Ảnh minh họa. Nguồn: pinterest.co.uk
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi. Thoái hóa khớp tiến triển chậm, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến lao động và sinh hoạt hằng ngày. Nếu không được điều trị bệnh sẽ dẫn tới tàn phế, chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp kết hợp với tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp. Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị thoái hóa, trở nên xù xì và mỏng đi khiến cho khớp không thể vận hành tốt. Đồng thời, phần xương dưới sụn cũng bắt đầu thay đổi cấu trúc và hình dạng, bị xơ hóa, mật độ khoáng và sự bền chắc giảm sút rõ rệt, xuất hiện các vết nứt nhỏ. Đối với trường hợp nặng, sụn có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương dưới sụn bị cọ xát vào nhau, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.
Thoái hóa khớp là một bệnh chưa rõ nguyên nhân, tuy vậy có một số yếu tố liên quan đến bệnh, như: Tuổi tác (người càng lớn tuổi thì sự lão hóa càng làm cho các thành phần sụn, xương dưới sụn của khớp bị mài mòn, dịch khớp càng ít dần); yếu tố cơ học (các bất thường bẩm sinh của khớp như gù, vẹo cột sống, các bệnh lý viêm khớp, các chấn thương khớp xương, bệnh béo phì khiến tải trọng phải chịu của các khớp xương tăng lên) hoặc các yếu tô nghề nghiệp như lao động nặng nhọc, tư thế không phù hợp (kể cả trong học tập, làm việc và cuộc sống hàng ngày); các yếu tố khác như yếu tố di truyền, loãng xương, các bệnh nội tiết chuyển hóa (đái tháo đường, gout) cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Triệu chứng điển hình của bệnh là đau tại khớp bị thoái hóa, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp. Cơn đau thường âm ỉ và trở nên nặng hơn vào buổi tối, hoặc khi co duỗi các khớp. Khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường sẽ giảm sau một vài phút vận động. Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn. Khớp có thể bị sưng, các cơ xung quanh trở nên mỏng hoặc yếu đi gây khó vận động. Các triệu chứng này thường rất đa dạng mà không có nguyên nhân cụ thể, lúc đau, lúc không. Khi thời tiết thay đổi, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là thời tiết ẩm đi kèm với giảm áp suất không khí. Sau triệu chứng đau là tình trạng hạn chế vận động: Các động tác của khớp bị hạn chế ở các mức độ khác nhau khiến hoạt động của cơ thể gặp nhiều khó khăn. Ngoài hai triệu chứng chính là đau và hạn chế vận động, người bệnh có thể bị teo cơ, nhất là tay chân.
Để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp nói chung, người cao tuổi nói riêng, trong cuộc sống hàng ngày nên tránh các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt; tránh các tác động quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng,...; chống béo phì bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đối với trẻ em, cần chữa sớm bệnh còi xương, các tật về khớp (vòng kiềng, chân cong). Hoặc những người làm nghề lao động nặng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm nếu bị thoái hóa khớp. Mọi người cũng nên phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp sớm ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận