Chạm dế để thanh toán - xu hướng mới đang được giới trẻ yêu thích - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chạm để thanh toán
Chị Uyên Thư (Q.7) – nhân viên văn phòng - cho biết cuối tuần chị hay hẹn café, ăn uống với bạn bè. Trước kia chị thường phải đem theo ví, trong đó ngoài vài chiếc thẻ ngân hàng còn có thêm tiền mặt để phòng hờ.
"Mỗi lần ra đường mà mang theo ví, tôi có cảm giác giống như mang cả "gia tài" đi theo nên lúc nào cũng phải nhìn trước ngó sau, phòng thủ các kiểu. Chưa kể do tôi di chuyển bằng xe máy nên mỗi lần đến quán café, nếu chỗ đậu xe không đảm bảo an toàn thì nội chuyện mở cốp xe để lấy giỏ xách thôi cũng đã là cả vấn đề.", chị Thư cho hay.
Tuy nhiên vài tháng trở lại, mọi thứ trở nên gọn nhẹ hơn khi tất cả thẻ của chị đã được tích hợp vào điện thoại, thông qua ứng dụng thanh toán di động , chỉ bằng thao tác "một chạm" đơn giản vào máy quẹt thẻ (POS) chị Thư đã có thể thanh toán dễ dàng.
Tương tự như chị Thư, anh Minh Đức (Q.2) cũng dần quen với phương thức thanh toán di động. Bước vào quán café ở khu vực trung tâm, chọn xong món đồ uống, anh Minh Đức chỉ cần chạm chiếc đồng hồ thông minh Gear S3 có tích hợp ứng dụng Samsung Pay vào máy POS của quán để thanh toán, quá trình này diễn ra vô cùng nhanh chóng.
"Việc thanh toán thuận lợi hơn vì chiếc thẻ của tôi đã được số hóa. Tôi cũng không phải e ngại việc bị lộ hoặc đánh cắp thông tin thẻ. Chưa kể, trải nghiệm chạm đồng hồ trả tiền cũng rất thú vị", anh Đức nói.
Chị Uyên Thư và anh Minh Đức chỉ là hai trong số gần 400.000 lượt người dùng đã sử dụng ứng dụng Samsung Pay. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, đã có 500.000 giao dịch thành công qua ứng dụng này, giá trị giao dịch lên đến 350 tỉ đồng.
Ông Kim Choel Gi, Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina cho rằng, thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của toàn thế giới, mở ra một cuộc cách mạng toàn cầu về giao dịch thương mại.
Ở Việt Nam, dân số Millennials, tức những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến những năm đầu thập niên 2000, chiếm khoảng 35% dân số. Đây là nhóm tiếp cận nhiều hơn với công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội, năng động, nhạy bén với công nghệ cùng sự cởi mở với các phương tiện thanh toán mới.
Theo ông Kim Choel Gi, đó chính là tiền đề quan trọng để các phương thức thanh toán di động ngày càng nở rộ và phát triển tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ kiến tạo mục tiêu nền kinh tế 90% không dùng tiền mặt như Chính phủ đặt ra cho giai đoạn từ 2016-2020.
Thế giới tiến tới xã hội "không tiền mặt"
Trên thế giới, thanh toán di động đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Báo cáo về xu hướng thanh toán do Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase phát hành trong năm 2017, khẳng định ví điện tử và thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của thế giới. Hiện các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và mạng lưới các công ty Fintech (các công ty sử dụng công nghệ như Internet, điện thoại di động, ứng dụng đám mây trong ngành tài chính, ngân hàng) đều chạy đua đầu tư công nghệ và phát triển ví điện tử và thanh toán di động.
Forrester Research Inc. ước tính rằng thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỉ USD vào năm 2019 và tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động sẽ đạt mức 319 tỉ USD vào năm 2020.
Còn theo thống kê của Ngân hàng Hàn Quốc, có đến 1,26 triệu giao dịch qua thanh toán di động trong quý IV-2016, gần gấp 3 lần so với con số 440.000 của cả 3 quý trước đó và ứng dụng Samsung Pay đã được triển khai tại 19 thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đi trước Hàn Quốc, Đan Mạch đang tiến gần hơn tới danh hiệu quốc gia không tiền mặt đầu tiên trên thế giới. Còn Thụy Điển, đang được xem là một trong các nước ít xài tiền mặt nhất thế giới. Nhiều cửa hàng, bảo tàng và nhà hàng hiện nay chỉ nhận trả tiền bằng thẻ hoặc thanh toán di động. Tại Trung Quốc đã có đến gần 1 tỉ người dùng đã sử dụng phương thức "thanh toán một chạm" này.
Việt Nam ở đâu trong bức tranh này?
Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cho thấy, phương thức thanh toán tiền mặt đang giảm dần, thay vào đó là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi vì đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho quốc gia mà còn cho doanh nghiệp, cá nhân người dùng về mặt thời gian, tiền bạc …
Thanh toán di động bằng Samsung Pay hưởng ứng bởi sự hiện đại, an toàn và tiện dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ, như yêu cầu các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối phải gắn máy POS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.
Tại các thành phố lớn, không còn thu tiền điện tại nhà, việc thanh toán hóa đơn được thực hiện qua ngân hàng hoặc các phương thức điện tử. Chính phủ cũng ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; thu phí, lệ phí…
Về phía người dùng cũng đã có sự chuyển biến. Theo một kết quả khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa công bố, 70% người tham gia khảo sát cho biết phương thức thanh toán điện tử được ưa chuộng hơn so với phương thức thanh toán truyền thống. Lý do là người dùng lo lắng về tính an toàn khi mang theo tiền mặt.
Còn theo kết quả từ dự án nghiên cứu "Thành phố không tiền mặt: Nhìn nhận lợi ích của Thanh toán điện tử" do Roubini ThoughtLab và Visa thực hiện tại 100 thành phố trên thế giới, cho biết, Hà Nội có thể thu được thêm 600 triệu USD mỗi năm nếu đa số giao dịch được điện tử hóa, thay thế cho tiền mặt nhờ tiết kiệm rất nhiều chi phí.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các thành phố gia tăng việc ứng dụng thanh toán điện tử, những ảnh hưởng tích cực không chỉ dừng lại ở lợi ích tài chính cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ mà còn xa hơn. Đó có thể là chất xúc tác làm tăng hiệu quả cho nền kinh tế nói chung, bao gồm tăng GDP, số lượng việc làm, lương bổng và năng suất lao động.
Ông Sean Preston - Giám đốc Visa tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng tuy xã hội Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt là chủ yếu, nhưng có thể nhận thấy tất cả các đối tượng của nền kinh tế, từ người tiêu dùng, nhà bán lẻ đến Chính phủ đều có thái độ tích cực đối với thanh toán điện tử hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, tiềm năng để phát triển thanh toán điện tử rất lớn. Theo số liệu của Visa, 1,3 tỉ người dùng Internet tại châu Á - Thái Bình Dương truy cập Internet bằng smartphone nhưng mới có 45% trong số đó sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Xét về doanh số sử dụng, thị trường châu Á - TBD có giá trị tương đương 11.000 tỉ USD. Nhưng hiện tại, hơn một nửa (55%) giao dịch tại đây vẫn đang được thực hiện bằng tiền mặt. Như vậy đồng nghĩa với việc vẫn còn 6.100 tỉ USD có tiềm năng chuyển đổi thành các giao dịch điện tử.
Theo nhận định của các chuyên gia, tuy vẫn còn nhiều rào cản, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để phát triển thanh toán di động do thị trường bán lẻ đang tăng trưởng ấn tượng, thẻ ngân hàng và smartphone ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Theo nhiều ngân hàng xu thế "tất yếu" của thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là các phương thức thanh toán di động, thanh toán một chạm qua smartphone, thiết bị đeo thông minh. Các loại thẻ không tiếp xúc và việc các ngân hàng cho phép tích hợp chiếc thẻ vào điện thoại sẽ là bước đệm để các ngân hàng từng bước "số hóa" chiếc thẻ nhằm phát triển phương thức thanh toán di dộng.
Samsung Pay đã có trên Gear S3
Phương thức thanh toán Samsung Pay hiện đã được tích hợp trên đồng hồ thông minh Samsung Gear S3, với cả 2 công nghệ thanh toán MST (giao thức thanh toán bằng sóng từ) và NFC (giao thức thanh toán bằng sóng radio).
Người dùng sau khi cài đặt thông tin thẻ trên Gear S3 và kết nối điện thoại di động Samsung Galaxy có thể dùng điện thoại để thanh toán bằng Samsung Pay một cách dễ dàng bằng cách chạm đồng hồ vào các thiết bị thanh toán đầu cuối như máy POS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận