Nhà thơ Trương Nam Hương ký tặng tập thơ mới cho độc giả - Ảnh: BÌNH MINH
Là một nhà thơ tài hoa với cả chục giải thưởng, anh đã là một cái tên quen thuộc với nhiều người yêu thơ. Riêng với tôi, đó còn là một cái tên gợi nhớ việc mở đường cho thơ tình xuất hiện rộng rãi trên báo chí sau thời đổi mới.
Hồi đấy, năm 1985 tôi đang là tổ trưởng tổ lối sống của báo Tuổi Trẻ. Trong số các trang báo do tổ thực hiện, có một chuyên trang đầy yêu thương mang tên Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình.
Làm được vài số, tôi sững sờ: Ôi bàn về chủ đề hấp dẫn này, sao chẳng có thơ tình? Thật ra, lúc ấy không chỉ Tuổi Trẻ mà cả các báo khác gần như đều không đăng thơ tình đôi lứa. Phải chăng cuộc sống đang còn nhiều khó khăn về cơm áo gạo tiền, thơ với thẩn cùng tình yêu đôi lứa xem ra chệch quỹ đạo thời cuộc?
Tôi đã tự hỏi, rồi lại tự hỏi tiếp, nhưng giờ cả nước đang bước vào thời đổi mới, bài vở thông tin trên báo cũng cần thay đổi chứ?... Nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định làm đề xuất mở mục "Thơ tình" gửi lên trưởng ban văn hóa văn nghệ và ban biên tập. Không ngờ được sự đồng tình ngay tức khắc.
Sau lời rao mở hàng, mục "Thơ tình" nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trẻ, nhất là các bạn sinh viên. Trong số đó có Trương Nam Hương, đang học Đại học Tổng hợp TP.HCM. Vừa đọc qua thơ Trương Nam Hương gửi đến, tôi thấy thích vì cảm được nét sâu lắng và sáng tạo trong câu chữ, bút pháp của anh.
Do đó, thơ Trương Nam Hương là một trong những bài thơ "trình làng" đầu tiên trong mục này. Bên cạnh đó, các nhà thơ trẻ (thời điểm ấy) cũng lần lượt tham gia như Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương, Cao Vũ Huy Miên, Đoàn Vị Thượng, Thanh Nguyên... Chẳng bao lâu sau, từ cái đà này, trên một số tờ báo và tạp chí khác, thơ tình của đôi lứa cũng dần dà xuất hiện.
Giờ đây, lần giở những trang viết của Thời nắng xanh & những bài thơ khác, tôi gặp lại một Trương Nam Hương với ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo của ngày nào. Thêm chăng, như lời nhà thơ Lê Minh Quốc, "gừng càng già càng cay", nên cái nhìn của Trương Nam Hương về sự vật, sự việc sâu lắng và trầm tĩnh hơn.
148 bài thơ chuyển tải những tình cảm yêu dấu về những người thân yêu, những danh nhân lỗi lạc cùng những nơi chốn thân thương...
Như về mẹ, bài thơ chỉ 4 câu thôi mà câu chữ đủ gây thắt lòng người đọc: Mẹ giờ hóa nén hương thơm đó / Thương lặng nhìn con chẳng rụng tàn / Khói thắt se vòng lo mẹ nặng / Cõi về cong vít cả thân nhang.
Hay về nhà chính trị, nhà thơ Nguyễn Trãi: Công như bể, thơ dựng trời thế núi / Người thương dân, thù giặc, ghét gian thần / Ông chỉ sợ Lam Sơn làm mẻ kiếm / Lúc kê đầu... vẫn giữ tiết trung quân. 32 từ được nén chặt để lột tả hình ảnh của một người đã được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới".
Tất nhiên trong tập thơ không thể vắng thơ tình. Đó có thể là tình của ai đó như đóa "Hoa vàng một thuở" của Trịnh Công Sơn: Nhớ không thời hai mươi Lan ơi / Trịnh ôm tuổi hát có em ngồi / Thời gian lãng đãng thơm như rượu / Cứ sợ em về lại nhấp môi. Đó lại có thể là bóng hình của các người yêu thực hư - hư thực của nhà thơ.
Như Bông cúc nhỏ trong chiều mưa ấy hay Cánh hoa hồng trong một hớp bia. Thôi dù hoa hồng hay bông cúc, những câu thơ của Trương Nam Hương vẫn lắng đọng lại trong người đọc niềm cảm xúc mạnh mẽ, sâu lắng về giọng điệu và phong cách thơ của anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận