Gừng là một loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Việt. Từ món đơn giản như vịt luộc, món rau luộc đến những món phức tạp như cá kho, món gà rang, món thịt lợn nướng… đều cần đến gừng để gia tăng hương vị.
Ngoài có lợi ích trong thực phẩm, gừng còn được biết đến như một bài thuốc quý chữa được nhiều bệnh như bệnh cảm lạnh, khó tiêu, đau bụng, đầy hơi, co giật và các vấn đề liên quan đến đường ruột khác.
Trong Đông y, gừng còn có tên gọi khác là sinh khương, là loại gia vị có vị cay nhưng ấm, có công dụng tán hàn ôn trung, làm ấm tỳ vị, chống nôn, sát khuẩn, giảm đau, chống viêm, còn có thể thư giãn mao mạch, tăng cường tuần hoàn máu… Theo các chuyên gia Đông y, tuy gừng là thực phẩm bổ dưỡng nhưng phải biết sử dụng đúng cách thì mới phát huy được tác dụng hiệu quả.
1. Thời điểm tối kỵ không nên dùng gừng
Dân gian có câu nói “Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm. Buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín”.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), mặc dù củ gừng là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu không biết dùng đúng cách thì sẽ gây hại. Tốt nhất là bạn chỉ nên dùng gừng vào ban ngày, dùng gừng lúc này sẽ giúp lượng khí trong dạ dày tăng lên, đồng thời giúp kiện tỳ ôn vị, khích lệ dương khí, do đó thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu hoạt động hiệu quả.
Dù lời ví von “buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín" là lời nói thổi phồng về tác hại của gừng. Song lương y Sáng vẫn cảnh báo buổi tối nên hạn chế dùng gừng bởi buổi tối là lúc dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm quy luật sinh lý, gây ra đau bụng, khó chịu, mất ngủ và nóng trong.
Để bồi bổ sức khỏe vào ban đêm thì chúng ta có thể thay thế gừng bằng củ cải. Củ cải có tính hàn, có tác dụng hạ hỏa thanh nhiệt, giảm chứng đầy bụng, tốt cho hệ tiêu hóa và có lợi cho việc nghỉ ngơi.
2. Lợi ích khi dùng gừng đúng cách cho cả nam và nữ
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) chia sẻ, trong thành phần gừng có chứa tinh dầu, tinh bột, chất cay nên có công dụng chữa bệnh. Và quả thực, hiện nay có trên 70% các đơn thuốc Đông y có chứa thành phần là gừng bởi lẽ chúng có thể hỗ trợ làm ấm, hồi dương, chống lạnh… cực kì hiệu quả.
Dưới đây là 5 bài thuốc quý từ gừng mà lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ nhằm phòng ngừa và điều trị nhiều loại bệnh:
- Trị bệnh cảm cúm:
Nguyên liệu: Gừng tươi 20g, kinh giới 20 - 30g, tử tô diệp 20 - 30g.
Cách làm: Đem hỗn hợp trên đi sắc thành nước, cho thêm đường đỏ vào để tạo vị rồi khuấy đều. Đợi bát thuốc nguội thì có thể lấy ra dùng.
- Giảm tình trạng say tàu xe:
Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, chống nôn ói. Vì thế trước khi lên tàu, bạn chỉ cần ăn một lát gừng tươi thái nhỏ là đã có thể giảm nguy cơ bị say xe. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang sẵn một lát gừng tươi sau đó cầm trên tay, khi nào lên tàu thì chỉ việc đặt chúng dưới lỗ mũi để cho hương vị hăng, cay của gừng bay mũi.
- Tăng cường sinh lý cho phái mạnh
Đối với đàn ông yếu sinh lý thì có thể làm trà gừng để tăng cường bản lĩnh của đàn ông. Đầu tiên bạn hãm gừng với nước nóng, cho mật ong vào khuấy đều, sau đó thêm ít tranh là sẽ được một cốc trà thơm lừng và bổ dưỡng cho cơ thể.
- Trị bệnh viêm đường hô hấp
Một bát cháo gừng hoặc một ly trà gừng nóng sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những người bị ho hen, viêm họng... uống để phục hồi sức khỏe.
- Điều trị trúng gió
Gừng có tính ấm nên có thể dùng gừng để đánh gió. Đánh gió bằng gừng giúp bệnh nhân vơi bớt cảm giác khó chịu, tăng cường sức đề kháng và mau khỏi bệnh.
- Chữa bong gân, sưng đau do ngã
Lấy một mẩu gừng tươi đem giã rồi trộn cùng một ít muối, sau đó cho hỗn hợp này vào chảo xào đảo sơ qua để tạo độ ấm. Cho bài thuốc chữa bong gân này đắp lên chỗ bị thương, dùng gạc để quấn lại. Thực hiện đều đặn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ thì sẽ thấy vết thương giảm đau.
Lưu ý khi dùng:
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, gừng là một loại gia vị tốt nhưng không nên quá lạm dụng vì có thể gây ra các tác hại xấu như làm toét mắt, chảy nước mắt sống. Đối với người có tạng nóng, hay lở miệng, táo bón… nên hạn chế ăn gừng vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Tuyệt đối không dùng gừng đã bị hỏng, bốc mùi hôi thối vì có thể trong củ gừng khi đó đã bị nhiễm độc. Ngoài ra, bạn chỉ nên rửa sạch gừng dưới nước mà không nên lột vỏ cừ gừng vì có thể làm mất đi tác dụng chữa bệnh của chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận