Chuyện 1.200 học sinh Trường Nghi Lộc 3 phải nghỉ học và ngồi lắng nghe "nhà báo quốc tế" huyên thuyên hàng giờ dạy dỗ các em thật hài hước. Nhất là khi có hàng loạt quan chức cao cấp của Hội Nhà báo Việt Nam, của Viện Kiểm sát nhân dân Nghệ An đi cùng kẻ giả dạng này.
Một vụ khác, có một công ty ở Việt Nam chuyên tư vấn định cư Canada. Để hút khách, họ mời tới một anh Tây balô với mác ứng cử viên thị trưởng của thành phố X.
Vậy là hàng loạt người sôi sùng sục lên, xông vào ký hợp đồng, nộp tiền tư vấn cho công ty kia, trong khi đi được hay không thì không cần biết. Không một ai chịu tìm hiểu xem chàng ứng viên kia là thật hay giả.
Vậy cái gì khiến cho người ta, kể cả những quan chức, những người có ăn học cao, thậm chí từng đi nước ngoài lại bị lừa một cách dễ dàng như vậy?
Đó chính là thói hám danh. Nó nảy nòi từ xã hội vừa thoát khỏi cảnh thiếu ăn chưa lâu. Và cũng được sinh ra, nuôi dưỡng trong một nền giáo dục chuộng hình thức và thành tích giả dối.
Hệ quả là sự mù quáng của những người vì hám danh mà đánh mất cả lý trí, cả suy nghĩ có tính phản biện với bất cứ con người, sự việc, sự vật hay hiện tượng nào mà mình thấy ngoài đời để có kết luận đúng sai, phải trái.
Đồng thời có rất nhiều kẻ hãnh tiến, háo danh dựa vào tâm lý này để trục lợi dễ dàng.
Mới đây, nhà chức trách đã bắt được một vụ làm bằng giả mà tang vật lên tới 1 tấn phôi bằng với hàng trăm con dấu giả là minh chứng cho thị trường có cầu ắt có cung. Khi các chức danh, bằng cấp giả trong nước không còn sức hút như trước thì họ tìm ra các chức danh, bằng cấp giả ở nước ngoài.
Năm 2014, Campuchia có một bộ trưởng giáo dục mới là tiến sĩ Hang Chuon Naron. Để cải cách giáo dục, dù xuất thân là thứ trưởng Bộ Tài chính, ông không lấy ngân sách đổ vào các dự án về sách giáo khoa, về học đường mà tập trung vào một khâu là trung thực trong thi cử. Bởi theo ông, trung thực và chất lượng mới là số 1, từ đó mới có thể nâng cao chất lượng dạy và học.
Ông đã dũng cảm tổ chức một kỳ thi mà từ 80% học sinh thi đậu THPT trước đó với rất nhiều gian lận, chỉ còn 25,7% số học sinh có thể tốt nghiệp. Năm 2015, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT ở Campuchia là 56%; năm 2016 là 62%; năm 2017 là 63,84%.
Chỉ cần trung thực thi cử, lập tức nền giáo dục chạy theo thành tích giả sẽ phải thay đổi và từ đó, thói hám danh cũng sẽ dần dà bị triệt tiêu. Bởi hám danh, chạy theo tệ giả dối thay cho thực học, thực nghiệp đang kìm hãm sự phát triển và làm lệch lạc các thang giá trị của xã hội.
Trong khi chúng ta còn chìm đắm với điều đó, các quốc gia phát triển từ lâu đã coi trọng việc thu hút nhân tài dựa trên tài năng và đức độ thực sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận