02/03/2015 08:12 GMT+7

​Thơ Việt giữa lòng nước Mỹ

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (từ Atlanta)
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (từ Atlanta)

TT - LTS - Từ Mỹ, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai gửi về cho Tuổi Trẻ bài viết về những bất ngờ từ cuộc giao lưu thơ Việt - Mỹ vừa diễn ra

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (thứ ba từ trái sang) cùng các sinh viên tại buổi giao lưu thơ - Ảnh: Bruce Weigl

Bài viết được gửi ngay trước thềm Hội nghị quảng bá văn học VN lần thứ 3 và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần 2 diễn ra từ ngày 2-3 tại Hà Nội (với hơn 150 tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu quốc tế tham dự).

Khi tôi đặt chân đến thành phố Atlanta theo lời mời của Trung tâm thi ca Poetry@Tech, cơn bão tuyết cũng vừa ập đến. Ðường phố im ắng, các trường học, văn phòng đóng cửa. Nhìn những bông hoa tuyết phủ trắng đất trời, tôi không khỏi thở dài: buổi đọc thơ của tôi ở Trường đại học Georgia Tech cùng với nhà thơ, cựu binh Mỹ Bruce Weigl chắc chắn... sẽ ế ẩm.

Gần đến giờ khai mạc, giáo sư Thomas Lux - giám đốc Trung tâm Poetry@Tech - lái xe đưa chúng tôi đến bãi đỗ xe của trường. Chỉ vào những chiếc xe lấp lánh ánh tuyết đang đậu thành những dãy dài, ông cười: “Khách của chúng ta đã đến”.

Bước vào khán phòng Kress Auditorium rộng rãi và ấm áp, tôi không khỏi sửng sốt: các dãy ghế đã chật kín người. Khán giả nghe thơ hôm nay không chỉ là những sinh viên mà hơn một nửa là những người lớn tuổi, tóc trên đầu đã bạc.

Ðến giờ khai mạc, hết ghế, người ta ngồi bệt ở các lối đi và xung quanh sân khấu. Nhà thơ Thomax Lux rỉ tai tôi: “Hôm nay có thơ Việt nên khác hẳn, số người tham dự đạt mức kỷ lục từ trước đến nay: 270 người”.

Trong suốt hơn một giờ, tôi và Bruce Weigl đã lần lượt đọc những bài thơ bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh và kể những câu chuyện về một Việt Nam yêu hòa bình, đang vượt qua mọi gian khó để vươn lên. Thật xúc động khi buổi đọc thơ kết thúc, tất cả mọi người đồng loạt đứng dậy, những tràng vỗ tay kéo dài, dài mãi.

Sau buổi đọc thơ, tôi đã nhận được những cái ôm đầy trìu mến của những người tham dự. Hóa ra rất nhiều trong số những người lớn tuổi có thân nhân tham chiến ở Việt Nam. Họ đã kể cho tôi nghe những câu chuyện đầy ám ảnh về nỗi đau và mất mát của gia đình mình. Những người trẻ hơn bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tiên được nghe những bài thơ ngân lên bằng tiếng Việt và mong ước một ngày được đến Việt Nam.

“Tôi sẽ dành 60 trang trong số sắp tới của tạp chí để in các bài thơ Việt, cô giúp tôi chứ?” - nhà thơ Dan Veach, tổng biên tập của tạp chí văn học danh tiếng Atlanta Review, siết chặt tay tôi. Lời đề nghị của ông thật ưu ái: hằng năm tạp chí Atlanta Review nhận được khoảng 15.000 bài thơ và họ chỉ chọn in vẻn vẹn khoảng... 120 bài.

“In thơ Việt Nam thôi chưa đủ - cô Katherine, người đang phụ trách một chương trình phát thanh ở Atlanta, nói với tôi - Tôi muốn cùng cô thực hiện một chương trình radio thơ Việt Nam, với giọng đọc của các nhà thơ Việt Nam bằng tiếng Việt, cô đồng ý chứ?”.

Rời Trường đại học Georgia Tech, tôi đem theo bao kế hoạch về việc quảng bá nhiều hơn nữa vẻ đẹp của thi ca Việt Nam đến Atlanta. Và tôi cũng đem theo cái ôm rất chặt của cô sinh viên tên Uyên, người đã được sinh ra trên đất Mỹ và chỉ trở về Việt Nam một lần khi còn rất nhỏ. “Em đã khóc rất nhiều buổi tối hôm nay. Em sẽ sớm phải trở về quê hương, chị ạ” - Uyên thầm thì cùng tôi, khi ngoài kia, mùa đông vẫn đang vần vũ.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (từ Atlanta)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên