Rác thải sinh hoạt phát sinh rất nhanh, năm 2004 khoảng 6,4 triệu tấn, năm 2008 là 12,8 triệu tấn, dự báo đến năm 2015 tăng lên khoảng 22 triệu tấn. Trong khi hiện cả nước công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp, có tới 73-80% các bãi rác chôn lấp tự nhiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cả nước hiện nay tồn đọng 52 bãi rác nằm trong các “điểm đen ô nhiễm môi trường” mà Thủ tướng có quyết định phải xử lý triệt để nguồn ô nhiễm nước, không khí... Dù thế, quỹ đất dành cho chôn lấp rác gần như không còn, ngay ở miền núi tìm nơi chôn lấp rác cũng khó khăn.
Trong khi đó, hiện cả nước chỉ có 22 cơ sở xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt giúp giảm rác phải chôn lấp và đã xử lý tái chế 15-20% tổng lượng rác phát sinh. Lợi là thế nhưng một số công nghệ xử lý rác, nhất là phần lớn công nghệ nhập ngoại, lại chưa thích hợp với điều kiện VN. Mặt khác, đầu tư ban đầu cho nhập công nghệ máy móc, xây dựng nhà máy rất cao nên nhiều địa phương lúng túng. Một số công nghệ trong nước được khuyến cáo cho nhân rộng, nhưng cũng cần được hỗ trợ hoàn chỉnh nhiều vấn đề về công nghệ thiết bị mới đáp ứng hiệu quả xử lý rác.
Có thể không có công nghệ mẫu để dùng chung cho tất cả địa phương do đặc điểm thành phần rác thải khác nhau, điều kiện kinh tế kỹ thuật và xã hội khác nhau. Tuy nhiên, cần có khuyến cáo những loại công nghệ thiết bị xử lý rác có thể áp dụng được và rất cần có khuyến cáo định hướng này nhằm hạn chế đầu tư lãng phí.
Muốn thế, cần có đánh giá hiệu quả của các dự án xử lý rác được thực hiện bằng vốn viện trợ phát triển (ODA) với công nghệ, máy móc nhập ngoại. Việc điều tra, khảo sát, đánh giá tất cả công nghệ máy móc xử lý rác thải nhập ngoại để xem đồng vốn đầu tư có “xứng đồng tiền bát gạo”, qua đó đề ra hướng đầu tư, nhập khẩu công nghệ thời gian tới. Cũng cần phải nâng cấp khâu thẩm định hiệu quả sau khi triển khai dự án để xem nhà đầu tư có thực hiện đúng mục tiêu đề ra ban đầu và được phê duyệt hay không.
Hiện nay khâu này gần như bị bỏ ngỏ, cũng ít ai trở lại đánh giá các đầu tư này. Đó là chưa kể việc thẩm định công nghệ xử lý rác thải mang tính chuyên môn thật sự, trước khi quyết định đầu tư,việc thẩm định các sản phẩm tái chế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Cuối cùng, cần sớm ban hành một số cơ chế, chính sách cần thiết để kiểm soát cũng như phát huy hiệu quả đầu tư công nghệ xử lý rác thải. Nếu không sẽ còn lặp lại những bài học đắt giá, tiền tỉ bỏ ra phơi nắng, phơi sương trong khi rác thải vẫn gây ô nhiễm môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận