Chúng ta thường hay nghĩ những gì chúng ta ăn vào có ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn so với thời điểm ăn trong ngày nhưng điều quan trọng cần nhớ là cơ thể chúng ta tiêu hóa thức ăn khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
Theo Healthline, ăn đúng giờ mỗi ngày giúp tăng năng lượng và giảm các yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng chuyển hóa và bệnh mãn tính. Tuy nhiên, để thực hiện được lộ trình ăn uống đúng giờ này thì không hề dễ.
Ngoài ra, yếu tố di truyền của mỗi cá nhân ảnh hưởng nhiều đến cách cơ thể điều chỉnh nhịp sinh học để tương tác với thời điểm các bữa ăn. Vì thế, không có một lịch trình ăn tốt nhất cho từng cá nhân mỗi người.
Bridget Benelam của Tổ chức Dinh dưỡng Anh cũng cho rằng không có thời điểm tối ưu để ăn trong ngày vì thời gian ăn uống phù hợp với người này có thể không phù hợp với người khác. Chúng ta thực sự cần tìm những thời điểm phù hợp cho chính mình. Điều quan trọng là phải biết các tín hiệu thèm ăn bên trong của cơ thể chúng ta. Đó là lúc chúng ta cần ăn để bổ sung năng lượng. Một chế độ ăn uống hợp lý và đầy dinh dưỡng sẽ tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, cũng có một vài nghiên cứu đề xuất những khung giờ ăn có thể tốt cho sức khỏe. Chúng ta có thể tham khảo dưới đây:
Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày sau giấc ngủ dài, vì vậy rất quan trọng để cơ thể có đủ năng lượng cho các hoạt động trong 1 ngày mới và cũng giúp phòng ngừa một vài bệnh. Theo chuyên gia dinh dưỡng người Ấn Độ - Pavithra N Ra chia sẻ trên NDTV, thời gian ăn sáng tốt nhất là trong vòng 2 tiếng sau khi ngủ dậy hoặc là giữa 7 - 9 giờ sáng. Nếu sau khi chúng ta ngủ dậy, chúng ta ăn sáng càng sớm thì càng tốt cho quá trình trao đổi chất. Cơ thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng nhanh hơn và tốt hơn.
Một bữa ăn sáng giàu protein luôn tốt nhất cho những ai muốn giảm cân, vì nó giảm nguy cơ tích tụ chất béo trong cơ thể và hàm lượng protein cao làm chúng ta cảm thấy no lâu. Theo Forklift & Palate, để tránh lượng đường trong máu tăng, chúng ta hãy bỏ qua một món bánh ngọt lớn hoặc đồ uống cà phê có đường. Thay vào đó, chúng ta có thể dùng bánh mì nướng nguyên cám với bơ đậu phộng và dâu tây.
Một vài nghiên cứu cho thấy rằng bỏ bữa sáng có thể ảnh hưởng đến chất lượng khẩu phần ăn, dẫn đến ăn nhiều calo trong bữa trưa và ăn ít những thực phẩm bổ dưỡng khác trong suốt thời gian còn lại trong ngày.
Bữa trưa: Một vài nghiên cứu cho thấy rằng bên cạnh việc ăn đều đặn các bữa sáng, ăn bữa trưa sớm có thể giúp giảm cân. Điều này còn có thể tạo nên một hệ vi sinh vật khỏe mạnh hơn và trao đổi chất tốt hơn. Good To Know gợi ý chúng ta có thể ăn trưa từ 12 giờ 30 trưa đến 1 giờ chiều. Trong đó, 12 giờ 38 là thời điểm tốt nhất.
Bữa tối: Ăn tối sớm và tránh ăn khẩu phần calo cao trước giờ ngủ để giúp sức khỏe tốt hơn. Một nghiên cứu được thực hiện ở 8.000 người lớn ở Nhật được xuất bản trên PubMed cho thấy ăn tối trễ gây nên rối loạn lipid máu - lượng mỡ trong máu cao hơn và là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mãn tính. Những nghiên cứu khác còn cho thấy ăn tối muộn dẫn đến những thay đổi về chất béo trong cơ thể, tăng cân và ảnh hưởng khả năng tiêu hóa đường trong cơ thể.
Theo Good To Know, thời gian tối ưu cho bữa tối là từ 6 giờ chiều đến 6 giờ 30 chiều, tốt nhất là 6 giờ 14 phút chiều. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí European Heart Journal cho thấy rằng thường xuyên ăn tối sau 8 giờ tối có thể khiến vòng eo tăng thêm 2 inch (5,08 cm).
Chúng ta không nên bỏ bất cứ một bữa ăn nào trong ngày. Đặc biệt đối với những người muốn giảm cân, họ càng không nên bỏ bữa. Nếu cơ thể không nhận được thức ăn thì nó sẽ không được nuôi dưỡng, vì vậy nó sẽ tích trữ chất béo khi quá trình trao đổi chất chậm lại để dự trữ năng lượng. Lúc đầu, cơ thể có thể giảm cân, nhưng sau đó điều đó kích thích chúng ta sẽ ăn nhiều hơn và khiến tăng cân trở lại. 3 bữa 1 ngày với các món ăn nhẹ lành mạnh ở giữa các bữa ăn vẫn là cách tối ưu để giảm cân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận