05/12/2017 13:09 GMT+7

Thỏa thuận cấm đánh bắt cá 'cứu' Bắc Cực

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Mới đây, 9 quốc gia và Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận cấm đánh bắt cá vì mục đích thương mại ở khu vực trung tâm biển Bắc Cực trong ít nhất 16 năm.

Thỏa thuận cấm đánh bắt cá cứu Bắc Cực - Ảnh 1.

Bản đồ vùng biển trung tâm vừa được các quốc gia thông qua lệnh cấm đánh bắt cá trong 16 năm - Ảnh: PEW

Đây là kết quả của chiến dịch vận động kéo dài 2 năm trải qua 6 cuộc họp giữa các quốc gia.

Thêm thời gian nghiên cứu

Thỏa thuận này cho phép các nhà khoa học có thể thực hiện những nghiên cứu về hệ sinh thái đại dương Bắc Cực và những tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực.

Thỏa thuận bảo vệ một vùng biển quốc tế rộng 2,8 triệu km2 có hiệu lực không chỉ với những quốc gia giáp Bắc Cực mà còn với cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - những nước thường xuyên có tàu cá hoạt động trong khu vực trên.

Trước đây lớp băng dày cùng khó khăn trong việc xác định vị trí đàn cá phần nào hạn chế số lượng tàu thuyền vào vùng biển trung tâm. Nhưng lớp băng ở Bắc Băng Dương vào mùa hè đang suy giảm nghiêm trọng, với khoảng 40% vùng biển trung tâm Bắc Cực trở thành vùng nước mở, khiến tàu thuyền dễ tiếp cận hơn trước.

Thỏa thuận cấm đánh bắt cá cứu Bắc Cực - Ảnh 2.

Băng ở Bắc Cực suy giảm vào mùa hè có thể tạo điều kiện cho các tàu cá tiếp cận nguồn lợi dồi dào nơi đây - Ảnh: NASA

Dưới góc độ luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vùng nước này. Do đó nếu không có thỏa thuận, việc đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Cực dù không phạm pháp nhưng sẽ rất lộn xộn.

Trước tình hình trên, giới khoa học, các nhóm vì môi trường cũng như những nhà hoạch định chính sách lo sợ cho an nguy của hệ sinh thái đại dương dễ bị tác động ở nơi đây.

Một hành trình dài

Tạp chí Science cho biết cuối thập niên 1980, những tàu đánh bắt cá từ Nhật Bản, Trung Quốc và vùng eo biển Bering đã khai thác hàng triệu tấn cá pôlăc ở vùng biển trung tâm. Đến năm 1990, số lượng cá pôlăc đã suy giảm nghiêm trọng mà tới giờ vẫn chưa phục hồi.

Vào năm 2012, khoảng 2.000 nhà khoa học vận động một lệnh cấm đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Băng Dương để ngăn hiện tượng tương tự.

Hành trình của một đội thám hiểm Bắc Cực - Nguồn: YouTube

Nỗ lực cuối cùng cũng thành công: năm 2015, Canada, Đan Mạch (đại diện cho Greenland), Na Uy, Nga, và Mỹ - những quốc gia có đường biên giới biển giáp với Bắc Cực, đã cấm tàu cá của nước mình đánh bắt trong khu vực.

Vào tháng 12-2016, trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định lại thỏa thuận về việc cấm đánh bắt cá ở vùng biển trung tâm Bắc Cực.

Tuy nhiên thỏa thuận chỉ riêng các quốc gia giáp Bắc Băng Dương vô tình lại đặt vùng biển trước mối nguy "xâm hại" từ những đoàn tàu đánh cá từ các quốc gia khác trên toàn cầu. Do đó các phái đoàn từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Iceland và Liên minh châu Âu đã tham gia đàm phán một thỏa thuận mới.

Thỏa thuận này sẽ kéo dài trong ít nhất 16 năm và dự kiến được chỉnh sửa mỗi 5 năm.

Thỏa thuận cấm đánh bắt cá cứu Bắc Cực - Ảnh 4.

Con tàu phá băng Christophe de Margerie đang đậu ở cảng Sabetta, Nga - Ảnh: REUTERS

Ngoài lệnh cấm, các phái đoàn cũng thống nhất một chương trình nghiên cứu khoa học chung nhằm khảo sát toàn diện về các loài sống trong hệ sinh thái đại dương và xem xét những áp lực mà chúng phải đối mặt, trong đó có biến đổi khí hậu.

Peter Harrison - một chuyên gia ngư nghiệp và chính sách vùng Bắc Cực tại ĐH Queen (Canada), cho rằng cần phải thành lập một tổ chức khoa học đa quốc gia tập trung nghiên cứu về vùng trung tâm Bắc Cực. Tổ chức này sẽ xác định những nhiệm vụ khoa học nào cần thực trước và chia sẻ, phân tích những dữ liệu thu thập được.

"Nếu đã đồng ý đánh bắt cá thương mại không diễn ra cho đến khi có đủ nghiên cứu khoa học thì hiện nay khoa học phải có vai trò dẫn đầu", Harrison nói.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên