06/02/2015 15:59 GMT+7

Thỏa thuận đổi chai nước có ruồi rồi báo công an, có gài bẫy?

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Vụ anh Võ Văn Minh bị khởi tố vì đòi Công ty Tân Hiệp Phát trả 500 triệu đồng cho chai nước ngọt có ruồi tiếp tục có những tranh luận về việc xử lý hình sự với anh.

Mình họa DAD
Mình họa DAD

 

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo trả lời của lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tiền Giang thì qua hồ sơ, chứng cứ ban đầu cho thấy đã có đủ căn cứ xác định hành vi của anh Minh cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản nên phải khởi tố để điều tra, truy tố theo pháp luật.

Cũng theo Viện kiểm sát, hiện chai nước ngọt - vật chứng của vụ án - đã được đưa đi giám định để xác định con ruồi có sẵn trong chai hay do cố tình đưa vào nhằm mục đích vòi tiền doanh nghiệp.

Vờ thỏa thuận rồi báo công an, nạn nhân hay "giăng bẫy"?

Tuy nhiên, nhiều người quan tâm đến vụ việc đã đặt câu hỏi: việc Tân Hiệp Phát thỏa thuận và chấp nhận đề nghị đổi 500 triệu đồng lấy chai nước ngọt có ruồi mà anh Minh phát hiện được có phải là bị đe dọa hay đó chỉ là thỏa thuận dân sự nhằm bảo vệ uy tín của công ty?

Nhất là việc đại diện công ty đã vờ đồng ý với đề nghị 500 triệu đồng của anh Minh nhưng rồi âm thầm tố cáo công an bắt quả tang anh Minh nhận tiền có phải là hành vi cố tình "giăng bẫy" để khách hàng rơi vào tình huống vi phạm pháp luật?

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 135 Bộ luật hình sự quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau: 

"Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ...".

"Dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác" nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.

Chẳng hạn như đe dọa hủy hoại tài sản, tố giác hành vi phạm pháp hoặc hành vi vi phạm đạo đức, loan tin về đời tư (mà người bị đe dọa muốn giấu kín)... dẫn đến việc nạn nhân phải đưa tiền.

Về mặt chủ quan, người phạm tội phải là người có lỗi cố ý trực tiếp, tức là biết được hành vi của mình đang uy hiếp người khác dẫn đến việc người đó phải đưa tiền cho mình.

Trong vụ án này, dù anh Minh có nói sẽ đưa vụ chai nước cho cơ quan báo chí nếu công ty không đưa tiền nhưng cũng cần phải làm rõ mức độ nghiêm trọng trong lời "đe dọa" này đến mức nào và phía người đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát có thật sự lo sợ đến mức phải chấp nhận đề nghị ấy bằng mọi giá hay không?

Việc công ty đưa ra các đề nghị, chấp nhận một phần đề nghị của anh Minh (500 triệu đồng khi anh Minh đề nghị 1 tỉ đồng) có thể thấy phía công ty đã cố tình làm cho anh Minh hiểu rằng đề nghị bồi thường của khách hàng đã được phía công ty chấp nhận. 

Vì thế anh Minh đã yên tâm đến nhận tiền "bồi thường" và bị công an bắt, cho nên trong ý thức chủ quan có thể anh Minh không nghĩ rằng hành vi của mình là sự đe dọa mà cho rằng đó là sự tự nguyện bồi thường của công ty.

Vì vậy, quy kết anh Minh cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp này cần phải điều tra thật chặt chẽ.

Nếu ngụy tạo chai nước ngọt có ruồi, khởi tố là đúng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, kiểm sát viên cao cấp Trần Đông Chu - Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm khu vực III (tại TP.HCM) - cho biết "cần làm rõ yếu tố cưỡng đoạt tài sản của anh Minh trong vụ án này".

Theo ông Chu, đáng lẽ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải trưng cầu giám định chai nước ngọt trước khi khởi tố vụ án để xem con ruồi có sẵn trong chai hay do anh Minh cố tình ngụy tạo, bỏ con ruồi vào để hù dọa nhà sản xuất.

Nếu chai nước ngọt có ruồi là do anh Minh cố tình làm ra thì hành vi đe dọa, tống tiền doanh nghiệp của anh Minh đã rõ, cơ quan điều tra khởi tố là đúng.

Tuy nhiên, nếu con ruồi đã có sẵn trong chai nước trước khi anh Minh mua về thì lỗi này hoàn toàn do doanh nghiệp sản xuất đã bất cẩn, cẩu thả, không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì thế khi mua phải chai nước này, anh Minh là khách hàng - là người bị thiệt hại khi bỏ tiền mua phải sản phẩm mất vệ sinh, có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nếu uống phải.

Theo quy định của pháp luật, anh Minh hoàn toàn có quyền đòi nhà sản xuất phải bồi thường cho mình. Phía công ty có quyền đồng ý hay không, số tiền đồng ý là bao nhiêu. 

Việc anh Minh nói sẽ đưa chai nước cho báo chí có phải là thủ đoạn đe dọa để cưỡng đoạt tài sản của Tân Hiệp Phát hay chỉ là cách nói chuyện trong quá trình thương lượng bồi thường cần phải được làm rõ.

Như Tuổi Trẻ  đã thông tin, chiều 5-2, Viện KSND tỉnh Tiền Giang đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tạm giam gần 4 tháng đối với anh Võ Văn Minh (ngụ xã An Cư, H.Cái Bè, Tiền Giang) về tội cưỡng đoạt tài sản.

Anh Minh là chủ quán ăn, khi lấy nước ngọt bán cho khách đã phát hiện trong chai nước ngọt Number One có con ruồi nên đã gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát (nhà sản xuất loại nước ngọt này) thông báo và đề nghị phải đưa cho anh một số tiền.

Khi anh Minh đến quán cà phê theo lời hẹn của người đại diện của Tân Hiệp Phát để nhận 500 triệu đồng thì bị công an bắt giữ.

 

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên