Không ít trường đã nỗ lực giải bài toán này nhưng vẫn loay hoay vì chưa có đáp số cho bài toán khác liên quan tới kinh phí, cơ chế...
Công nghệ từ thời… Liên Xô
Những năm gần đây, Trường CĐ nghề Hà Nam đã đầu tư xây mới nhà xưởng, mua mới trang thiết bị hiện đại song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu dạy học.
Chẳng hạn, tại xưởng ô tô, sinh viên đã được tiếp cận máy móc đơn giản để học tập, tuy nhiên vẫn còn thiếu, đặc biệt trong mảng ô tô điện đang nổi lên hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Hiển - giảng viên khoa công nghệ ô tô Trường CĐ nghề Hà Nam - cho biết nhà trường xác định phải bổ sung kiến thức, tài liệu, chương trình, trong đó mở thêm mô đun về xe điện vào cuối năm 2023.
"Tuy nhiên, đây là công nghệ mới nên các hãng coi đó là tài liệu bản quyền, vì vậy trường phải liên hệ các đơn vị và cá nhân để sưu tầm tài liệu, xây dựng mô đun và giáo trình phù hợp.
Hai là, công nghệ xe điện còn mới nên trang thiết bị đi kèm hiện đại, giá thành cao, yêu cầu cao vấn đề an toàn điện trong tháo lắp sửa chữa" - ông Hiển chia sẻ.
Còn tại Trường CĐ nghề Việt Xô số 1 (Vĩnh Phúc), ngoài các dãy nhà đã và đang xây mới, nhà trường còn nhiều dãy nhà và lớp thực tập của sinh viên được xây từ thời Liên Xô. Các dãy nhà thực hành hàn có quạt công nghiệp chạy hết công suất song vẫn nóng bức, ngột ngạt.
Ông Nguyễn Văn Thông, giảng viên khoa cơ khí Trường CĐ nghề Việt Xô số 1, nhận định các xưởng nghề hàn hiện cần được đầu tư thiết bị hàn laser, trang thiết bị hỗ trợ học viên song nhiều thiết bị từ thời Liên Xô đầu tư vẫn còn sử dụng.
"Hiện nay, hàn có nhiều phương pháp như hàn lạnh, hàn laser song chưa có máy laser, thiết bị hoặc robot hàn tự động hóa nên rất cần đầu tư để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp" - thầy Thông bày tỏ.
Theo thầy Phan Trung Kiên, chủ tịch hội đồng Trường CĐ nghề Việt Xô số 1, nhà trường có bề dày lịch sử, đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng từ sớm nhưng sau gần 50 năm nhiều bộ phận không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp và nhu cầu người học như độ mát, độ thoáng, trang thiết bị…
Bắt tay với doanh nghiệp
Trường CĐ quốc tế Lilama 2 (ở tỉnh Đồng Nai) là một trong những đơn vị đang được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật làm việc cho sân bay Long Thành trong tương lai.
Mới đây, trường đã ký kết với Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) đào tạo nhân lực hàng không gồm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, điều khiển và vận hành thiết bị hàng không, khai thác mặt đất…
TS Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà trường kết nối với doanh nghiệp là cách tận dụng lợi thế trang thiết bị của cả hai. Chẳng hạn, các kiến thức về bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, nội dung về cơ khí, điện - điện tử gần như không thể thiếu.
Đây là thế mạnh mà trường ông có sẵn, doanh nghiệp không phải đầu tư thêm. Nhưng ngược lại, các trang thiết bị gắn với máy bay hoặc các mô hình máy bay thực tế, trường khó lòng sắm mới mà phải cần sử dụng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng các trường nghề cần đầu tư vào các trang thiết bị tạo bước đệm cho sinh viên.
Nghĩa là trang thiết bị này không nhất thiết phải giống hệt với doanh nghiệp, mà có thể gần với phiên bản mới nhất, công nghệ lõi của chúng như nhau.
Khi đã làm quen với những phiên bản máy móc này ở trường, sinh viên mới dễ theo học những học phần tại doanh nghiệp mà không bị "chỏi" về công nghệ.
Về kinh phí, theo ông Hải, đầu tư trang thiết bị cho các trường nghề hiện nay đang gặp bài toán "con gà - quả trứng": phải có tiền mới đầu tư trang thiết bị rồi thu hút sinh viên, nhưng ngược lại phải có sinh viên thì mới có… tiền.
Chưa kể, khối công lập hiện cũng vướng một số quy định về số tiền mà các trường bỏ ra để sắm mới các trang thiết bị.
"Để giải quyết bài toán cần một nguồn lực từ bên thứ ba hỗ trợ, có thể là từ Nhà nước hoặc từ các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, cần sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm bớt các cơ sở yếu kém để có thể tối ưu hóa nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho những cơ sở hoạt động tốt" - ông Hải nói.
Cần doanh nghiệp hỗ trợ, đặt hàng
Theo ông Trần Đức Tiệp, hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Xô số 1(Vĩnh Phúc), Nhà nước cần có cơ chế chính sách, thậm chí là luật định thúc đẩy doanh nghiệp phải hỗ trợ, hợp tác với các đơn vị đào tạo, cơ sở cung ứng nhân lực chất lượng cao.
Ví dụ doanh nghiệp muốn tuyển học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp của các trường thì phải có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí đào tạo. Từ nguồn lực đó, nhà trường có nguồn lực tăng lương, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại…
Tự thân đổi mới sáng tạo, được không?
TS Lê Đình Kha, hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết nhiều năm nay trường thực hiện kế hoạch mỗi tổ bộ môn sẽ tham gia cải tiến những trang thiết bị của mình.
Chu kỳ khoảng ba năm, các giảng viên sẽ thực hiện một lần rà soát các trang thiết bị tại trường và điều chỉnh cho phù hợp các công nghệ cập nhật.
Cùng ý tưởng này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thường xuyên tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm, thu hút hàng trăm loại trang thiết bị dạy học của thầy cô trường nghề cả nước. Năm 2022, tổng số thiết bị dự thi là 381 thiết bị đến từ 191 trường nghề cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận