29/11/2015 11:29 GMT+7

Thổ và Nga đều nói sai vụ máy bay rơi?

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hai nhà vật lý thiên văn nổi tiếng của Bỉ khẳng định cả Ankara và Matxcơva đều công bố những thông tin sai sự thật về vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga.

Khoảnh khắc máy bay Nga bị bắn rơi - Ảnh: Reuters

Viết trên trang web trường ĐH Katholieke Universiteit Leuven, tiến sĩ Tom van Doorsslaere và tiến sĩ Giovanni Lapenta cho biết chiếc máy bay chiến đấu SU-24 không thể bị bắn rơi theo cách cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mô tả.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết chiếc SU-24 xâm phạm không phận nước này trong 17 giây. Ankara khẳng định không quân nước này cảnh báo máy bay Nga 10 lần về hành vi xâm phạm không phận trong vòng năm phút trước khi bắn tên lửa. Nhưng Matxcơva bác bỏ thông tin này.

Sau khi phân tích đoạn video quay cảnh máy bay rơi trên mạng Internet, tiến sĩ Doorsslaere và tiến sĩ Lapenta xác định chiếc máy bay này bay nhanh hơn nhiều so với những gì Thổ Nhĩ Kỳ mô tả. Hai nhà vật lý thiên văn cho biết địa điểm máy bay rơi cách địa điểm bị bắn khoảng 8km.

Máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 2km tính từ đường biên giới. Như vậy, với tốc độ bay 980 km/g, chiếc máy bay chỉ đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 7 giây chứ không phải 17 giây như Ankara khẳng định.

Để xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ 2km trong 17 giây, máy bay phải bay với tốc độ 420 km/g, quá chậm so với một máy bay chiến đấu.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ra cảnh báo máy bay Nga 10 lần trong năm phút. Với tốc độ 960 km/g chiếc máy bay có thể xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ sâu tới 80 km trong năm phút. Nhưng thực tế là máy bay chỉ xâm phạm không phận 2km.

Hai nhà vật lý thiên văn cho rằng Ankara đã thổi phồng hành vi xâm phạm không phận của máy bay Nga.

Tuy nhiên hai chuyên gia cho rằng Nga cũng không công bố thông tin trung thực. Điện Kremlin mô tả sau khi bị trúng tên lửa, máy bay đã bay ngoặt một góc 90 độ để tránh không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên các nguyên tắc vật lý cho thấy lực của quả tên lửa không thể khiến máy bay ngoặt như vậy được. Phải là một vật thể nặng hơn và bay nhanh hơn chiếc chiến đấu cơ Nga nhiều lần thì mới có thể khiến nó ngoặt góc 90 độ.

“Theo tính toán của chúng tôi, rõ ràng là cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không đưa ra thông tin trung thực, không đáng tin cậy” - hai nhà vật lý thiên văn kết luận.  

 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên