26/10/2015 12:14 GMT+7

Thời điểm chuyển giao thế hệ lãnh đạo

V.V.THÀNH thực hiện (thanhvv@tuoitre.com.vn)
V.V.THÀNH thực hiện ([email protected])

TT - Ông Nguyễn Đức Hà nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn  báo Tuổi Trẻ về công tác nhân sự tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Đức Hà - Ảnh: Việt Dũng

Ông Hà nói:

Ông Nguyễn Đức Hà (hàm vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương, thành viên tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện nghị quyết trung ương 4) nói: thời điểm hiện nay, đại hội đảng bộ các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh cơ bản gần xong, chúng ta đang khẩn trương chuẩn bị để bước vào Đại hội XII của Đảng vào đầu quý 1-2016.

Theo tôi, ở bất cứ đại hội cấp nào, việc xây dựng cấp ủy cho nhiệm kỳ mới là quan trọng số 1. Nếu tại đại hội kiện toàn cấp ủy không tốt, việc bổ sung, thay thế nhân sự rất khó khăn và sẽ để lại những hệ quả.

Cấp ủy ở cấp xã có thể chỉ ảnh hưởng đến phong trào của một xã, nhưng với cấp trung ương thì phạm vi ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với Đảng, với đất nước, với dân tộc. Chính vì vậy, cấp càng cao, yêu cầu lựa chọn cấp ủy càng quan trọng.

* Qua tiến trình đại hội đảng bộ các cấp, dư luận quan tâm đến những gương mặt trẻ, đồng thời cũng quan tâm đến việc làm thế nào để chọn ra những người lãnh đạo có thực tài, thực tâm cho sự phát triển của đất nước. Ông nói sao về việc này?

- Có thể nói một trong những ý nghĩa quan trọng của Đại hội XII là đại hội chuyển giao thế hệ, những người trưởng thành qua hai cuộc chiến tranh còn rất ít theo quy định tuổi của trung ương.

Tất nhiên, những trường hợp cần thiết phải cơ cấu tham gia Ban Chấp hành trung ương, tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt thì Bộ Chính trị sẽ xem xét nhiều mặt, sau đó sẽ trình lên trung ương cân nhắc và quyết định việc giới thiệu ra đại hội.

Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng bí thư rất trăn trở, dày công chuẩn bị theo một quy trình bài bản, chặt chẽ, phát huy dân chủ. Hội nghị trung ương 11 xác định tiêu chuẩn của nhân sự trung ương rất rõ, rất cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trí tuệ.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh “không để lọt” vào trung ương những người có một trong các khuyết điểm như tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Việc Tổng bí thư nhấn mạnh “không để lọt” là cách nói mà tôi thấy rất nghiêm túc, rất có sức nặng. Quy trình thì bài bản, kỹ lưỡng rồi. Vấn đề quan trọng là trong quá trình thực hiện phải hết sức công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

* Nhiều năm làm công tác tổ chức, theo ông, làm thế nào để đánh giá được một cán bộ lãnh đạo cụ thể?

- Tôi ví dụ anh đang đứng đầu một địa phương thì xem địa phương đó phát triển thế nào, nội bộ ra sao, hoạt động của hệ thống chính trị có tốt không? Người mà anh chọn để thay thế mình xứng đáng chưa? Qua đó sẽ đánh giá được.

Chúng ta phải nghe xem cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương đó nói gì về người lãnh đạo. Nếu biết cách lắng nghe thì chúng ta sẽ có nhiều kênh để đánh giá phẩm chất, năng lực của người cán bộ cụ thể.

Trong đó, ý kiến nhân dân là một kênh quan trọng nhưng phải kết hợp nhiều kênh khác, vì những cán bộ làm quyết liệt thì có thể một bộ phận bị ảnh hưởng sẽ không đồng tình, thậm chí dựng chuyện nói xấu, cho nên phải nghe kỹ, nghe thấu đáo, nghe nhiều chiều.

* Quy trình lựa chọn cán bộ hiện nay đã chặt chẽ, đầy đủ chưa, thưa ông?

- Trước đổi mới và những năm đầu của thời kỳ đổi mới, quy trình không dày đặc như hiện nay nhưng vẫn chọn được những cán bộ đúng chuẩn.

Bây giờ quy trình nhiều lên, rất nhiều gạch đầu dòng (các bước trong quy trình), chỉ đạo nhiều lên, nhưng vẫn có dư luận về trường hợp này, trường hợp khác.

Vừa rồi Ban Tổ chức trung ương đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền hệ thống các công việc lựa chọn nhân sự khá bài bản, chẳng hạn như sắp xếp, bố trí, luân chuyển, điều động một số lượng cán bộ lớn vừa là để chuẩn bị nhân sự cho đại hội cấp tỉnh và cũng là một bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII. Ít khi nào trước đại hội mà lại có bước luân chuyển, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ nhiều như vậy.

* Được biết, Hội nghị trung ương vừa qua cũng cho ý kiến về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp “đặc biệt” đối với ủy viên trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi hiểu đã đặc biệt thì nghĩa là không nhiều. Như thế nào là đặc biệt thì cấp có thẩm quyền xác định tiêu chí.

* Như ông nói đây là thời điểm chuyển giao thế hệ, dư luận quan tâm đến những gương mặt trẻ, nhưng cũng băn khoăn làm sao đảm bảo khách quan trong công tác cán bộ, không để xảy ra trường hợp “con ông cháu cha” theo nghĩa tiêu cực?

- Cái gốc của vấn đề là trình độ, phẩm chất, năng lực của cán bộ. Lâu nay chúng ta chưa làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ trẻ.

Ví dụ chúng ta đề ra mục tiêu cán bộ trẻ là không dưới 10%, nhưng đại hội đảng bộ các tỉnh, thành nhiệm kỳ 2010 - 2015 chỉ bầu được khoảng 6%. Chủ trương là phải có ba thế hệ cán bộ nối tiếp nhau, để có sự kế thừa, tạo ra dòng chảy trong công tác cán bộ, nhưng ta chưa làm tốt.

Chính vì chưa làm tốt cho nên không tránh khỏi dư luận, cứ thấy cán bộ trẻ là định hình trong đầu rằng chắc là con ông nọ, con ông kia. Ví dụ, vừa rồi một phó thủ tướng được Quốc hội phê chuẩn, cũng có thể gọi là trẻ trong so sánh chung, vị này đâu phải con ai.

Vậy thì chúng ta phải nhìn toàn diện. Nếu người nào đó sinh ra trong một gia đình truyền thống, phải xem có được học hành, đào tạo bài bản không, kinh qua thực tiễn và chứng minh năng lực như thế nào.

Tất nhiên, ở đây phải thấy rằng nếu sinh ra trong một gia đình truyền thống, nhưng lại chưa qua thực tiễn chứng minh mà có bước phát triển vượt bậc thì sẽ khó tránh khỏi dư luận xì xào.

Tôi cho rằng phải căn cứ vào thực tiễn để đánh giá cán bộ, điều quan trọng nhất là hiệu quả công việc.

V.V.THÀNH thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên