Phóng to |
Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trả lời phỏng vấn của các PV sau buổi họp báo sáng 23-6 - Ảnh: Như Hùng |
Về việc ngưng chương trình CIE Cambridge, ông Lê Hồng Sơn cho hay: “Từ năm 2011, tôi đã có ý tưởng không thể thực hiện mãi mãi chương trình Cambridge khi nó là một chương trình của nước bản xứ, không đáp ứng được yêu cầu: học sinh vừa được tiếp cận nội dung tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa dân tộc”.
Ông Sơn khẳng định: “Chương trình tích hợp có nội dung và phương pháp phù hợp với VN, đảm bảo kiến thức về mặt khoa học, kiến thức toán, học thuật, đảm bảo có chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng nội dung chương trình. Tôi cam đoan điều đó. Còn việc chứng minh được chương trình có tốt hay không thì thời gian sẽ trả lời. Chúng ta không thể ngồi đây đánh giá được chương trình có tốt hay không hoặc chất lượng như thế nào”.
Ngày 12-6 sở mới nhận được email và thông tin ngừng cung cấp chương trình (Cambridge - PV) của CIE. Chúng tôi đã yêu cầu CIE và EMG ngồi lại bàn bạc để đảm bảo quyền lợi của học sinh đã theo học chương trình này. Tất cả học sinh vẫn tiếp tục học đến năm 2018 để lấy chứng chỉ của CIE hoặc muốn chuyển tiếp sang chương trình tích hợp là quyền của phụ huynh |
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Trước đây, khi thực hiện chương trình Cambridge, nhà trường phổ thông không được tham gia đánh giá học sinh và giáo viên. Chương trình tích hợp sẽ như thế nào?”, ông Sơn nói: “Đây là chương trình tự chủ, có sự giám sát tự chủ của hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn vừa dự giờ cũng như sở, phòng GD-ĐT”.
Trước hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc dừng chương trình Cambridge: Tại sao lại chọn đối tác là EMG Education? Tại sao từ tháng 1-2014 CIE đã thông báo việc ngưng hợp tác với EMG, nhưng đến tháng 6 sở vẫn không công bố thông tin này cho phụ huynh biết (thậm chí còn có thông tin đề nghị các trường không công bố)? Tại sao chương trình mới tiếp tục thực hiện với chính đơn vị đã bị CIE ngưng hợp tác?..., ông Sơn cho rằng: “Ngay trong năm vừa rồi, sở đã thiện chí đề nghị CIE phối hợp để thực hiện một chương trình tích hợp nhưng họ chỉ muốn thực hiện chương trình bản quyền của họ thôi. Việc lựa chọn đối tác nào để thực hiện đề án là giải pháp chứ không phải chủ trương của sở. Chủ trương của sở là tìm chương trình mới, là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thích ứng với chương trình, làm sao để xin được chủ trương của trung ương, TP, đáp ứng yêu cầu của phụ huynh học sinh. TP đã phổ cập giáo dục trung học, nâng cao dân trí, không thể giáo dục theo kiểu cào bằng. Ví dụ như con anh A muốn học chương trình tiên tiến vì có điều kiện hơn nhưng bắt học như con anh B thì sở không có chủ trương đó”.
Tại cuộc họp báo, ông Sơn khẳng định TP.HCM sẽ thí điểm chương trình tích hợp trong năm học 2014-2015: “Về câu hỏi tại sao thí điểm ở trường công lập, tôi giải thích như thế này: với quy mô của các trường công lập hiện nay, có thể tổ chức thêm 1-2 phòng học để thí điểm thì đơn vị đối tác phải có trách nhiệm trả kinh phí cho nhà trường để bổ sung cơ sở vật chất. Một chương trình quốc tế ở trường quốc tế ngay tại TP có học phí cao gấp 10 lần so với mức học phí trong trường công. Việc tận dụng cơ sở vật chất của công lập là tạo điều kiện phụ huynh đến với chương trình nhiều hơn, đông hơn. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo nhiều lần với Thành ủy, UBND, mang lại điều tốt nhất cho học sinh”.
Cơn sốt một thời! Theo tinh thần đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, chương trình phổ thông quốc tế Cambridge (CT Cambridge) được đưa vào giảng dạy tại một số trường học ở Hà Nội từ năm 2009. Năm 2010, chương trình được tổ chức thí điểm tại TP.HCM trên cơ sở phụ huynh tự nguyện đăng ký. Cơn sốt của một chương trình thuộc một tổ chức kinh nghiệm và uy tín, đã có hơn 160 nước trên thế giới đưa vào giảng dạy và lấy làm chuẩn khảo thí, khiến hàng loạt phụ huynh chạy đôn chạy đáo tìm cho con một chỗ học chương trình này dù học phí đắt đỏ. Tuy nhiên, phụ huynh bắt đầu nhìn thấy những bất cập của chương trình sau vài năm thực hiện. Chương trình nặng, học sinh không theo kịp vì phải vừa đảm bảo chương trình tiếng Việt, vừa đảm bảo chương trình tiếng Anh, chênh lệch sĩ số học sinh giữa lớp Cambridge và lớp bình thường, phải đảm bảo tu bổ cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện hợp đồng, học sinh chuyển cấp khó vào được trường có dạy Cambridge bởi cơ chế phân tuyến... L.TRANG |
GS Nguyễn Minh Thuyết: Không thể đưa vào trường chương trình chưa được kiểm định Về nguyên tắc, bất cứ chương trình hay sách nào đưa vào dạy trong trường học, nhất là trường phổ thông, đều phải được một hội đồng chuyên môn thẩm định. Tôi được biết hiện nay, dựa vào chủ trương “phổ cập tiếng Anh”, không ít địa phương và cơ sở giáo dục đã thay thế chương trình, sách giáo khoa nhiều môn học bằng những chương trình và sách tiếng Anh không được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và cũng không công bố rõ ràng chương trình và sách dạy chịu sự kiểm định chất lượng của tổ chức nào. Đây là vấn đề cần khắc phục. Việc TP.HCM đưa vào trường phổ thông một chương trình dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh và đã được Bộ GD-ĐT cho phép thì Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm thẩm định và chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình. V.HÀ ghi Sao lại đưa con tôi ra “thí điểm”? “Con tôi thuộc lứa học sinh đầu tiên hưởng thụ chương trình Cambridge. Ban đầu, chúng tôi hết sức tin tưởng vào chương trình mà Sở GD-ĐT đã chọn lựa và giới thiệu. Khi nghe thông tin chương trình ngưng tuyển sinh vì đã xong giai đoạn... thí điểm, sẽ có chương trình mới thay thế, phụ huynh chúng tôi rất băn khoăn. Năm sau con tôi lên lớp 5, cháu sẽ tiếp tục được học chương trình Cambridge, nhưng ai dám chắc một chương trình đang trong lộ trình ngưng hoạt động liệu có còn tốt hay không, có được đơn vị cung cấp đầu tư hay không trong khi học phí vẫn cao như vậy. Rồi hết lớp 5, con tôi lên lớp 6 sẽ học chương trình gì? Bao năm qua gia đình tôi đổ tiền bạc cho con học một chương trình được quảng cáo là tốt, rồi một ngày đẹp trời sở nói rằng sẽ thay thế bằng chương trình ưu việt hơn, liệu phụ huynh có nên tin tưởng và đầu tư cho con nữa hay không? Và một hai năm nữa liệu rằng chương trình mới có bị thay thế nữa hay không? Một phụ huynh tại Q.1, TP.HCM có con học bốn năm chương trình Cambridge |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận