Thời của "babarazzi"

KHIẾT VĂN 23/06/2010 02:06 GMT+7

TTCT - Paparazzi là những tay chuyên săn ảnh hoặc sự kiện về những người nổi tiếng (các ca sĩ, diễn viên...) khi họ đang có những hoạt động công cộng hoặc riêng tư (thường là chụp lén, không được sự đồng ý), trước được biết như chuyện phổ biến ở nước ngoài.

Nhưng giờ đây, trong thông tin văn nghệ tại Việt Nam, hiện tượng paparazzi đang trở thành phổ biến và mỗi lúc một ly kỳ gay cấn hơn, bất chấp mọi thứ, miễn sao tạo được sự thu hút độc giả.


Những ánh đèn chớp làm cho sự nổi tiếng luôn hấp dẫn giới trẻ - Ảnh: Gia Tiến

Nói cách khác, việc “lá cải hóa” các thông tin và hình ảnh đã hình thành một hiện tượng mua bán từng phần hoặc trọn vẹn từng cá nhân trong giới văn nghệ, mà chỉ cần lướt qua các trang báo điện tử, thậm chí trên báo in, là có thể tìm thấy dày đặc mỗi ngày.

Bị bán từng phần

N., một ca sĩ quen thuộc trong giới ca nhạc, vô tình trong một buổi đi chơi để lộ một hình xăm trên cánh tay và bị ai đó chụp hình đưa lên Facebook. Chuyện tưởng như rất bình thường này đã trở thành đầu đề của cả một bài báo, bình luận diễn tả... thậm chí từ đó suy diễn tính cách của chủ nhân hình xăm đến mức gia đình họ cũng không nhận ra!

Thời của cái gì cũng thành tin tức, đặc biệt những điều ngớ ngẩn được công nghệ văn viết “chuyện bé xé ra to”, dường như đang là một phong trào mà rất nhiều nơi không thể cưỡng lại nổi.

Có một câu chuyện mà khi điểm lại không thể không cười ra nước mắt vì sự lố bịch và trơ trẽn của những paparazzi - còn được mỉa mai là giới “baba”. Đó là việc gần đây một bài báo, được dẫn tràn lan trên các blog, đưa lại trên các báo điện tử chính thống là chuyện “ca sĩ Phương Thanh tát tai Hồ Ngọc Hà”. 

Chuyện bịa đặt đó khi tới tai Phương Thanh, cô giật mình nói rõ là không hề có chuyện này bao giờ, “đồng nghiệp thương nhau không hết, sao lại đánh nhau?”. Chớp ngay chữ “thương” đó, lập tức ngày hôm sau một bài viết có cái tựa hết sức giật gân “Phương Thanh thương Hồ Ngọc Hà” được tung lên mạng. 

Thường thì những việc nắn bóp thông tin theo chủ ý của những tay “baba” như vậy chỉ nhằm câu khách, bất chấp sự tôn trọng các đối tượng và không hề có trách nhiệm đính chính, xin lỗi gì cả.

Nhưng đó là vẫn còn có chuyện để cười. Có những bài báo, bản tin đọc xong thật khó nghĩ rằng những chuyện lá cải như vậy sẽ đem lại gì cho nền văn nghệ Việt Nam, chẳng hạn như “C. đôla mua xe hơi đỉnh cho H.” hoặc “V. quyết tâm mua sợi dây nịt cá sấu hàng độc”. Tất cả những gì liên quan tới giới nghệ sĩ dường như đang bị bán đi từng phần mỗi ngày để làm giàu trong những bản tin gọi là tin văn nghệ, nhưng chẳng hề có chút văn nghệ nào trong đó.

Cách đây không lâu, một người mẫu đi chụp ảnh, trong lúc thay áo vô tình để lộ ngực - chút ít thôi - không hiểu sao cũng có những kẻ đi theo rình mò chụp được và sau đó lập tức quăng lên bản tin “siêu mẫu A. lộ hàng nóng”. Tệ hơn, có một nam người mẫu khi chụp ảnh trong studio, mặc áo sơmi không cài nút cũng bị đưa lên bản tin với tựa giật gân “C. thích được hở ngực”. Dường như đâu đâu cũng có sẵn những tay “baba” như vậy chực chờ.

 Săn khoảnh khắc... hớ hênh

Cách đây sáu tháng, tôi có cộng tác với một trang mạng điện tử về mảng Sao - âm nhạc - điện ảnh. Qua những lúc trao đổi về nghiệp vụ, tôi được hướng dẫn rất tỉ mỉ, cụ thể về cách thu hút độc giả khi đưa thông tin về các nghệ sĩ nổi tiếng.

Chẳng hạn ở một cuộc họp báo trò chuyện thì công việc mà những người như chúng tôi phải làm là chụp thật nhiều ảnh và không cần quan tâm đến nội dung chương trình, cố gắng kiếm những khoảnh khắc hớ hênh của họ để có thể thu hút người đọc nhiều hơn.

Chưa kể đến việc chúng tôi được trao đổi cách đăng tít câu khách bằng những động từ mạnh như “tung”, “vã” (mồ hôi vì ảnh nóng)... Hiển nhiên những trang thông tin như vậy sẽ thu hút độc giả thật nhiều và phục vụ việc bán quảng cáo tăng doanh thu. Ngồi vào ghế độc giả, chúng tôi thấy mình cũng quan tâm chuyện đời tư của người nổi tiếng, nên chúng tôi hiểu bạn đọc của mình cũng muốn thế.

Bản thân tôi luôn phải làm việc trong một guồng tốc độ cao: luôn phải nghĩ đề tài như “đụng hàng trang phục”, “sự cố váy ngắn”, “những sao nổi tiếng nhờ ảnh nóng”... Và dĩ nhiên cũng không ít bạn trẻ gặp tôi trên mạng nhờ viết bài quảng bá nổi tiếng. Nhưng thật sự những trang thông tin của chúng tôi chỉ đăng bài viết về những người đã nổi tiếng chứ không phải các bạn trẻ đang trên đường... đến đỉnh.

Cố ý để... được bán

Nhưng không hẳn ai cũng là nạn nhân. Có nhiều câu chuyện cho thấy ngay chính giới nghệ sĩ, khao khát được nhìn thấy tên mình trên báo, đã trao thông tin của mình cho giới “baba” hoặc biến mình thành một loại “baba” kỳ quái nhất.

N., cây viết văn nghệ của một tờ báo in, từng được một ca sĩ trẻ gọi đến trân trọng thông báo cho biết là anh vừa... ăn cắp một bài hát của nước ngoài và để tên mình. Sau khi thấy thông tin của mình không lay động được gì, anh ca sĩ trẻ này xin gặp và tha thiết xin được “báo đánh” với những thông tin đạo nhạc của mình, sao cho được nổi tiếng, được người ta đọc thấy tên mình trên báo.

Nhiều năm trước đây, để xuất hiện trên mặt báo, người nghệ sĩ phải thật sự có tài năng và có những cống hiến. Nhưng giờ đây các giá trị đó dường như khó kiếm quá nên chỉ cần một tai nạn, một bí mật, một điều xấu xa... là có thể giúp xưng danh với mọi nhà. Và từ đó, việc cố ý tự bán mình là một điều có thật.

Một trong những ví dụ có thể kể là chuyện một cô diễn viên trẻ đột nhiên quăng hàng loạt hình mình mặc đồ lót lên blog gây xìcăngđan ầm ĩ. Rồi cũng chính cô diễn viên này khóc la nói là không biết gì, chỉ là mặc thử quà của mẹ tặng, được mẹ chụp hình lưu niệm nhưng không hiểu sao lại lọt lên mạng. Có trời mà hiểu được tại sao các loạt hình lưu niệm nóng bỏng đầy chủ ý đó được chụp và làm dáng một cách điệu nghệ - lại được upload với dung lượng đủ để in bìa tuần báo - mọc chân mà nhảy nai lên Internet.

“Giờ khó mà tìm được cái gì đáng để học, nghe, mến mộ... từ những thông tin của giới nghệ sĩ. Xung quanh thế giới đó giờ hình như chỉ có chuyện ngôi nhà của họ giá bao nhiêu, họ làm mất chiếc nhẫn ra sao, hoặc họ mua cái áo, cái quần với giá trị ngất trời thế nào...” - một khán giả âm nhạc của Sài Gòn thở dài khi nói về giới nghệ sĩ hôm nay.

Dường như thời của các “babarazi” vẫn và sẽ còn phát triển dài dài, kéo theo nhiều lớp người bị ám ảnh danh vọng chạy theo với đủ các chiêu thức tự bán mình. Với người nghệ sĩ, điều quý giá nhất là cống hiến đời mình cho xã hội, cho cộng đồng. Nhưng ngày hôm nay lại có hẳn một dòng chảy sôi động khi giới nghệ sĩ đang “bị” cống hiến đời mình, hoặc cố ý “cống hiến” đời mình theo một nghĩa trần trụi nhất.

Những đôi cánh rách

Có được tiếng nói trong cộng đồng luôn là ước muốn của nhiều người trẻ. Đặc biệt trong thời buổi Internet rộng khắp, tin tức tràn lan và nhiếp ảnh gia nhiều như nấm, giới trẻ dường như được “chắp thêm cánh” trong cuộc chơi đầy màu hồng này.

Tiếp cận với nhiều bạn trẻ tầm tuổi 14, 15 luôn chầu chực ở những buổi casting, lân la Facebook của phóng viên, nhiếp ảnh gia, người nổi tiếng để tìm cơ hội, trong khi giọng hát hay tài năng chỉ dừng lại ở mức dưới trung bình, sẽ thấy mẫu số chung ở các bạn chỉ là ưu thế vóc dáng, vẻ ngoài “sáng hình” và lai tạp như kiểu thần tượng Đài Loan, Hàn Quốc.

Điều tai hại mà những trang tin mạng vô thưởng vô phạt tạo ra: từ mục đích ban đầu là thu hút lượt xem, tranh nhau về độ nhạy đề tài mà những cây bút thường rơi vào lối viết sa đà, thiển cận ở một số trang báo mạng học đường.

Phóng sự học đường thì cứ na ná... tiểu thuyết dài tập lâm li bi đát; bài viết cảnh tỉnh giới trẻ thì đầy rẫy liệt kê mà đi xa thông điệp thực tế; rồi vô thưởng vô phạt hàng mớ bài viết kể chuyện đời tư, nhất cử nhất động của sao, cả chuyện tưởng chừng đơn giản như...sao đi mua sắm, sao sợ ma, sao đi ăn kem cũng được dễ dãi đưa lên mặt báo.

Tất cả cứ thấm vào đầu giới trẻ, kèm theo những “công thức thành sao” tưởng chừng đơn giản lần lượt ra đời: “ra bộ ảnh mới, đổi phong cách, dự sự kiện, chụp ảnh, đi dự tiệc, phát ngôn hay ra mắt những tác phẩm “sốc” và lạ, rồi lại chụp ảnh”. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ bám lấy đầu óc người trẻ, kéo họ ra khỏi thực tại và ngày ngày trầm trồ cập nhật thông tin giới showbiz.

Cứ như thế, hàng loạt sao ảo bước ra từ ghế nhà trường, cộng đồng mạng, thiếu tài năng và đạo đức nghề nghiệp nhưng thừa tự tin vào đôi cánh giả mà tiền bạc cùng hư danh do giới truyền thông khoác lên họ. Hàng loạt đôi cánh méo mó và dễ rách.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận