Ông Philipp Rösler hiện là lãnh sự danh dự VN tại Thụy Sĩ, chủ tịch Diễn đàn kinh tế VN - Thụy Sĩ, người được Thủ tướng mời tham gia tổ nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Trao đổi nhân dịp trở lại Việt Nam lần này, ông Philipp Rösler cho biết:
- Đầu năm nay, khi tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn VN tại Davos (Thụy Sĩ), tôi đã sắp xếp để đoàn gặp gỡ cộng đồng ngân hàng và tài chính tại Thụy Sĩ, trong bối cảnh Chính phủ VN quyết định xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Tôi trở lại VN lần này để kết nối với các ngân hàng VN cũng như các công ty liên quan trong lĩnh vực tài chính nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tổng thể này.
* Điều này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của TP.HCM và VN trong những năm tới?
- Nếu nhìn vào những trung tâm tài chính quốc tế đã được xây dựng, có thể thấy rõ lợi ích mà chúng đem đến cho lĩnh vực ngân hàng và tài chính.
Không chỉ vậy, các trung tâm này còn thu hút sự hiện diện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng như nhà ở hay trường học quốc tế đến để phục vụ những người làm việc trong khu vực.
Ngoài ra, ngành tài chính cũng phục vụ nền kinh tế VN, bao gồm việc cung cấp tín dụng và vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và các doanh nghiệp gia đình, phù hợp với nhu cầu cụ thể của nền kinh tế.
Tôi tin rằng một trung tâm tài chính sẽ mang lại lợi ích cho TP.HCM, khu vực, toàn bộ VN và thậm chí vượt ra ngoài khu vực ASEAN.
* Kế hoạch xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới đã có từ lâu song vẫn trên ý tưởng, liệu TP.HCM có "chậm chân" khi công nghệ tài chính phát triển rất nhanh trong những năm qua?
- Tôi không cho là như vậy. Có thể 5 năm trước thì quá sớm, nhưng nếu tiếp tục chờ đợi thì sẽ trở nên muộn màng. Tôi nghĩ rằng hiện tại là thời điểm lý tưởng, vì VN đang có một nền kinh tế mạnh mẽ và trên đà phát triển vững chắc.
Chúng ta cần hỗ trợ nền kinh tế với một nền tảng tài chính vững chắc, và đó là lý do cần có một trung tâm tài chính. Trung tâm này sẽ mang lại lợi ích to lớn miễn là nó được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của nền kinh tế VN.
Đó là lý do chúng ta sẽ không sao chép mà sẽ tạo ra một trung tâm đậm chất VN.
Nhiệm vụ của tôi trong nhóm tư vấn là tìm ra và đề xuất những phương án tối ưu cho VN. Quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ và TP.HCM, nhưng tôi khá lạc quan về dự án.
* Căn cứ vào điều gì khiến ông tự tin về việc TP.HCM sẽ xây dựng được trung tâm tài chính?
- Hầu hết doanh nghiệp tài chính trong nước đều có trụ sở và hoạt động tại TP.HCM. TP.HCM cũng là một trong ba trung tâm kinh tế của VN cùng với Hà Nội, Đà Nẵng, có vị trí thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp truyền thống cũng như trong lĩnh vực tài chính.
TP.HCM có vị trí độc nhất ở trung tâm Đông Nam Á, gần gũi về địa lý với các nước còn lại, hoàn toàn có thể trở thành trung tâm cho không chỉ VN mà là toàn bộ khu vực. Các nước Đông Nam Á và cả thế giới đều có thể hưởng lợi từ trung tâm tài chính ở TP.HCM.
Các trung tâm tài chính hiện hành đều đã được xây dựng trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, sẽ tốn rất nhiều năm để có thể thay đổi và bắt kịp thời cuộc.
Trong khi đó, TP.HCM có lợi thế xây dựng từ đầu, có thể nhanh chóng học hỏi từ những điểm ưu việt nhất của mỗi trung tâm để tạo nên một trung tâm tài chính quốc tế mang đậm dấu ấn VN và đứng đầu thế giới.
VN có thể áp dụng công nghệ, AI và những tiến bộ khác ngay từ những ngày đầu để thu hút nhà đầu tư đến với trung tâm tài chính TP.HCM.
* Lợi thế mới chỉ là điều kiện cần, theo ông, TP.HCM nói riêng và VN nói chung cần những cải cách gì để xây dựng thành công trung tâm tài chính mang tầm khu vực?
- VN nói chung và TP.HCM nói riêng cần chú trọng hạ tầng "mềm". TP cần có quy hoạch bất động sản riêng cho trung tâm tài chính, giống như những trung tâm tài chính khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, TP cũng cần hành lang pháp lý đặc thù, mang tính quốc tế. Một số trung tâm tài chính như Hong Kong, Thượng Hải, Dubai, Singapore... đều sử dụng hệ thống pháp lý có dáng dấp giống thông luật của Anh, nơi thủ đô London là một trong những trung tâm tài chính lâu đời nhất thế giới.
Trong đó, trung tâm tài chính Dubai sử dụng hệ thống luật pháp lai khá độc đáo, nơi luật Anh được dùng làm nguồn luật chính cho các vấn đề thương mại, dân sự bên cạnh luật Hồi giáo.
Việc sử dụng hệ thống pháp luật tương đồng với các trung tâm tài chính khác giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế dễ dàng hiểu hành lang pháp lý sở tại và mạnh dạn đầu tư hơn.
Ngoài ra, VN cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển hạ tầng "cứng", trong đó có các trung tâm máy tính (computer center) quy mô lớn. Với sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, các trung tâm này trở thành nơi thực hiện các thao tác tính toán.
Do đó, VN cần phát triển hệ thống trung tâm máy tính đồ sộ. Đây còn là nơi mục tiêu bán dẫn và mục tiêu phát triển trung tâm tài chính của VN giao nhau. Chúng ta nên có hạ tầng tốt nhất, những trung tâm máy tính mạnh mẽ nhất.
Nếu bạn sản xuất được những con chip tốt nhất, bạn có thể chế tạo trung tâm máy tính tốt nhất ở đây. Và chính trung tâm máy tính đó sẽ thu hút các công ty tài chính công nghệ (fintech) hàng đầu đến với trung tâm tài chính TP.HCM.
Cảm ơn ông!
* TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM:
"TP.HCM có nhiều triển vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực"
Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM có ý nghĩa lớn.
Thứ nhất, việc phát triển trung tâm tài chính TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và từng bước thành trung tâm tài chính quốc tế là định hướng quốc gia đã được ghi vào văn kiện Đại hội Đảng XIII, trong nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2045, và nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Đây là một hướng phát triển của quốc gia chứ không cho riêng TP.HCM, nếu hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ đóng góp vào phát triển của Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.
Hiện TP.HCM đã là một trung tâm tài chính quốc gia, từng bước nâng lên thành của khu vực, quốc tế là hướng phát triển phù hợp với vị trí, vai trò và thế mạnh của TP.
Để một trung tâm tài chính hình thành và có khả năng phát triển phải dựa trên 5 trụ cột chính. Đó là nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh, các ngành tài chính tập trung và danh tiếng đô thị.
Xét trên 5 trụ cột này thì TP.HCM có nhiều triển vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế.
Hiện Chính phủ đã lập ban chỉ đạo để hoàn thiện đề án, TP.HCM cũng đang nỗ lực tập hợp các nguồn lực, chuyên gia để lập đề án.
Một trọng tâm của chính sách là làm sao thu hút được nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, đặc biệt đội ngũ chuyên gia, những người kinh doanh lĩnh vực tài chính quốc tế để hình thành trung tâm tài chính hiện hữu ở quận 1 và trung tâm tài chính mới ở Thủ Thiêm.
Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chưa đề cập đến trung tâm tài chính quốc tế, phải có một nghị quyết riêng của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, với hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù.
* TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM):
Cần hướng đến trung tâm công nghệ tài chính
Là nước đi sau, chúng ta phải định vị mình khác biệt mới thu hút đầu tư và tạo nên thành công.
Theo tôi, chúng ta nên phát triển theo hướng trở thành trung tâm tài chính công nghệ (fintech) thay vì chỉ là trung tâm tài chính quốc tế, ở đây có sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ.
Khi đó, TP.HCM trở thành nơi thu hút các công ty fintech trên thế giới. Còn thực tế, để kêu gọi các định chế tài chính lớn phát triển, mở rộng ở VN còn những điểm khó, đặc biệt là quy trình, thể chế, lưu chuyển dòng vốn tự do của chúng ta không mở như Singapore hay các nước khác.
Hiện nay, chúng ta có đủ các điều kiện như hạ tầng viễn thông thuộc tốp có tốc độ tốt trong khu vực, có nhiều app về fintech, có khả năng chấp nhận những công nghệ mới như blockchain, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số... cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho VN để phát triển, trở thành một trung tâm tài chính công nghệ của toàn cầu hoặc của khu vực.
* TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế VN):
Lập trung tâm tài chính TP.HCM vào thời điểm này không muộn nhưng đáng lẽ chúng ta có thể làm việc này sớm hơn, từ lâu rồi.
Tất nhiên, việc thành lập muộn cũng có lợi thế là chúng ta có thể cân nhắc, tiếp cận công nghệ tài chính hiện đại, chọn cấu trúc, mô hình phù hợp.
Và muốn làm được điều này luôn cần những thể chế vượt bậc, mình đi sau phải cạnh tranh với những "ông" đi trước.
Hiện TP.HCM được định hướng cho thí điểm một mô hình, hình mẫu vượt trội, đây là cơ hội để TP.HCM làm có kết quả.
Việc lập trung tâm tài chính TP.HCM vào lúc này là thiên thời, địa lợi, nhân hòa, có điều là phải làm cho đúng, phải tranh thủ được tri thức, kinh nghiệm quốc tế, chọn đối tác, mô hình chuẩn.
VN có thể tham gia toàn bộ chuỗi giá trị ngành chip
Ông Philipp Rösler cho rằng VN có nguồn lao động lành nghề, có khả năng học hỏi nhanh, có vốn tiếng Anh tốt và các kỹ năng cần thiết khác.
Những gì hiện chưa làm được thì họ cũng có thể học hỏi nhanh chóng. Do đó, VN có thể tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất chip.
Hiện Chính phủ VN đang đặt mục tiêu thông qua thu hút các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu như Foxconn, Samsung, NVIDIA, Amkor, Intel... đến đầu tư để thúc đẩy hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ này với các doanh nghiệp trong nước và khai thác tài nguyên đất hiếm để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Tôi nghĩ đó là cách tiếp cận đúng đắn. Phần cứng bán dẫn là nền tảng cho phần mềm. Phần mềm thì dễ tích hợp và mảng phần mềm là lợi thế sẵn có của VN với rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bất cứ phần mềm nào cũng yêu cầu phần cứng phải tốt. Đó là xu hướng chung trên toàn cầu trong lĩnh vực số.
Thu hút ngành công nghiệp bán dẫn đồng nghĩa với việc VN đang mở cánh cửa đón tương lai. Trong cơn sốt vàng, người thành công không phải người đi đào vàng mà là người làm ra cái cuốc, cái xẻng. Vì vậy, việc "đặt cược" vào "cuốc xẻng" là cách đúng đắn, ở đây chính là vào cơ sở hạ tầng.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN thường niên vừa diễn ra, các nhà đầu tư đã cho thấy họ không quá quan tâm đến các khoản trợ cấp hàng triệu USD mà quan tâm hơn đến một quy trình thông suốt và tốc độ xử lý nhanh chóng.
Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến tốc độ phê duyệt (thủ tục hành chính), môi trường làm việc và lực lượng lao động lành nghề.
Tôi cho rằng VN sẽ đến lúc có thể tham gia toàn bộ chuỗi giá trị (gồm các khâu thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử), ngay cả trong khâu sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận