Thời đã tới cho bóng đá Tây Ban Nha

HUY ĐĂNG 20/07/2024 17:55 GMT+7

TTCT - Bóng đá Tây Ban Nha đã một lần nữa thể hiện được sức mạnh vượt trội ở sân chơi châu Âu, với nền tảng là những lò đào tạo trẻ tốt nhất thế giới.

Bóng đá Tây Ban Nha đã một lần nữa thể hiện được sức mạnh vượt trội ở sân chơi châu Âu, với nền tảng là những lò đào tạo trẻ tốt nhất thế giới.

Anh và Tây Ban Nha vốn không nhiều duyên nợ ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa hai đội tại chung kết Euro 2024 gợi nhớ đến phát biểu kinh điển của Pep Guardiola 13 năm trước.

Hai ngôi sao trẻ Yamal và Nico. Ảnh: Reuters

Hai ngôi sao trẻ Yamal và Nico. Ảnh: Reuters

Năm đó, Guardiola còn dẫn dắt Barcelona và sau trận đấu với Arsenal ở vòng 16 đội Champions League, ông tuyên bố: "Ở đội B của Barca, những cầu thủ như Wilshere có rất nhiều".

Cầu thủ Tây Ban Nha luôn vượt trội

Năm đó, Jack Wilshere được xem là hiện tượng của Arsenal, thậm chí là cầu thủ dẫn dắt lối chơi hàng đầu nước Anh. Phát biểu của Guardiola tất nhiên khiến người Anh không hài lòng. Nhưng Guardiola không quá lời: ông thậm chí so sánh trực tiếp Wilshere với Thiago Alcantara, người cùng tuổi, nhưng thời điểm đó hầu như chưa có cơ hội đá chính ở Barca.

Kết quả, sự nghiệp của Wilshere sớm lụi tài chỉ khoảng hai năm sau, còn Thiago vươn mình trở thành tiền vệ đẳng cấp thế giới. Nhận xét của Guardiola không hề ngạo mạn, mà có cơ sở rõ ràng.

Xuyên suốt lịch sử Premier League hai thập niên qua, các tiền vệ Tây Ban Nha liên tục tỏa sáng. Họ dễ dàng được giao vai trò nhạc trưởng ở hầu hết các CLB lớn: David Silva ở Manchester City, Santi Cazorla và Cesc Fabregas ở Arsenal, Juan Mata ở Manchester United và Chelsea, Thiago ở Liverpool… 

Ở chiều ngược lại, Steve McManaman thất bại thảm hại trong thương vụ hiếm hoi mà một tiền vệ sáng tạo người Anh sang Tây Ban Nha chơi bóng. Cũng trong từng ấy năm tháng, rốt cuộc chỉ mình Jue Bellingham là cầu thủ người Anh thực sự có chỗ đứng ở La Liga.

La Masia vĩ đại, Castilla của Real Madrid cũng chẳng kém là bao và sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua Lezama - lò đào tạo của Athletic Bilbao.

Với tám chức vô địch La Liga, Athletic Bilbao có địa vị vững chãi trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha. Họ chưa bao giờ rớt hạng nhưng cũng không mơ tiến xa ở châu Âu, vì một chính sách trói buộc nổi tiếng.

Tất cả cầu thủ của Bilbao đời đời đều là con dân xứ Basque. Giữa thời đại toàn cầu hóa, người hâm mộ đôi lúc phải ngỡ ngàng khi biết vẫn còn một đội bóng lừng danh tại La Liga gìn giữ truyền thống đến thế.

Đội hình hiện tại của Bilbao chỉ có vỏn vẹn một cầu thủ người nước ngoài và đó chẳng phải ai xa lạ: Inaki Williams, anh trai của Nico Williams - người đã khuấy đảo suốt mùa Euro 2024 vừa qua.

Anh em nhà Williams là con của một gia đình di dân người Ghana. Họ cùng nhau trưởng thành tại Bilbao nhiều năm qua và chỉ khác nhau về lựa chọn tuyển quốc gia. Thật ra Inaki cũng muốn khoác áo tuyển Tây Ban Nha nhưng anh chơi không quá nổi bật nên đã quyết định khi được Liên đoàn Bóng đá Ghana tiếp cận.

Có hai cầu thủ Bilbao trên tuyển Tây Ban Nha và nếu tính cả Alex Remiro cùng Aymeric Laporte, số lượng cựu học viên của Lezama ở tuyển là bốn người. Còn một nhân vật quan trọng nữa, chính là HLV De La Fuente.

Chiến lược gia 63 tuổi là người Bilbao chính hiệu, gắn bó từ khi còn là một chú nhóc đến lúc thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ở cương vị HLV, ông tiếp tục làm việc ở Bilbao sáu năm rồi chuyển sang dẫn dắt các đội trẻ Tây Ban Nha từ năm 2013, trước khi ngồi vào ghế HLV tuyển quốc gia từ năm 2022.

Sức mạnh của bóng đá Tây Ban Nha có giảm đi vào cuối thập niên 2010, trước khi bùng nổ trở lại thời gian qua, với đỉnh điểm là chức vô địch Euro 2024. 

Thế giới một lần nữa được chứng kiến làn sóng cầu thủ trẻ của Tây Ban Nha dưới tay HLV Luis De La Fuente (cũng là người từng dẫn dắt các tuyển trẻ quốc gia nước này giai đoạn 2013-2021). 

Ông mạnh dạn trao cơ hội cho những người như Nico Williams (21 tuổi) và Lamine Yamal (16 tuổi). Khoảnh khắc Yamal tung cú cứa lòng tuyệt phẩm vào lưới tuyển Anh cũng là lúc cả thế giới ngả mũ trước lò đào tạo La Masia (Barca) - trái tim của bóng đá Tây Ban Nha ít nhất đã 1/4 thế kỷ.

Có bốn cầu thủ Barca khoác áo Tây Ban Nha dự Euro 2024. Dani Olmo, Marc Cucurella và Alejandro Grimaldo, tuy không khoác áo Barca, cũng trưởng thành từ lò La Masia. (Xavi Simons - nhạc trưởng của Hà Lan ở Euro lần này - cũng là sản phẩm từ La Masia). 

Số lượng bảy cầu thủ này không quá nhiều, nhưng chất lượng mới là điều đáng chú ý. Pedri, Olmo, Cucurella và Yamal đều đã tỏa sáng rực rỡ cùng tuyển Tây Ban Nha, còn Simons có lẽ là người chơi hay nhất cho Hà Lan, đội cũng đã vào tới bán kết.

Niềm tự hào La Masia

Cho đến tận những năm thập niên 1980, La Masia, hay thậm chí cả Barca, vẫn chưa phải một thương hiệu bóng đá hàng đầu thế giới. 

Huyền thoai về họ chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1988, khi "thánh Johan" (Johan Cruyff) trở lại đội bóng với vai trò HLV. Thời điểm đó Barca chìm trong khó khăn, nhưng Cruyff đến và đã vực đội bóng dậy bằng triết lý bóng đá tấn công mà ông đã đeo đuổi suốt đời.

Đầu tiên, Cruyff có quan hệ rất tốt với Carles Rexach, đồng đội cũ của ông trong màu áo Barca những năm 1970. Rexach là người đứng đầu bộ phận đào tạo trẻ của Barca suốt một thời gian dài. 

Thời điểm Cruyff trở lại Camp Nou, ông đang làm HLV đội trẻ. Những năm 1980 đó, cuộc cách mạng của một đội bóng đôi khi đơn giản chỉ cần hai người: HLV trưởng và HLV đội trẻ. Rexach hiểu đến chân tơ kẽ tóc triết lý của Cruyff và ông giúp các cầu thủ đội B và đội trẻ Barca thấm nhuần triết lý đó.

Chỉ sau khoảng hai năm, Cruyff bắt đầu hưởng quả ngọt từ Rexach. Một loạt cầu thủ trẻ của La Masia được đôn lên đội một vào đầu thập niên 1990, góp công lớn vào chức vô địch Champions League năm 1992 như Albert Ferrer, Cristobal Parralo, Guillermo Amor và cả Guardiola, lứa học trò "khóa một" của La Masia.

Cuối những năm 2000, La Masia là lò đào tạo trẻ số 1 thế giới không thể tranh cãi với lứa Lionel Messi, Andres Iniesta, Gerard Pique, Fabregas… 

Họ là kết tinh từ nhiều thế hệ môn đệ của Cruyff và đội ngũ của ông. Tại La Masia, những chú nhóc được Rexach tuyển chọn, được Txiki Begiristain định hướng phát triển, rồi được Guardiola và Luis Enrique đưa ra ánh sáng. Barca cũng có lúc thăng trầm nhưng với công thức đó, La Masia mãi trường tồn.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận