Anh Bửu tận tình chăm sóc bệnh nhân khác trong thời gian lo cho mẹ ở Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Tháng 9-2021, chúng tôi lần đầu gặp anh Mạc Trạch Bửu tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) khi anh đang trải qua khoảng thời gian mà anh gọi là kinh khủng. Đợt đó gia đình anh có 7 người nhập viện vì mắc COVID-19, trong đó 3 người trở nặng và 1 người qua đời.
Đến giờ, dịch bệnh đã đi qua, nỗi đau mất người thân dần vơi, song với anh Mạc Trạch Bửu (26 tuổi, ngụ phường Linh Tây, TP Thủ Đức), cả đời cũng chẳng thể quên những tháng ngày ấy.
Khoảng thời gian suốt đời không quên!
Đầu tháng 8-2021, anh Bửu và 6 người thân trong gia đình đều nhiễm dịch bệnh, dù chẳng ai có bệnh nền, gồm mẹ, hai chị, một anh trai, người cô và người bác của anh. Anh, mẹ và người chị thứ ba trở nặng do suy hô hấp nên phải nhập viện, những người còn lại triệu chứng nhẹ nên điều trị tại nhà.
Vào bệnh viện, cả ba người đều được cho thở oxy.
Khi sức khỏe anh Bửu dần hồi phục thì mẹ và chị gái trở nặng. "Chị tôi lạc quan lắm, lúc nào cũng cố gắng giành giật sự sống, đau đớn cũng không kêu la tiếng nào. Tới ngày thứ 16 nằm viện, tình trạng chị càng tệ hơn. Sau khi chuyển tới tầng 3 thực hiện bước can thiệp y tế (nơi quyết định sinh - tử), hai tiếng sau thì tôi nhận được cuộc gọi từ bác sĩ báo tin chị mình đã không qua khỏi...", anh Bửu chùng giọng nhớ lại.
Khi ấy, dù quá đau lòng nhưng anh biết mình phải mạnh mẽ đứng lên. "Nếu tôi gục ngã lúc này thì mẹ biết trông vào ai, nên đã nhắc bản thân bình tĩnh lại để làm chỗ dựa, lo tiếp cho mẹ", anh trải lòng.
Anh Bửu được cho xuất viện ngày 19-8, nhưng anh đã chọn ở lại bệnh viện chăm sóc mẹ và xin làm tình nguyện viên hỗ trợ bệnh viện chăm sóc các bệnh nhân khác. Mỗi ngày, anh đi xung quanh các phòng xem có ai cần hỗ trợ gì không, rồi phát cơm cho từng phòng hoặc làm một số việc lặt vặt khác.
Anh cho biết đa số những người nằm ở đây đều lớn tuổi, có bệnh nền, có những người đã mất kiểm soát, rất cần sự trợ giúp, kể cả về tâm lý.
"Cách tôi hay làm là chia sẻ câu chuyện của nhà mình để khuyên nhủ, động viên họ. Có thể từ những chia sẻ động viên đó mà họ cũng thấy ấm lòng hơn, cố gắng ăn uống để nhanh trở về nhà", anh Bửu nói.
Những ngày hỗ trợ công việc tại bệnh viện, anh Bửu chỉ dành cho bản thân khoảng thời gian từ 12h khuya đến 4h sáng để nghỉ ngơi. Anh tâm sự đôi lúc cũng mỏi mệt, song không dám nghỉ ngơi nhiều, vì sợ khi mẹ và các bệnh nhân khác cần hỗ trợ sẽ không có mặt kịp thời.
Sau hai tháng nhập viện, sức khỏe bà Cúc - mẹ anh Bửu - tiến triển tốt dần và được cho xuất viện. Đó cũng là ngần ấy thời gian chàng trai 26 tuổi làm tình nguyện viên.
Bước qua đau thương
Đã hơn nửa năm trôi qua sau cuộc chiến COVID đó, cuộc sống của anh Bửu đã thay đổi khá nhiều. Anh may mắn khỏe mạnh hoàn toàn, nhưng người mẹ vẫn còn di chứng hậu COVID-19, phải thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra.
Trải qua mất mát một cách quá nhanh, anh Bửu đã thấm thía giá trị của những ngày còn đầy đủ gia đình mà anh không để ý.
"Trước khi mắc COVID-19, tôi chưa hiểu nhiều về cuộc sống, chưa biết trân trọng những phút giây được sống bình thường. Tôi cũng không nghĩ sẽ mất chị Ba, cứ nghĩ chị còn trẻ nên dư sức vượt qua.
Nhưng với tôi bây giờ, mỗi phút giây được bình yên trôi qua đáng quý lắm. Cuộc sống vô thường, không biết người thân sẽ bỏ mình đi bất cứ lúc nào, nên tôi càng trân quý giá trị tình thân. Những chuyện ngày xưa mình thấy lớn lao, thì không là gì so với những thứ kinh khủng mà gia đình tôi đã trải qua trong đợt dịch vừa rồi", anh chia sẻ.
Trải qua mất mát, anh Bửu biết quý trọng tính mạng, biết lo lắng hơn cho sức khỏe của mình. Anh cũng không còn cố lao vào kiếm tiền, thay vào đó dành nhiều thời gian cho gia đình, để những bữa cơm nhà đỡ thiếu vắng hơn.
Ngoài hiểu được giá trị cuộc sống, anh Bửu chia sẻ mẹ con anh được trở về nhà là nhờ công ơn của các y bác sĩ. Anh vẫn không quên những ngày ở viện, đội ngũ y bác sĩ đã vất vả cứu chữa cho gia đình anh và nhiều bệnh nhân khác. Đó cũng là lý do anh quyết định làm tình nguyện viên như một cách trả ơn những ân nhân của mình.
"Các bác sĩ gần như dành cả tâm huyết, thời gian, hy sinh mình để chống dịch. Từ tận đáy lòng, tôi rất biết ơn. Cho tôi gửi lời cám ơn chân thành nhất đến đội ngũ y tế ở Bệnh viện TP Thủ Đức cũng như toàn thể y bác sĩ ở khắp đất nước đã giúp nhiều bệnh nhân chúng tôi trở về nhà, được bình an bước qua đại dịch", anh Bửu chia sẻ.
Mời bạn cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh vui lòng gửi về: [email protected].
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận