Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Lại chờ năm sau

XUÂN MINH 07/12/2024 05:47 GMT+7

TTCT - "Đã đến lúc chấm dứt ô nhiễm nhựa vì thế giới không thể chờ đợi thêm nữa". Nhưng vẫn cứ phải đợi.

Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Lại chờ năm sau - Ảnh 1.

Hệ thống thu gom rác chạy bằng thủy lực và năng lượng mặt trời trên sông Juan Diaz ở thành phố Panama ngày 1-10-2024. Trong hai năm, hệ thống này đã gom được 256 tấn rác, chủ yếu là chai nhựa. Ảnh: AFP

"Đã đến lúc chấm dứt ô nhiễm nhựa vì thế giới không thể chờ đợi thêm nữa". Nhiều đại biểu dự INC-5, một hội nghị toàn cầu về nhựa ở Busan (Hàn Quốc), đã mong mỏi như thế, nhưng kết quả cuối cùng là phải tiếp tục chờ, sớm nhất là năm sau để các cuộc đàm phán trở lại.

INC-5 (diễn ra từ 25-11 đến 1-12) là cuộc họp lần thứ năm của Ủy ban đàm phán liên chính phủ, cũng là cuộc cuối cùng theo kế hoạch hai năm ban đầu để các quốc gia đàm phán về một dự thảo công ước có ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa, theo thống nhất tại Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2022.

Rạng sáng thứ hai (2-12), cuộc đàm phán chính thức đổ vỡ vì đại biểu từ 170 quốc gia và vùng lãnh thổ không đạt được thỏa thuận về hướng đi phù hợp. 

"Một liên minh lớn gồm nhiều quốc gia ủng hộ các biện pháp giảm sản xuất nhựa, trong khi các quốc gia giàu dầu mỏ phản đối, lập luận rằng thế giới nên nhắm vào việc xử lý ô nhiễm nhựa, thay vì giảm thiểu bản thân nhựa" - The Washington Post tường thuật.

Bất đồng trên bàn đàm phán

Việc không thể đạt được thỏa thuận tại Busan không phải là điều bất ngờ đối với nhiều người tham gia. Cuộc đàm phán bắt đầu trong không khí "lạc quan thận trọng", nhưng đến ngày thứ sáu, ai cũng thấy rõ không thể đạt được sự đồng thuận, theo The Washington Post. 

Một lần nữa thế giới lại bỏ lỡ cơ hội có một công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn để giảm sử dụng nhựa một lần, cũng vì nhựa vẫn là vật liệu phổ biến và là nền tảng của một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá hàng tỉ đô la.

Để chuẩn bị cho phiên đàm phán cuối cùng tại INC-5, chủ tịch ủy ban đàm phán đã công bố tài liệu không chính thức và đề nghị các nước sử dụng làm tài liệu làm cơ sở để đàm phán. 

Điểm sáng là trong hai năm qua, các quốc gia đã tham gia đều nhất trí cao về sự cần thiết phải chấm dứt ô nhiễm nhựa trong các lĩnh vực như quản lý, tái chế rác nhựa, thiết kế lại sản phẩm để dễ tái sử dụng, các biện pháp đặc biệt nhằm quản lý lưới ma (lưới đánh cá bị ngư dân vứt bỏ trôi nổi trong đại dương) đang gây ảnh hưởng đến sinh vật biển.

Nhưng các cuộc đàm phán trong hai năm qua không hề dễ dàng ở những nội dung như giảm sản xuất nhựa, bỏ hoặc hạn chế các sản phẩm nhựa gây ô nhiễm nhất hoặc có thể tránh được, ngừng sử dụng các hóa chất độc hại trong sản xuất nhựa hay tài trợ cho hoạt động dọn rác và chuyển đổi toàn cầu nhằm giảm nhựa.

Các nhà đàm phán lần này đến với Busan với gần 70 trang văn bản dự thảo và hơn 3.700 chỗ mở/đóng ngoặc - thể hiện các nội dung chưa có được tiếng nói chung. Cuối cùng, họ vẫn không có tiếng nói chung.

Các nhà đàm phán cho biết họ hy vọng sẽ tiếp tục đàm phán vào năm sau. Thời gian chờ đợi chỉ làm tình hình ô nhiễm nhựa trầm trọng thêm.

Quyền lực của ngành nhựa

Theo một nghiên cứu lớn của Cơ quan Năng lượng quốc tế năm 2018, so với năm 1950, sản lượng nhựa toàn cầu đã tăng hơn 200 lần, lên gần 460 triệu tấn mỗi năm, trong đó, chiếm một nửa là đồ nhựa dùng một lần. 99% nhựa đang dùng trên thế giới có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Ngành hóa dầu - ngành chuyển hóa các thành phần có nguồn gốc từ dầu và khí đốt thành các loại sản phẩm hằng ngày như nhựa, phân bón, bao bì, quần áo, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị y tế, chất tẩy rửa, lốp xe… đang là động lực lớn với nhu cầu dầu toàn cầu.

Sản lượng nhựa được dự kiến sẽ tăng từ 2-3 lần vào năm 2050, tương đương 20% nhu cầu dầu toàn cầu. Đáng tiếc là trong khi sản xuất tăng vọt, hoạt động tái chế lại không theo kịp. Tính đến năm 2019, các công ty chỉ xử lý được 9% tổng lượng rác nhựa từng được thải ra.

Khoảng 19 triệu tấn nhựa bị rò rỉ vào môi trường mỗi năm, gián tiếp làm chết hoặc bị thương các loài động vật trên bờ cũng như dưới biển. Nhựa có ở điểm sâu nhất của đại dương là rãnh Mariana và trong tuyết mới rơi ở Nam Cực. Khi bị phân rã thành các mảnh vô cùng nhỏ, nhựa có thể xâm nhập thức ăn, máu, nhau thai và sữa mẹ.

Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Lại chờ năm sau - Ảnh 2.

Bảng điện tử kêu gọi giảm sản xuất nhựa gần địa điểm diễn ra INC-5 tại Busan, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 11 năm 2024. Ảnh: AP/Ahn Young-joon

Theo trang dialogue.earth, qua hai năm đàm phán giảm nhựa, các nước vẫn chưa thống nhất về cơ chế đồng thuận các vấn đề. Các thỏa thuận môi trường đa phương thường đạt được bằng cơ chế đồng thuận. 

Khi không thể đồng thuận thì hội nghị thông qua quy tắc bỏ phiếu về các điểm gây tranh cãi. Tuy nhiên, kể từ khi khởi động thỏa thuận về nhựa, một nhóm nhỏ các quốc gia kiên quyết phản đối phương án bỏ phiếu nên hiện không có cách nào giải quyết các điểm bất đồng.

Các lĩnh vực còn bất đồng lớn nhất là xác định những hóa chất nguy hiểm nào nên bị cấm trong các sản phẩm nhựa, có nên có các biện pháp hạn chế lượng nhựa thế giới sản xuất hay không.

Trong số 16.000 hóa chất được sử dụng để sản xuất nhựa, hơn 4.200 hóa chất được biết là gây nguy hiểm và rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường, liên quan đến sẩy thai, béo phì, tiểu đường, ung thư… Dữ liệu về tác động sức khỏe của gần 10.000 hóa chất khác không đủ để kết luận tác động của chúng.

Theo quan điểm của các nhà khoa học hàng đầu, công ước cần áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, ưu tiên an toàn cao nhất cho con người và môi trường và cấm cửa các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nhựa trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất nhựa.

Các quốc gia có ngành công nghiệp dầu mỏ lớn như Saudi Arabia, Nga, Iran… không muốn cắt giảm sản xuất nhựa vì điều này gây rủi ro kinh tế nghiêm trọng cho họ. Quan điểm này được nhóm các nhà vận động hành lang cho ngành hóa dầu và nhựa, vốn luôn có mặt ở các kỳ họp ICN, ra sức ủng hộ. 

Ở chiều ngược lại, 40 quốc gia và khu vực gồm EU, Fiji, Thụy Sĩ, Nigeria… đã ký tuyên bố "Cầu nối tới Busan", kêu gọi "sản xuất nhựa ở mức bền vững" (tức giảm sản lượng). Mỹ cũng là ủng hộ viên dù chưa ký tuyên bố Busan. 

Mỹ có thực lực về sản xuất nhựa và gần đây có dấu hiệu ủng hộ cắt giảm sản xuất nhựa - một động thái rất đáng chú ý vì Mỹ sản xuất 17% lượng nhựa toàn cầu, sau Trung Quốc với 32%. Tuy nhiên, do INC-5 diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, các nhà quan sát lo ngại việc này có thể ảnh hưởng đến lập trường của phái đoàn Mỹ.

Ở khía cạnh thị trường, ngành hóa dầu và nhựa đang phải đối mặt những thách thức kinh tế ngày càng tăng do tình trạng dư công suất ngày một tăng, áp lực đầu tư bền vững và pháp lý thắt chặt. Mặc dù thị trường nhựa đã bão hòa, hơn 1.400 dự án sản xuất nhựa mới đã được lên kế hoạch vào năm 2027. 

Với tỉ suất lợi nhuận thấp và cảnh báo từ các cơ quan xếp hạng tín dụng, các nhà kinh tế cho rằng mở rộng sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch vừa liều lĩnh vừa thiển cận về mặt kinh tế và môi trường. Cách tốt hơn là giới hạn sản xuất nhựa. Nhưng một lần nữa, được hay không phải chờ 2025.

Hạ tuần tháng 11, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) công bố "Chiến lược quốc gia về

ngăn chặn ô nhiễm nhựa", trong đó xác định các biện pháp bảo vệ cộng đồng khỏi tác động của việc sản xuất nhựa và rác thải nhựa mà cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng có thể làm.

Một số biện pháp trong chiến lược của EPA bao gồm giảm sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng khả năng tái sử dụng, đánh giá tác động đến môi trường và sức khỏe con người trong toàn bộ vòng đời của đồ nhựa dùng một lần; tăng cường chính sách và biện pháp khuyến khích nhằm giảm ô nhiễm nhựa như quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trên toàn quốc.

Chiến lược của EPA được tổ chức thành 6 trụ cột gồm giảm ô nhiễm từ sản xuất nhựa; đổi mới chất liệu và mẫu mã sản phẩm; giảm phát sinh phế liệu; tăng thu gom, tái chế và chấm dứt ô nhiễm nhựa; giảm số lượng cũng như tác động đến sông ngòi và đại dương của rác nhựa.

Khuyến nghị cho Việt Nam

Theo chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành nhựa ở Việt Nam, trị giá 25 tỉ USD, đã dẫn đến những thách thức đáng kể về môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là do việc sử dụng rộng rãi các hóa chất đáng lo ngại. Cũng theo tổ chức này, Việt Nam đứng trước cơ hội giúp ngành nhựa hoạt động theo các thông lệ quốc tế tốt nhất bằng cách tập trung vào các sản phẩm hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Cách tiếp cận này không chỉ giảm tác động đến môi trường và sức khỏe của các hóa chất đáng quan ngại mà còn tạo ra một ngành nhựa bền vững và linh hoạt hơn ở Việt Nam, phù hợp các xu hướng quản lý toàn cầu mới.

UNDP khuyến nghị Việt Nam hướng tới một thỏa thuận phù hợp và đảm bảo lợi ích quốc gia của mình, đảm bảo các nghĩa vụ phù hợp với các ưu tiên và lợi ích quốc gia của Việt Nam, như các cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, kiểm soát các hóa chất đáng quan ngại, thiết lập các cơ chế thuế và phí hiệu quả. Việt Nam cần xem xét một số biện pháp đang được đề xuất trong hiệp định như lệnh cấm nhựa dùng một lần hoặc hạn chế sản xuất nhựa sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội và môi trường như thế nào.

Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Lại chờ năm sau - Ảnh 2.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận