25/05/2019 00:54 GMT+7

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, hơn 90% vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức người tham gia giao thông.

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 1.

Một ôtô cố vượt đèn vàng trên đường Cao Thắng nhưng không kịp, phải dừng lại giữa chừng, cản trở các phương tiện khác - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bắt nguồn từ những hành vi xấu xí khi lưu thông trên đường như chạy ngược chiều, chạy lạng lách, đánh võng đã dẫn tới những cái chết thương tâm, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng.

Ban An toàn giao thông TP.HCM cũng chỉ ra một số hành vi xấu xí khi tham gia giao thông tồn tại ở Việt Nam:

Không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông

Nhiều người đi đường không tuân thủ đèn tín hiệu đèn giao thông, biển báo giao thông, thậm chí cố tình vi phạm. Dễ nhìn thấy nhất, ở các ngã tư, giao lộ, xe cộ đông đúc rất dễ ùn tắc, tai nạn. 

Dù đèn tín hiệu đã báo dừng, một số đông người vẫn cố ý tràn qua, chạy thật nhanh sang đường. 

Chỉ cần một người có hành vi vượt đèn đỏ là những người đi sau sẽ vượt theo, dẫn đến tình hình giao thông trở nên hỗn loạn.

Lấn làn

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 2.

Xe khách và ôtô chạy vào làn dành cho xe máy trên đoạn đường nối đường cao tốc từ nút giao thông An Phú, Q.2 đến đường vành đai 2, Q.9, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện nay, toàn bộ các tuyến đường trên cả nước đều được kẻ vạch, chia làn đường cụ thể, có kèm theo bảng chỉ dẫn. Tuy nhiên, hầu hết người đi đường đều không quan tâm. 

Khi đang lưu thông trên đường, gặp trường hợp hơi đông, người tham gia giao thông sẽ mất kiên nhẫn và chạy lấn qua làn đường bên kia hướng chạy ngược chiều lại. 

Đa phần suy nghĩ chạy như vậy sẽ giúp tiết kiện thời gian làm giảm thời gian lưu thông lại, nhưng không phải vậy, vì tạo ra những nút thắt cổ chai lúc gặp các con lươn phân đường, hay các đoạn giao nhau. 

Một số tuyến đường xe ô tô lấn sang làn xe máy, xe máy len vào làn xe ô tô dẫn tới va chạm giao thông thường xuyên.

Phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến tai nạn

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 3.

Một vụ tại nạn trên đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM do người chạy xe máy vượt ẩu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mặc dù các cơ quan chức năng đã công bố quy định về tốc độ di chuyển trên các tuyến đường, nhưng người đi đường thường "phóng nhanh, vượt ẩu", đi quá tốc độ quy định gây ra tai nạn đáng tiếc. Điều này còn dẫn tới các hệ lụy khác như ùn tắc, kẹt xe…

Vì vậy, để tránh tối thiểu tai nạn giao thông, chúng ta nên tuân thủ đúng luật giao thông, chạy đúng tốc độ.

Đi ngược chiều, quay đầu xe không đúng nơi quy định

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 4.

Đoàn xe nối đuôi chạy ngược chiều trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q. Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đi dọc các nút giao thông lớn tại TP.HCM, các cầu vượt…, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những hàng người nối đuôi nhau đi ngược chiều trên đường, quay đầu xe bất cứ chỗ nào. 

Đi ngược chiều là "trò chơi" mạo hiểm nhất ở Việt Nam khi tham gia giao thông trên đường. Trên các đoạn đường đông, nếu gặp một phương tiện đi ngược chiều bạn sẽ thấy tốc độ tham gia giao thông của các phương tiện bị ảnh hưởng như thế nào. 

Ngoài ra, đi ngược chiều rất dễ gây tai nạn, vì cản trở tầm nhìn của các phương tiện khác, làm họ không thể chủ động trong các tình huống va chạm. 

Khi được hỏi, nhiều người đi đường đều thản nhiên trả lời, việc đi ngược chiều sẽ giúp họ tiết kiệm được thời gian đi lại, tránh phải đi đường vòng.

Không đội mũ bảo hiểm

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 5.

Sinh viên chở 3 không đội mũ bảo hiểm ở làng đại học Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Quy định gắt gao và xử phạt nghiêm việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện đã thực sự giảm thiểu được số ca chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn. Nhưng vẫn có nhiều người xem đó là phiền, trốn tránh việc đội mũ. 

Có hai hình thức đối phó, một là đội những chiếc mũ bảo hiểm thời trang gần như không có tác dụng bảo vệ khi va chạm, và hai là không đội mũ. 

Tình trạng không đội mũ đang là khá phổ biến với những ai đang sử dụng xe đạp điện, đặc biệt là học sinh sinh viên, hoặc chủ quan vì đoạn đường ngắn, ít có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ…

Vừa lái xe vừa nghe điện thoại

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 6.

Vừa chạy xe vừa nghe điện thoại trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc nghe điện thoại, thậm chí nhắn tin cầm lái dẫn tới việc không tập trung lái xe, có thể gây nên những tai nạn đáng tiếc. Để vừa bảo vệ sự an toàn của mình, vừa đề phòng cướp giật, tai nạn, hãy dừng xe sát lề phải trong cùng của đường (ở những đường được phép dừng đỗ) rồi hãy sử dụng điện thoại, hạn chế cả hai trường hợp là thiệt hại về người và tài sản.

Leo lề, chạy xe lên vỉa hè

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 7.

Chạy xe máy trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vỉa hè được thiết kế dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm, đường xá đông đúc, một số người vô ý thức leo lề, chạy xe máy trên vỉa hè. Điều này khiến vỉa hè tan nát, giao thông xấu xí. 

Nhiều đoạn vỉa hè vừa được quy hoạch, lót đá rất đẹp đã bị cày xới tan nát gây tốn kém rất nhiều kinh phí. Vì mất lối đi, người đi bộ phải đi xuống lòng đường, rất dễ bị tai nạn giao thông.

Khạc nhổ khi đi trên đường

Thói hư tật xấu khó bỏ của người Việt khi chạy xe - Ảnh 8.

Khạc nhổ bừa bãi khi tham gia giao thông là một trong những hành vi xấu của người Việt - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Đây là một trong những thói quen mất vệ sinh nhất của người Việt. Tình trạng khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, khi đi trên đường không phải là chuyện hiếm mà vẫn không có giải pháp gì khắc phục. 

Người Việt không phải không biết cách khạc nhổ đúng chỗ, đúng nơi qui định, bằng chứng là họ ra nước ngoài chấp hành rất nghiêm qui định của nước sở tại. 

Vậy tại sao trong nước họ lại tự do như vậy, có nhiều trường hợp khạc nhổ cả vào người đi bên cạnh rồi phóng "vù" đi mà không được một lời xin lỗi?

Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng những hành vi xấu xí như vậy cần phải sớm loại bỏ, để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ách tắc giao thông, bảo vệ nét đẹp văn hóa giao thông người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. 

Để làm được điều này, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành pháp luật, lực lượng cảnh sát giao thông phải hành luật nghiêm minh. 

Nước ta có thể nghiên cứu tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông do thiếu ý thức. Ngoài ra, các trường học nên đưa việc giáo dục văn hóa giao thông vào giảng đường để rèn luyện ý thức cho mỗi người dân.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên