Chương trình truyền hình Tết có nghĩa là hy vọng (năm 2016) tái hiện lại không gian Tết - Ảnh: VTV
Không chỉ văn học, hội họa, truyền hình bám sát chủ đề bao cấp, mà quán hàng ẩm thực cũng theo. Học sinh, sinh viên cả nước thì đua nhau làm kỷ yếu theo trào lưu này...
Nhiều người từng trải qua thời bao cấp đầy khó khăn cũng không thể ngờ rằng "bao cấp" đã quay trở lại và trở thành một "hot trend" (xu hướng thịnh hành) như hiện nay.
Bao cấp "trở lại" Hà Nội những năm 2000
Năm 2006, dự án trưng bày Cuộc sống thời bao cấp 1975 - 1986 của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm đổi mới đã trở thành một sự kiện lớn.
Đây là lần đầu tiên có một dự án quy mô, chạm đến ký ức tập thể (bị cho là nhạy cảm) của rất nhiều người, nên không khó hiểu khi sự kiện thu hút hàng ngàn người tới xem. Cuộc trưng bày kéo dài đúng một năm mà vẫn đông khách.
Sau đó, chủ đề "bao cấp" đã trở thành "hot trend" (nói theo ngôn ngữ thời bây giờ). Nhiều triển lãm bao cấp ăn theo liên tục được mở ra không chỉ dưới danh nghĩa các bảo tàng mà trường đại học cũng tổ chức để sinh viên trải nghiệm, các đơn vị hội chợ cũng làm để thu hút khách hàng...
Ngành truyền hình nhìn thấy thời bao cấp là một "mỏ" đề tài. Năm 2013, Đài truyền hình Việt Nam xây dựng Ký ức Việt Nam, một chương trình dạng tài liệu, trong đó cung cấp nhiều thông tin về đời sống thời bao cấp.
Mới đây, Ký ức Việt Nam được làm mới để phù hợp phát trên fanpage của nhà đài. Năm 2016, VTV làm Tết nghĩa là hi vọng mô phỏng cái tết thời bao cấp khá hấp dẫn, xúc động.
Đài VTC (nay thuộc VOV) cũng làm rất nhiều phóng sự về cuộc sống "kỳ thú" thời bao cấp. Các đài địa phương không chịu kém cạnh cũng dựng bối cảnh thời bao cấp với diễn viên để kể câu chuyện truyền hình họ cần.
Nhiều cuốn sách tổng hợp câu chuyện thời bao cấp ra đời. Họa sĩ trẻ vẽ tranh thời bao cấp. Ca sĩ trẻ miền Nam tìm về những khu tập thể cũ ở Hà Nội để làm MV.
Trên mạng xã hội rất nhiều bài tổng hợp về thời bao cấp với ngôn từ hiện đại như "dân chơi thời bao cấp", "hàng hiệu thời bao cấp", "dân bay thời bao cấp"... Hàng quán ăn uống mang phong cách bao cấp cũng mọc lên khắp Bắc - Trung - Nam.
Tìm trên Google từ khóa "kỷ yếu bao cấp" sẽ thấy rất nhiều clip do học sinh, sinh viên ba miền Bắc - Trung - Nam tự làm.
Phần lớn clip bắt chước MV Thật bất ngờ của ca sĩ Trúc Nhân, kết hợp với "trend" xã hội đen đang được các bộ phim truyền hình và điện ảnh lăngxê. Đáng nói là các clip chủ yếu trình bày hình ảnh thanh niên thời bao cấp ăn mặc lôi thôi, đi dép tổ ong, lê la bệ rạc, đánh bài, hút thuốc, đánh nhau...
Người ta vẫn chuộng, vẫn viết về thời bao cấp với tinh thần lãng mạn hóa nó là chính, để có cảm giác cuối cùng vẫn còn một quá khứ đẹp mà mình thuộc về, thay vì muốn chất vấn nó.
TS Trần Ngọc Hiếu
THẬT BẤT NGỜ (MV) - TRÚC NHÂN
Cẩn trọng khi ướp hương hoa quá khứ
Điều gì khiến chủ đề bao cấp "hot" suốt một thập niên qua? Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam lý giải: "Ôn nghèo kể khổ là một thuộc tính tâm lý của người Việt Nam, ngoài ra nó còn là một cách diễn giải quá khứ với tinh thần ôn cố tri tân".
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những người đến xem cuộc trưng bày Cuộc sống thời bao cấp 1975 - 1986 của người dân Việt Nam đã đón nhận sự kiện với một phức cảm đặc biệt.
"Họ vừa đau khổ, muốn thoát ra khỏi sự khắc nghiệt của thời bao cấp nhưng lại vừa muốn nâng niu nó như những hoài niệm đẹp... Sự gian khổ, sự khó khăn thời bao cấp không làm họ căm giận mà trái lại làm họ yêu hơn những gì mình đã trải qua, tự hào là mình đã vượt qua được thử thách đó. Đó là hai mặt của sự đối lập, khó mà có thể tách bạch rạch ròi" - PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Sau cuộc trưng bày này, xã hội mở ra những thảo luận cởi mở hơn về thời bao cấp. Cuộc sống thời bao cấp vốn rất khó khăn, chật vật, với biết bao bi hài đã được các phương tiện truyền thông đại chúng phục dựng thiên về khía cạnh thân thiện, hài hước, thấm đẫm tình người trong gian khó.
Tựa sách biếm họa Thương nhớ thời bao cấp ít nhiều phản ánh cách tiếp cận nhẹ nhàng với thời kỳ mà người Việt Nam không bao giờ muốn quay trở lại này.
MV Thật bất ngờ của ca sĩ Trúc Nhân gợi nhớ thời bao cấp được giới trẻ rất yêu thích - Ảnh cắt từ MV
Những chương trình truyền hình về thời bao cấp được làm tốt, ít nhiều giúp giới trẻ hiểu hơn về quá khứ. Dưới các chương trình không thiếu bình luận: "Xem chương trình mới biết ngày xưa ông bà, cha mẹ mình vất vả quá, nên tôi càng cảm thấy trân trọng cuộc sống hiện tại hơn".
Tuy nhiên, với những người có trải nghiệm và dày công tìm hiểu về giai đoạn bao cấp, họ không thỏa mãn với cách các phương tiện truyền thông ngày nay phản ánh về thời bao cấp. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam cho rằng ở thời điểm này cần có dũng khí để nhìn nhận lại về thời bao cấp trong tính toàn vẹn của nó.
"Các chương trình về thời bao cấp hiện nay có xu hướng chỉ kể lại những giai thoại thú vị và cảm động, vui vẻ và có pha chút ngậm ngùi mùi mẫn. Những câu chuyện được kể chỉ nhằm chứng minh cho "một thời dẫu đói khổ nhưng tràn đầy tình người".
Điều này dễ hiểu, vì tâm lý không muốn, không nỡ khắc nghiệt với quá khứ của những người đã sống trải. Nhưng từ phía những người thực hiện thì đó là một sự tái hiện khá phiến diện. Có thể có một trăm ví dụ về thời bao cấp tràn đầy tình người thì cũng nên tin rằng cũng có những ví dụ về sự khô kiệt tình người thời bao cấp", ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Theo nhà phê bình này, cách làm "ướp nước hoa hoài niệm lên thời bao cấp" có thể tác động đến cách hiểu của thế hệ sau về quá khứ. "Họ sẽ chỉ thấy thời bao cấp là thời đáng nhớ và đáng thương, cả thương xót và thương yêu, chứ không thấy nó còn là thời đáng sợ".
Từng thiết kế bối cảnh bao cấp cho nhiều chương trình, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết không phải ngẫu nhiên không gian thời bao cấp lại được ưa chuộng đến thế: "Thời bao cấp để lại cho con người ta nhiều ẩn ức, đau khổ có, hãnh diện có. Cá nhân tôi thấy đồ đạc của thời bao cấp rất giản tiện, có tính ứng dụng cao, toát lên vẻ cổ kính, tinh thần lao động và rất thân thiện với môi trường".
Tuy nhiên cái gì quá cũng không tốt.
Bản thân họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã từ chối nhiều lời mời thiết kế không gian bao cấp với lý do: "Không gian bao cấp hợp với những người lớn tuổi thích hoài niệm. Xây dựng một vài địa điểm thì được, nhưng đi đâu cũng thấy phích nước, quạt con cóc thì chết. Lớp trẻ không nên sống lại với tinh thần bao cấp nữa, họ cần có những không gian mới hơn".
Họa sĩ Vũ Huy cho rằng nếu biết cách làm sẽ có không gian bao cấp đẹp, ngược lại sẽ có không gian "đồng nát".
Thời bao cấp là chủ đề hấp dẫn không hề kém cạnh chủ đề chiến tranh. Giai đoạn bao cấp kéo dài từ đầu năm 1976 đến hết năm 1986 như một "lịch sử gần", được bảo lưu trong ký ức của những người sinh ra vào những năm 1950, 1960, 1970.
Ngoài ra còn thế hệ nối tiếp thích tìm hiểu về thời kỳ đặc dị này, tạo thành lượng khán giả đáng mơ ước của các chương trình khai thác chủ đề thời bao cấp.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam
Tâm thế lãng mạn kiểu mới của thị dân
Hình ảnh trong sách biếm họa Thương nhớ thời bao cấp
Văn hóa của chúng ta nhiều năm gần đây nặng màu sắc hoài cựu. Sự hoài cựu này cũng có tính thời trang, tính xu hướng. Thí dụ, chục năm về trước, người ta hoài niệm về thời đầu thế kỷ XX, thể hiện qua xu hướng nam thì đội mũ phớt, mặc áo có dây đeo vai, nữ thì vấn tóc theo kiểu phụ nữ Hà thành ngày xưa.
Gần nữa là xu hướng vintage, lấy hình mẫu là Sài Gòn trước 1975. Xu hướng hoài niệm này không chỉ thể hiện trong văn hóa nghệ thuật mà đi sâu vào sinh hoạt thường nhật như quán xá, cách trang điểm, các vật dụng như băng cassette, đĩa than...
Quan sát xu hướng hoài niệm thời bao cấp, tôi nhận ra một sự thay đổi đáng chú ý về tâm thức con người thị dân. Nếu ở thời kỳ đầu đổi mới, nhớ về thời bao cấp, người ta thường nhớ về nó với cảm thức khôi hài, mỉa mai. Người ta hay nhắc đến những câu ca dao hay chuyện cười trớ trêu nảy sinh trong và sau bao cấp.
Bây giờ thì khác. Người ta biến nó thành một thứ quá khứ ít nhiều có chất thơ, lãng mạn hóa nó, thậm chí biến bao cấp trở thành một ký ức tập thể định hình nên bản sắc một thế hệ, một thời.
Người ta luyến nhớ thời bao cấp cũng là bởi xu hướng nhạt dần tính cộng đồng trong xã hội hiện đại, xu hướng nhạt dần các giá trị tinh thần trong khi no đủ hơn, xu hướng toàn cầu hóa dẫn đến tình trạng phi bản sắc diễn ra ở đô thị hiện đại. Đó là một thứ tâm thế lãng mạn kiểu mới của lớp thị dân bây giờ.
Bao cấp là một giai đoạn khốn khó, nó sinh ra nhiều hệ lụy về lối sống, về cảnh quan cho đến bây giờ vẫn khó chữa. Vẫn có những tác phẩm phần nào nhìn giai đoạn ấy với cái nhìn đa chiều hơn, phức tạp hơn như Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh nhưng chưa nhiều. Người ta vẫn chuộng, vẫn viết về thời bao cấp với tinh thần lãng mạn hóa nó là chính, để có cảm giác cuối cùng vẫn còn một quá khứ đẹp mà mình thuộc về, thay vì muốn chất vấn nó.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (khoa ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận