07/07/2016 09:22 GMT+7

Thoáng hơn cho vàng: phải thận trọng

T.TUYỀN
T.TUYỀN

TTO - Người dân lại quan tâm đến vàng khi giá tăng đột biến sau vụ Brexit và Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị được thoáng hơn trong quản lý.

Các kiến nghị nhằm tháo gỡ các điều kiện kinh doanh vàng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập nhằm không để vàng gây phiền toái cho nền kinh tế. Nhưng gỡ thế nào, thoáng đến đâu phải thận trọng bởi “đụng” đến vàng, nếu sai một li là đi ngàn dặm, rất khó khắc phục.

Vì sao phải thận trọng? Trước đây thường xảy ra “loạn” giá vàng, đặc biệt là tin đồn về vàng luôn châm ngòi cho những biến động xấu của nền kinh tế, vốn nhàn rỗi đổ vào vàng để chờ giá lên. Vì vậy Chính phủ phải đưa vàng vào diện kinh doanh có điều kiện, vàng miếng là độc quyền của Nhà nước để hướng vốn vào sản xuất kinh doanh.

Nhưng có thực tế là giữa Nhà nước và doanh nghiệp khác nhau về mục tiêu. Chính phủ nhất quán chống “vàng hóa” nền kinh tế, loại dần thói quen giữ vàng làm của trong dân. Nhưng giới kinh doanh lại muốn được huy động vàng, dân lại mua vàng, khó tránh khỏi những đợt giá biến động.

Sẽ là mâu thuẫn khi ngân hàng phải ngừng huy động vàng nhưng lại cho doanh nghiệp huy động vàng. Chính phủ xác định vàng là hàng hóa nhưng với người kinh doanh, vàng là tiền và hàng hóa này có thể “phá bĩnh” VND, mất lòng tin vào nền kinh tế.

Các đợt phá giá VND nhiều năm trước đều có bóng dáng của giá vàng tăng nóng. Người dân kéo đi mua vàng, rồi mua USD, buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng tỉ giá, dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Xã hội phải trả giá đắt mới lập lại được trật tự trên thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước phải chi nhiều ngoại tệ nhập vàng mới giúp các ngân hàng khóa sổ được hoạt động huy động vàng. TP.HCM phải “hi sinh”, giao thương hiệu vàng miếng SJC về cho Ngân hàng Nhà nước...

Đưa vào quản lý, vàng không còn phá bĩnh nền kinh tế nữa. Nhưng ai cũng muốn thông thoáng để kinh doanh. Ngặt nỗi vàng luôn phức tạp vì vai trò kép: không phải tiền nhưng là tiền, là hàng hóa nhưng tạo ra cơ hội đầu cơ kiếm tiền cho một số người, nhiều lúc gây ra tâm lý bất ổn cho nền kinh tế. Kinh doanh vàng là con dao hai lưỡi.

Ở VN tổng kết lại đa số người lướt sóng vàng - nhất là chơi sàn vàng - đều thua, kể cả những đại gia có sạn về lĩnh vực tài chính.

Vàng không còn là tài sản cất giữ phù hợp với mọi người như trước bởi giá bị chi phối từ thế giới. Khủng bố 11-9 ở Mỹ đã kích hoạt những năm tháng bất ổn của giá vàng, từ 300 USD/ounce lên 1.900 USD/ounce.

Chiến tranh Iraq, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, hay mới đây là vụ Brexit... cũng làm giá vàng điên đảo. Những sự kiện đó, chẳng ai, nhất là người dân mua vàng làm của, có thể lường được.

Vì vậy chủ trương không khuyến khích mua vàng là phù hợp, đặc biệt là sức mua của VND không còn suy giảm mạnh như nhiều năm trước để phải dồn tiền mua vàng.

Chiến lược của nhà hoạch định chính sách là hạn chế tối đa các điều kiện có thể dẫn đến việc “nở nồi” trở lại của thị trường vàng. Với vàng còn trong dân, Nhà nước sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhưng không vội vã để người giữ vàng đem vàng ra bán.

Lộ trình đưa vàng trở lại đúng vai trò của nó chưa kết thúc, còn nhiều việc cần làm. Phải tháo gỡ cho doanh nghiệp chế tác vàng nữ trang nhưng hết sức cẩn trọng, đặc biệt là chọn thời điểm thích hợp để bàn tính chuyện nới lỏng điều kiện chung cho kinh doanh vàng.

T.TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên