16/04/2015 12:33 GMT+7

Thời ấy, ở R (mật danh Trung ương Cục miền Nam)

KIỀU XUÂN LONG - PHẠM VŨ
KIỀU XUÂN LONG - PHẠM VŨ

TT - Ngày 15-4, hơn 700 người đại diện cho những người từng chiến đấu năm xưa đã đến tham dự buổi lễ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức.

Ông Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam - Ảnh: Thuận Thắng

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đóng ở một khu rừng nhỏ phía tây bắc tỉnh Tây Ninh, nằm dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ, trải dài từ Xa Mát đến Bến Ra, Lò Gò, Xóm Giữa.

Trong ngày gặp mặt tại hội trường TP.HCM, những người đã ở tuổi 70, 80 ôm lấy nhau mà nói: “Nhớ không, hồi ở R”. Bao chuyện vui buồn, kỷ niệm và tình đồng chí sống lại như một bài ca không bao giờ quên...

Tay trắng dựng nên đài phát thanh

Trong không gian trưng bày, những tấm ảnh chụp các phát thanh viên của Đài phát thanh Giải Phóng áo bà ba đen, chiếc micrô trên chiếc bàn gỗ đơn sơ.

“Chỉ có vậy thôi, và chúng tôi phát thanh - ông Nguyễn Hữu Phước, một trong những phát thanh viên đầu tiên của đài, nhún vai bảo - Có nhiều chuyện trong chiến tranh không giải thích được”.

Kể cả “kiến trúc sư trưởng” của đài, ông Võ Văn Tòng (Tám Tòng) cũng lắc đầu: “Chẳng biết tại sao, lúc đó quyết tâm phải làm là làm được...”.

Cuối năm 1960, ông Nguyễn Văn Linh, bí thư đầu tiên của Trung ương Cục, giao nhiệm vụ cho Tám Tòng - một nhân viên kỹ thuật - phải làm sao sớm dựng cho được đài phát thanh của cách mạng.

Trong tay ông Tám Tòng chỉ có một cái mỏ hàn đốt nóng bằng củi, một số điện trở, tụ điện đựng vừa đủ trong hộp bánh quy nhỏ, hai ba cây vặn ốc vít, vài cây kềm các loại, một số sách chuyên môn tiếng Pháp.

Cả “sếp” lẫn “lính” gồm các ông Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm và Tám Râu (nhà báo kỳ cựu Tân Đức) cùng với anh em công nhân vô tuyến điện đã mày mò lắp ráp, tự chế linh kiện. Làm đi rồi làm lại.

Đến giữa năm 1961, đài phát thanh phát thử sóng bằng câu chuyện được thu từ băng ghi âm “Võ Tòng đả hổ”.

Khoảnh khắc mà ông Tám Tòng nói là “xúc động nhất đời” là ngày 1-2-1962, 19g giờ Sài Gòn, một tiếng nói lịch sử đã vang lên: “Đây là Đài phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phát sóng từ vùng giải phóng miền Nam Việt Nam...”.

Làn sóng nhanh chóng lan truyền trong cả nước và khắp thế giới bằng năm thứ tiếng: Việt, Khmer, Hoa, Anh, Pháp ngay từ buổi phát thanh đầu tiên.

Thắp lửa cho phong trào chống chiến tranh

Cùng với đài phát thanh, chỉ một ban biên tập vỏn vẹn có sáu người: Trúc Tùng, giáo sư Nguyễn Ngọc Thưởng, chị Năm Huệ, kỹ sư Lê Văn Thả, anh Tư Điện, cô giáo Bùi Thị Mè và mấy bạn trẻ học sinh Sài Gòn mới vào chiến khu như anh Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Minh Phúc, anh Hai Lang... đã làm ra bốn tờ báo và tập san tiếng Pháp và Anh: Sud Vietnam en lutte, Bulletin d’Information, South Vietnam in Struggle, News Bulletin.

Một số truyện ngắn của NXB Văn Nghệ Giải Phóng, kể cả bản tin hằng ngày của Thông tấn xã Giải Phóng, cũng được dịch ra tiếng Anh, Pháp...

Các ấn phẩm này được in ấn, chuyển vào Sài Gòn, chuyển qua cơ quan đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Nam Vang để tiếp tục chuyển đến Tokyo, Paris và phân phát cho các nhà báo nước ngoài.

Công tác khó khăn nhất

Công tác đặc biệt nhất của các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, đội viên ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ngày ấy không phải là chuyên môn, không phải là đào hầm, tải lương thực hoặc tải vũ khí, máy móc qua suối sâu, rừng rậm... mà chính là việc học.

Học để trở thành cán bộ tuyên huấn. Học bên ánh đèn dầu leo lét và dưới những trái bom, quả đạn có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Ban đã xây dựng được Trường Tuyên huấn và duy trì đào tạo liên tục, linh hoạt, mở nhiều khóa ngắn hạn, dài hạn để bổ sung, tăng cường cho ngành tuyên huấn khu, tỉnh và các ban khác của Trung ương Cục, đồng thời tăng viện cán bộ lãnh đạo, nòng cốt cho các cơ quan khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Không ít bản tuyên bố của người phát ngôn Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng được tiểu ban tuyên truyền đối ngoại Ban Tuyên huấn R soạn thảo.

Như bản tuyên bố khi Chính phủ Mỹ đưa 5.000 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên Đà Nẵng năm 1965, bản tuyên bố lên án quân đội Trung Quốc lợi dụng tình thế phức tạp của chiến tranh ở miền Nam Việt Nam để đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ miền Nam Việt Nam do chính quyền Sài Gòn đóng giữ... Khi các văn bản lịch sử này được Thông tấn xã Giải Phóng và Đài phát thanh Giải Phóng phát đi, các đài phương Tây lập tức đưa tin hàng đầu, tạo được dư luận mạnh mẽ ủng hộ lập trường chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

Và cũng trong rừng, Ban Tuyên huấn còn xây dựng cả một hội trường lớn có sức chứa tới 2.000 người. Tại hội trường Ấp Bắc ấy, các đại hội của Mặt trận Dân tộc giải phóng được tổ chức.

Các nhà báo, nghệ sĩ quốc tế W. Burchett (Úc), nữ nhà báo Madeleine Riffaud (Pháp), nữ nhà văn, nhà báo Monica Warenska (Ba Lan), nhà báo Liên Xô Schedrov, giáo sư Bertrand Russell (Anh)... đã đến thăm, xuất hiện trên Đài phát thanh Giải Phóng, tiếp xúc với các nạn nhân chiến tranh, để rồi sau đó thắp lửa cho các phong trào chống chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.

Rừng xanh hoa nở

Nhìn những cô cựu văn công mềm mại ôm choàng lấy các đồng chí, duyên dáng thăm hỏi và cười tươi trước ống kính máy ảnh là có thể đoán cách nay 50 năm, họ là những đóa hoa rực rỡ giữa rừng già như thế nào. Không chỉ hát, kịch, văn nghệ giải phóng, còn có đoàn múa balê, múa rối, điện ảnh, hội họa, văn học, âm nhạc...

Những tấm ảnh đen trắng ghi lại cảnh các nghệ sĩ múa balê bằng chân không trên nền đất rừng, đất ruộng hoặc sân khấu dã chiến cận kề ấp chiến lược.

Bao nhiêu nghệ sĩ hàng đầu của Hà Nội vượt Trường Sơn vào miền Nam, hát dưới địa đạo, diễn cho bà con từ Sài Gòn, các vùng lân cận ra ăn tết giải phóng... Những bộ phim Rừng xanh hoa nở, Nghệ thuật tuổi thơ của đạo diễn Hồng Sến ghi lại vừa trung thực, vừa nghệ thuật cuộc chiến đấu bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa.

Những thước phim của Điện ảnh Giải Phóng cũng có mặt giữa lòng Sài Gòn, trong hội nghị Paris, giữa Tokyo, châu Âu... tạo thêm sức thuyết phục cho cuộc đấu tranh ngoại giao, chính trị. Nhiều tác phẩm văn học, nhiều nhạc phẩm, tranh vẽ sáng tác trong rừng nổi tiếng cả thế giới.

Câu chuyện ấy hôm nay cũng được tái hiện, nhắc nhớ lại trên những thước phim tài liệu được chiếu trong hội trường. Nhìn lên màn ảnh, nhiều người cay mắt.

Dù thú nhận “đi kháng chiến hơn 15 năm nhưng chưa từng cầm súng” nhưng ông Võ Thanh Bình - nghệ sĩ của đội múa rối - vẫn cho rằng cuộc chiến đấu của những người làm việc trong Ban Tuyên huấn Trung ương Cục hoàn toàn không kém phần khốc liệt.

Các trí thức, nghệ sĩ từng vượt qua hàng trăm trận càn, đặc biệt là trận càn Junction City với những vòng xích xe tăng cày nát cánh rừng, quyết “lột vỏ trái đất”. Trong số họ có nhiều người từng hồ hởi cầm súng xuống đường trong các chiến dịch Mậu Thân, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Đường đến Anh hùng

Ngày 16-1-2015, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến dự buổi lễ có các ông: nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Lê Hồng Anh - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương; Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; Lê Hoàng Quân - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM; Võ Văn Thưởng - ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.

Ngày 23-11-1961, hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Ban được các đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Sáu Di), đồng chí Phạm Hùng (Bảy Hồng)... là bí thư Trung ương Cục miền Nam từng thời kỳ trực tiếp chỉ đạo.

Từ khoảng 100 cán bộ chiến sĩ lúc mới thành lập với ba bộ phận chính là Văn phòng ban, Đài phát thanh Giải Phóng, Thông tấn xã Giải Phóng, có lúc quân số của ban đã phát triển lên đến 3.700 cán bộ (cao cấp đến sơ cấp) và nhân viên. Kết thúc chiến tranh, ban có 548 liệt sĩ, 353 thương binh.

KIỀU XUÂN LONG - PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên