổng lồ ở quy mô chưa từng thấy trong 200 năm qua, nhưng chúng không thể tồn tại lâu. 

Với việc xây dựng những mô hình kinh doanh và chia sẻ những giá trị dựa trên việc thâu tóm và tư nhân hóa tất cả các thông tin do xã hội sản xuất ra, những công ty như thế đang xây dựng một cấu trúc doanh nghiệp đồ sộ đối lập với nhu cầu cơ bản của con người là sử dụng các ý tưởng một cách tự do.

Thứ ba, chúng ta đang nhìn thấy sự nổi lên không thể ngăn cản của quá trình sản xuất hợp tác: hàng hóa, dịch vụ và các tổ chức không còn đáp ứng các áp đặt của thị trường và các cơ chế quản trị. Sản phẩm thông tin lớn nhất của thế giới, Wikipedia, là một sản phẩm miễn phí của những người tình nguyện, không chỉ tiêu diệt ngành kinh doanh bách khoa toàn thư mà còn gây tổn thất cho ngành công nghiệp quảng cáo trên mạng 3 tỉ USD doanh thu mỗi năm.

Gần như không được chú ý, trong nhiều xó xỉnh của hệ thống thị trường cũ, những mảng lớn các hoạt động kinh tế bắt đầu di chuyển theo một nhịp điệu khác. Những đồng tiền song song, ngân hàng thời gian, các hợp tác xã và những không gian tự quản mọc lên như nấm đã làm lung lay các cấu trúc cũ trong thời kỳ hậu khủng hoảng 2008.

Bạn chỉ có thể tìm thấy nền kinh tế này nếu chú mục thật sự. Ở Hi Lạp, khi một tổ chức phi chính phủ vẽ bản đồ các hợp tác xã lương thực, các nhà sản xuất thay thế, các đồng tiền song song và hệ thống trao đổi địa phương, họ đã phát hiện hơn 70 dự án đáng kể và hàng trăm sáng kiến từ việc chiếm dụng đất công, đi nhờ xe cho tới nhà trẻ miễn phí. 

Với kinh tế học chính thống, những hoạt động đó khó có thể xếp vào hoạt động kinh tế, nhưng điểm quan trọng chính là chỗ đó. Chúng tồn tại vì chúng hoạt động thương mại, dù cho thiếu hiệu quả và chậm trễ ra sao, bằng thứ tiền tệ hậu tư bản: thời gian rỗi, các hoạt động mang tính mạng lưới và những thứ miễn phí. Có vẻ quá nhỏ nhặt và không chính thức, thậm chí là nguy hiểm nếu cho rằng từ những hoạt động đó có thể tạo ra một hệ thống thay thế quy mô toàn cầu, nhưng tiền giấy và tín dụng cũng đã bị nhìn nhận như thế ở thời Edward III (vua Anh 1312-1377).

Những hình thức sở hữu mới, vay mượn mới, những hợp đồng kiểu mới và những văn hóa kinh doanh hoàn toàn mới đã xuất hiện trong 10 năm qua mà truyền thông gọi là “nền kinh tế chia sẻ”. Những từ thời thượng như “hàng hóa chung” và “hàng hóa hợp tác xã” đang ngự trị, nhưng không nhiều người đặt ra câu hỏi những diễn biến đó có ý nghĩa thế nào với chủ nghĩa tư bản.

Tôi tin rằng nó mang tới một lối thoát, nhưng chỉ nếu những dự án vi mô đó được nuôi dưỡng, phát triển và bảo vệ bởi một thay đổi nền tảng trong cách mà các chính phủ đang vận hành. 

Quyền lực của thông tin

Vây quanh chúng ta không chỉ là những cỗ máy thông minh, mà còn là một lớp thực tế mới với trọng tâm là thông tin. Lấy ví dụ một chiếc máy bay. Trên máy bay là tất cả mọi người được kết nối với đủ kiểu màn hình, và ở một số nước may mắn cả với Internet.

Nhìn từ dưới đất, đó vẫn là con chim sắt trắng khổng lồ bằng kim loại như thời phim James Bond. Nhưng giờ nó vừa là một cỗ máy thông minh, vừa là mắt xích trong một mạng lưới. Nó có nhiều nội dung thông tin và đóng góp những “giá trị về mặt thông tin” cũng như giá trị vật chất cho thế giới. Trong một chuyến bay công tác gấp gáp, khi mọi người đều dán mắt vào các phần mềm Excel hay Powerpoint, khoang hành khách là một nhà máy thông tin .

Nhưng giá trị của những thông tin đó ra sao? Một nghiên cứu của Viện SAS năm 2013 cho thấy để định giá thông tin thì chi phí thu thập, giá trị thị trường hay thu nhập tương lai từ thông tin đó đều không đủ. Chỉ qua một hình thức kế toán bao gồm tính tới những lợi ích phi kinh tế và những rủi ro, các công ty mới có thể thật sự giải thích cho cổ đông của họ rằng thông tin thật sự có giá trị như thế nào. Đã xuất hiện sự gãy đổ trong thứ logic mà chúng ta sử dụng để định giá những điều quan trọng nhất của thế giới hiện đại.

Tiến bộ công nghệ tuyệt vời vào đầu thế kỷ 21 bao gồm không chỉ những đồ vật và quy trình mới, mà còn làm cả những thứ cũ trở nên thông minh. Nội dung kiến thức về các sản phẩm trở nên giá trị hơn những nguồn lực vật chất để tạo ra chúng. Nhưng đó là một thứ giá trị được đo đếm bằng sự hữu ích, chứ không phải giá trị trao đổi hay tài chính.

Thông tin trong thời hiện đại đã trở thành một thứ hàng hóa mà chủ nghĩa tư bản truyền thống chưa bao giờ thấy. Mặc dù đã xảy ra tình trạng độc quyền thông tin và giám sát bởi một số tập đoàn và chính phủ, thông tin về cơ bản vẫn là một hàng hóa xã hội, được sử dụng miễn phí, không thể sở hữu, khai thác hay định giá.

Rất nhiều nhà kinh tế học và doanh nhân lừng lẫy của thời hiện đại đã nhận ra điều đó. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn, một nhà kinh tế học thế kỷ 19, thời đại của điện tín và máy hơi nước, đã dự báo được điều đó rồi. Tên của người đó: Karl Marx. 

 "Thông tin trong thời hiện đại đã trở thành một thứ hàng hóa mà chủ nghĩa tư bản truyền thống chưa bao giờ thấy".

 

Marx đã cho rằng một khi tri thức trở thành lực lượng sản xuất chính yếu, quan trọng hơn lao động thực tế để tạo ra một cỗ máy, câu hỏi lớn giờ không còn là “tiền lương so với lợi nhuận” mà là ai kiểm soát, theo lời Marx, “quyền lực của tri thức”.

 Trong một nền kinh tế mà máy móc làm gần hết mọi việc, bản chất của tri thức ở trong cỗ máy đó, theo Marx, “phải thuộc về xã hội”. Trong những tưởng tượng mà ở thời đó hẳn bị coi là hoang đường, Marx vẽ ra viễn cảnh về một “cỗ máy lý tưởng”, với chi phí bằng không và có thể hoạt động vĩnh cửu.

Một cỗ máy như thế sẽ nhanh chóng làm giảm giá cả hàng hóa, lợi nhuận và chi phí lao động ở bất cứ thứ gì mà nó chạm vào

.Bối cảnh là thị trấn Kentish Town, London, tháng 2-1858, khoảng 4 giờ sáng. Marx đang bị truy nã ở Đức và đang nỗ lực hoàn tất một tác phẩm của ông. Khi tác phẩm đó được in ra, ngay cả những người cánh tả hồi những năm 1960 cũng nói cuốn sách “thách thức mọi diễn giải nghiêm túc về Marx từng được thừa nhận”. 

Tựa của cuốn sách đó là The fragment on machines (Sự phân mảng của máy móc). 

Trong cuốn sách, Marx tưởng tượng về một nền kinh tế mà vai trò chính của máy móc là sản xuất, còn vai trò chính của con người là giám sát. Ông vạch rõ trong một nền kinh tế như thế, lực lượng sản xuất chính yếu sẽ là thông tin. Năng lực sản xuất của những máy móc đó, như máy dệt tự động, máy điện tín hay đầu máy hơi nước không phụ thuộc vào lượng lao động tập trung vào chúng, mà vào tình trạng của tri thức xã hội. Khả năng tổ chức và tri thức, nói cách khác, đóng góp lớn hơn vào năng lực sản xuất so với việc tạo ra hay vận hành máy móc.

Ngày nay, chúng ta hiểu rằng thông tin là “quyền lực của tri thức”, Internet và các mã nguồn mở là “cỗ máy lý tưởng” và băng thông rộng, cáp quang là “nhà máy” để cỗ máy đó hoạt động, chúng ta đã thấy rằng quả thật kết hợp lại, chúng đã làm giảm giá cả tất cả mọi thứ, và giá trị những tư duy cực kỳ cấp tiến của Marx trở nên rõ ràng. Trong cuốn sách được viết vào giữa thế kỷ 19 đó, Marx đã tưởng tượng ra điều rất gần với nền kinh tế thông tin mà chúng ta đang sống.

Những thay đổi của thời hiện đại với sự tham gia của các nhà nước, thị trường và sản xuất hợp tác đã vượt ra ngoài khuôn khổ của thị trường tự do trong chủ nghĩa tư bản truyền thống. Ngày nay, cả xã hội là một nhà máy khổng lồ. Chúng ta đều tham gia việc sáng tạo và tái tạo những thương hiệu, những chuẩn mực tiêu dùng và các định chế xung quanh chúng ta.

Không sai, các nhà nước vẫn có thể ngăn chặn Facebook và Twitter, hay thậm chí là cả mạng Internet và mạng di động trong những thời điểm khủng hoảng (và cùng với đó làm tê liệt nền kinh tế). Họ cũng có thể giám sát từng kilobyte thông tin, nhưng họ không thể tái lập sự thống trị tuyệt đối về mặt thông tin với xã hội như 50 năm về trước nữa.

Vì thế, đây rõ ràng không chỉ là một sự chuyển đổi về chính trị. Internet, theo lời nhà kinh tế học người Pháp Yann Moulier-Boutang, “vừa là con tàu, vừa là đại dương” trong hành trình khám phá những chân trời mới. 

Nhưng những diễn biến mới nhất của nền kinh tế thông tin cho thấy còn hơn thế, Internet không chỉ là con tàu, đại dương, nó còn là la bàn và cả kho báu cho hành trình mới của một nền kinh tế hậu tư bản chủ nghĩa.

Nhưng liệu có phải là một thứ chủ nghĩa không tưởng nữa khi tin rằng chúng ta đã ở bến bờ của thời đại hậu tư bản chủ nghĩa? Tất nhiên, chúng ta cần nhiều hơn là những giấc mơ và các dự án thử nghiệm quy mô nhỏ để thật sự nhận rằng chúng ta đã bước sang một thời đại lịch sử mới.

Chúng ta cần một dự án dựa trên những lý lẽ đúng đắn, những bằng chứng thuyết phục, những thiết kế khả thi rút tỉa từ lịch sử và bền vững với hành tinh của chúng ta. Và chúng ta cần sớm một dự án như thế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận