21/05/2019 09:01 GMT+7

Thời của thanh toán qua điện thoại

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Hiện thanh toán qua điện thoại di động tại VN được báo Nikkei Asia Review đánh giá đã vượt qua Singapore và Malaysia.

Thời của thanh toán qua điện thoại - Ảnh 1.

Bạn trẻ thanh toán tiền bằng thẻ tín dụng và Visa tại một quán trà sữa ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định như vậy tại buổi họp báo công bố Ngày 16-6 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ thanh toán, Vụ truyền thông NHNN, Hiệp hội Thương mại điện tử và Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (Napas) tổ chức vào ngày 20-5.

“Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu “hướng mở” là cho nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng. Chẳng hạn, thay vì phải nạp tiền vào ví trực tiếp từ tài khoản như hiện nay, người dùng có thể mang tiền mặt ra đại lý, đại lý sẽ nạp tiền vào tài khoản ví cho người dùng.

Ông Phạm Tiến Dũng (vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước)


Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh

Dẫn khẩu hiệu "Tiền mặt chỉ còn là quá khứ", ông Phạm Tiến Dũng cho hay các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như QR code, POS, ví điện tử... đang rất phát triển tại VN, đặc biệt là thanh toán bằng điện thoại di động.

Trong năm 2018, thanh toán qua kênh Internet đạt hơn 255 triệu giao dịch với giá trị khoảng 16 triệu tỉ đồng. Trong đó, thanh toán qua kênh điện thoại di động là hơn 185 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 1,86 triệu tỉ đồng, với mức độ tăng trưởng nhanh hơn các kênh khác.

Với những con số ấn tượng này, theo ông Dũng, thanh toán qua điện thoại di động tại VN được báo Nikkei Asia Review đánh giá đã vượt qua Singapore và Malaysia trong cuộc đua "không tiền mặt". Còn theo khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, VN là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động.

Cũng theo ông Dũng, Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và nghị quyết số 02 về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục áp dụng nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; trình Chính phủ đề án xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng...

"Hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung nhằm khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử cũng tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng", ông Dũng cho biết.

Sẽ có chính sách đặc biệt cho ví điện tử

Tại buổi họp báo, khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc làm sao đảm bảo an ninh, an toàn cho người dùng ví điện tử và các hình thức thanh toán điện tử khác, đặc biệt là yêu cầu người dùng phải khai báo thông tin khi thực hiện hồ sơ mở ví điện tử, yêu cầu ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng...

Trả lời những vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng khẳng định một số ý kiến cho rằng NHNN đang muốn siết ví điện tử, sau khi dự thảo thông tư 39 hướng dẫn về hoạt động trung gian thanh toán được đưa ra lấy ý kiến, là chưa chính xác bởi NHNN sẽ có chính sách đặc biệt để khuyến khích phát triển ví điện tử chứ không kìm hãm.

Việc yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng để định danh khi giao dịch bằng ví điện tử nhằm bảo vệ khách hàng chứ không phải siết. Dù vậy, NHNN cũng đang nghiên cứu "hướng mở" là cho nạp tiền vào ví điện tử không qua tài khoản ngân hàng. Chẳng hạn, thay vì phải nạp tiền vào ví trực tiếp từ tài khoản như hiện nay, người dùng có thể mang tiền mặt ra đại lý, đại lý sẽ nạp tiền vào tài khoản ví cho người dùng.

Tuy nhiên, phải có điều kiện ràng buộc chặt chẽ với các đại lý để tránh việc lách luật. NHNN cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán trên di động với mục tiêu khách hàng phải được trải nghiệm và được mang lại lợi ích tốt nhất.

"Đây cũng là câu chuyện sống còn của ngành ngân hàng vì khảo sát cho thấy một khách hàng thanh toán điện tử có thể sử dụng dịch vụ gấp 3 lần khách hàng truyền thống", ông Dũng khẳng định.

Đặc biệt, theo bà Lê Thị Thúy Sen - phó vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN, không chỉ tập trung ở khu vực thành thị, trong chiến lược giáo dục tài chính toàn diện, NHNN cũng đặt trọng tâm hướng đến người dân vùng sâu vùng xa, những người thiếu thông tin thông qua việc phối hợp Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ để tiếp cận, truyền thông đến người dân.

Bắt tay để giảm phí cho người dùng

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, cho biết một số tổ chức đã đẩy việc thanh toán trước bằng các phương thức không dùng tiền mặt lên mức 30%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều người VN mua hàng qua mạng nhưng vẫn trả bằng tiền mặt bởi không an tâm với chất lượng sản phẩm được mua, trong khi nhiều nhà bán hàng VN muốn giao hàng và nhận bằng tiền mặt để không trả phí cho ngân hàng dù mức phí không quá cao...

Do đó, theo ông Dũng, ngoài việc đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt, nhà cung cấp không nên tính toán đến mức sợ mất phí cho ngân hàng. Các bên cũng nên bắt tay nhau, giảm phí để kích thích thanh toán không dùng tiền mặt.

"Ngoài ra, NHNN cần bỏ quan niệm thẻ ATM chỉ dùng để rút tiền mặt vì có thể dùng để thanh toán các dịch vụ ăn uống, mua sắm với mức phí mà các điểm chấp nhận thẻ phải trả cho ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với khi khách hàng thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng quốc tế", ông Dũng đề nghị.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Hương Giang, trưởng phòng phát triển kinh doanh Napas, cho hay với vai trò tư vấn chuyên môn của chương trình và là đơn vị kết nối toàn bộ hạ tầng ngân hàng VN, Napas sẽ có chính sách hỗ trợ giảm phí cho các đơn vị tham gia.

Cụ thể, với các thanh toán điện tử được xử lý qua hệ thống, Napas sẽ có chính sách miễn giảm phí cho đơn vị tham gia chương trình của báo Tuổi Trẻ. "Trong giai đoạn tới, Napas sẽ làm việc cụ thể với các bên để thống nhất cách tổ chức cũng như làm cách nào truyền thông rộng rãi tới khách hàng", bà Giang cho biết.

Giá trị giao dịch cao gấp 13 lần GDP

Theo số liệu của NHNN, năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý khoảng 137 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 73 triệu tỉ đồng, ước tính giá trị giao dịch cao gấp 13 lần so với GDP VN năm 2018. Số lượng và giá trị giao dịch bình quân mà hệ thống xử lý tương ứng đạt trên 544.000 giao dịch/ngày và trên 289.000 tỉ đồng/ngày.

Về hạ tầng thanh toán thẻ, hệ thống bù trừ, chuyển mạch điện tử của Napas đã xử lý gần 372 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 1,75 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng 23,4% và 74,6% so với năm 2017). Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các địa phương cả nước, được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Nhiều ưu đãi hấp dẫn trong Ngày không tiền mặt

tienmat hopbao

Các khách mời trao đổi bên lề buổi họp công bố Ngày không tiền mặt 16-6 được tổ chức sáng 20-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đỗ Văn Dũng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng phát triển nhanh vì sự tiện lợi và an toàn. Chính phủ và NHNN đã có chủ trương khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức gồm các chuỗi sự kiện như hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt (ngày 6-6), ngày hội mua sắm thanh toán không dùng tiền mặt (16-6), cuộc thi sáng tạo slogan Ngày không tiền mặt, diễn đàn bạn đọc viết về Ngày không tiền mặt...

Trong tháng 6, đặc biệt vào ngày 16-6, các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà bán lẻ... sẽ có những chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi mua sắm không dùng tiền mặt.

Ban tổ chức đã chính thức nhận được sự xác nhận tham gia hỗ trợ người tiêu dùng từ các đơn vị Napas, Vietcombank, Vinpro, Adayroi, ví điện tử Moca|Grab, Shopee/Airpay, Lazada, Tiki, VPBank.

Chính phủ thúc giục thanh toán không dùng tiền mặt, đấu thầu qua mạng

TTO - Trong 7 giải pháp mà Chính phủ đề ra để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế những tháng còn lại của năm 2019 và các năm sau, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh ưu tiên là các giải pháp "số hóa", đặc biệt trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.


ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên