Trong báo cáo môi trường 2017 vừa công bố ngày 11-10, Google tuyên bố vào cuối năm 2017, hãng công nghệ này sẽ dùng 100% năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) cho toàn bộ các hoạt động của mình. Điều này có nghĩa cho tới trước thời điểm kết thúc năm nay, Google sẽ hoàn thành mục tiêu mà vài năm qua họ đã nỗ lực hướng tới, đó là mua và sử dụng các dạng năng lượng “sạch” cho mọi trung tâm dữ liệu và văn phòng của họ trên toàn cầu.
Sạch nhưng phải rẻ
Tuy nhiên, đạt tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo không phải đoạn cuối cùng của lộ trình năng lượng mà Google đã và đang theo đuổi. Hãng công nghệ này cũng đang tiếp tục các nỗ lực bảo vệ hành tinh thông qua chương trình Earth Outreach với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tìm hướng giải quyết cho nhiều vấn đề thách thức môi trường.
Không chỉ Google, nhiều doanh nghiệp Mỹ cũng đang đổ tiền cho năng lượng “sạch”, bất kể những chính sách năng lượng gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Bằng chứng rõ nhất cho xu thế này là báo cáo nghiên cứu gần đây của hai tổ chức Apex Clean Energy và GreenBiz Group về vấn đề này. Hai tổ chức đã khảo sát 153 doanh nghiệp lớn của Mỹ (cả tư nhân và nhà nước) có tổng thu nhập từ 250 triệu USD về quan điểm đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo của họ trong tương lai gần. Kết quả là 84% doanh nghiệp cho biết họ “đang chủ động theo đuổi phát triển hoặc đang cân nhắc để mua năng lượng tái tạo trong khoảng từ 5-10 năm nữa”.
Đáng chú ý khi có tới 43% doanh nghiệp rất sốt sắng trong kế hoạch sử dụng năng lượng “sạch” trong hai năm tới. 87% trong số những doanh nghiệp chủ động cân nhắc việc mua năng lượng tái tạo cho biết việc Tổng thống Donald Trump đắc cử cùng các chính sách năng lượng của ông không ảnh hưởng gì tới quyết định về năng lượng của họ.
Một phần thực sự quan trọng của báo cáo nghiên cứu là chỉ ra đâu là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Theo đó, 65% doanh nghiệp cho biết giá năng lượng là điều kiện tiên quyết. Sau đó mới là các nguyên nhân như họ muốn làm một điều đúng đắn, muốn tạo ra một hành tinh trong lành hơn để trao truyền cho các thế hệ sau, hoặc vì muốn cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp trước công chúng...
Trở lại với Google, để khẳng định tinh thần cam kết với năng lượng “sạch”, công ty này đã đầu tư gần 2,5 tỉ USD cho các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3,7GW kể từ năm 2010. Công ty này cũng đã triển khai sáng kiến mới, trang bị thêm cho những chiếc xe hơi Google Street View các cảm biến đo chất lượng không khí.
Bài học từ Hà Lan
Đã qua rồi cái thời các nhà hoạt động môi trường kêu gọi “suông” về những tác động tiêu cực của nhiệt điện. Hà Lan đã có một bằng chứng cho thấy mức rủi ro cao với các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Trong một thỏa thuận liên minh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa cam kết sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện của nước này vào năm 2030, trong đó có ba nhà máy chỉ vừa hoàn thành năm 2015.
Theo thỏa thuận này, ba trong số những nhà máy nhiệt điện có hiệu quả nhất tại châu Âu do các công ty RWE, Engie và Uniper xây dựng vừa được hoàn thành năm 2015, sẽ đối mặt với việc bị đóng cửa sớm.
Trên thực tế, ngay từ cuối năm ngoái, trước tình trạng nhu cầu người dùng nhiệt điện giảm, giá cả cạnh tranh của các loại năng lượng tái tạo cũng như sức ép từ các nhà hoạt động xã hội, ba nhà máy này đã thua lỗ nhiều tỉ euro.
Từ thực trạng đó, Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) đã cảnh báo các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ba Lan nên rút kinh nghiệm trước bài học “đắt giá” đã xảy ra với ba nhà máy nhiệt điện của Hà Lan.
Báo cáo của IEEFA nhận định: “Trường hợp của Hà Lan cho thấy chính sách và thị trường đã không còn ủng hộ các nhà máy nhiệt điện như thế nào.
Sai lầm của Hà Lan cho thấy các ngành dịch vụ công và các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng về việc đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện. Và nó cũng nhắc nhở các nhà đầu tư không nên lệ thuộc vào tình hình dịch vụ cung cấp năng lượng chính thống”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận