Sân thơ trẻ 360 độ năm 2009 từng giới thiệu được vài gương mặt thơ mới cho văn đàn - Ảnh: HNVVN
Một gương mặt thơ ca phải đảm bảo hai yếu tố: điều anh nói có đích đáng không, cách nói của anh có mới lạ không. Nhìn như thế, thơ trẻ đang thiếu người để làm một "phiên đổi gác" mới.
Nhà phê bình Văn Chinh
Bỏ qua giai đoạn văn học trung đại và cận đại, văn học Việt Nam từ 1930 trở đi, cứ mươi đến mười lăm năm lại có một thế hệ thơ.
Gọi một gương mặt thơ ca không dễ
Từ thập niên 1990 trở đi, nếu xét ở ba yếu tố: cùng lứa, có tác phẩm cùng thời điểm, có ý hướng cách tân thì văn học Việt Nam diễn ra một "phiên đổi gác" mới ở thế hệ thơ trẻ thứ nhất, gồm Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh... Nối sau, có Trần Lê Sơn Ý, Ly Hoàng Ly, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đinh Thị Như Thúy, Nhã Thuyên, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Vũ Lập Nhật, Chiêu Anh Nguyễn, Đoàn Minh Châu, Tiểu Anh, Tuệ Nguyên...
Một lứa mới nữa, dẫu dấu ấn nhạt hơn; người này người kia có thể chưa thuyết phục ở chất lượng tác phẩm nhưng xét ở tính thế hệ, vẫn kể ra được vì tần suất xuất hiện của họ trong văn đàn như Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai, Sâm Cầm, Hồ Huy Sơn... hoặc có tác phẩm thơ vào hàng bán chạy như Nguyễn Thiên Ngân, Nguyễn Phong Việt...
Dù vậy, từ cuối 8X đến đầu 9X trở đi, không dễ gọi tên. Dù lực lượng viết đông đảo, xuất hiện trên báo chí lẫn mạng xã hội, thậm chí sở hữu lượng fan không nhỏ như Nam Thi, Nhược Lạc, Lu... nhưng nhìn đi nhìn lại, chỉ có thể kể ra vài cái tên có giọng như Pháp Hoan, Nguyễn Hoàng Quyên, Lê Quang Trạng, Ngô Gia Thiên An...; tuy nhiên vẫn còn mỏng, chưa đủ để làm nên một "phiên đổi gác" mới.
Mong muốn tìm kiếm những gương mặt trẻ, có lối sáng tạo cách tân, cất lên tiếng nói của thế hệ mình, để giới thiệu trên trang Sáng tác của ấn phẩm Tiền Phong Chủ Nhật, nhà thơ Lê Anh Hoài nhiều lúc cảm thấy "bế tắc; lắm lúc bi quan, tôi nghĩ sẽ đến lúc xuất hiện thế hệ "phi thi ca"?
Số lượng người trẻ gửi thơ khá nhiều, nhưng phải mở ngoặc: ta phải chấp nhận rằng dưới 40 vẫn gọi là trẻ. Xét người trẻ dưới 25 tuổi là vô cùng ít ỏi! Đã vậy, theo tiêu chí của tờ báo, có một chùm thơ để có thể đăng hằng tuần trong mục Sáng tác là khá khó khăn" - Lê Anh Hoài nói.
Suốt gần 8 năm làm thư ký tòa soạn tạp chí Nhà Văn và Tác Phẩm, nhà phê bình văn học Văn Chinh kể ông cũng rất vất vả để tìm những gương mặt thơ mới để giới thiệu. Ngay cả cuộc thi thơ rất lớn mà tạp chí tổ chức để những người trẻ, đặc biệt từ 9X trở đi, tự gửi thì rất hạn hữu.
Nhà văn Phong Điệp - trưởng ban biên tập báo Văn Nghệ Trẻ một thời - lưu ý về sự cần thiết phải trở lại của một tờ báo văn chương cho người trẻ. Chị thấy khá rõ sự phân tán, văn học trẻ phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu những cú hích, sự "đồng thanh tương ứng", thậm chí có xu hướng viết/khen dễ dãi.
Tuy nhiên, nhà phê bình Văn Chinh lại cho rằng: "Đừng đổ lỗi cho diễn đàn khi bàn về cái hay, cái tài. Ta đâu thiếu diễn đàn cho người trẻ. Vấn đề là không có người. Nếu có, xin mời gọi tên".
"Thơ trẻ vẫn đang chuyển động bình thường"
Dù có những khắt khe song nhà phê bình Văn Chinh cũng thừa nhận: "Càng về sau, sự sáng tạo càng khó khăn vì phải vượt thế hệ trước rồi mới khẳng định được thế hệ mình".
Ông nói thêm: "Thơ đang khủng hoảng, đứt gãy thế hệ, hay thậm chí tụi trẻ bây giờ không ra gì. Hình như, thời nào cũng có những ý kiến như vậy.
Nhưng rõ ràng, xã hội không ngừng vươn lên về phía trước, trong đó có văn học. Không có lý gì mà không tin vào thế hệ được ăn học cẩn thận như hôm nay. Có điều sau khi họ sống và chiêm nghiệm, có lẽ, họ mới bật ra được những tiếng thơ có dấu ấn về thế hệ của mình".
Còn trong góc nhìn của nhà thơ Trần Anh Thái, thơ trẻ vẫn đang chuyển động bình thường như nó-vốn-là. So với trước đây, đúng là thơ trẻ không có những đỉnh núi, thiếu những gương mặt đáng giá hay khác biệt mạnh mẽ nhưng nó vẫn đang phát triển.
Thế hệ mới đòi hỏi diễn ngôn mới, hình thức mới. Tuy nhiên điều này diễn ra khá chậm và khó khăn. Nhà thơ Lê Anh Hoài lý giải, giáo dục thi ca trong hệ thống nhà trường quá cũ kỹ. Phê bình cũng rất chậm trễ, nếu không muốn nói là lạc hậu.
Một nền tảng như thế không hề có lợi cho sự phát triển của thơ ca. Khi không phát triển, nó không được người trẻ đón nhận là đương nhiên.
"Rất nhiều người đổ lỗi cho thế hệ trẻ khi thấy họ không mặn mà với thơ ca. Nhưng hãy nhìn vào trào lưu Rap Việt hiện nay mà xem. Trong lời rap là thơ đấy. Người trẻ hiện nay họ thích thơ như thế và diễn tấu theo kiểu đó.
Cứ thích người trẻ phải tiếp tục ngâm nga những thể loại thơ cũ kỹ, nói những câu chuyện không phải của họ, liệu có đúng không?", nhà thơ Lê Anh Hoài thẳng thắn.
Gần 80 năm trước, Hoài Thanh - Hoài Chân viết Thi nhân Việt Nam để tổng kết "một thời đại trong thi ca".
Nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng: "Ta có rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình, các giáo sư, tiến sĩ văn học... đến mức đếm không xuể; nhưng ta chưa làm được công việc đó. Đó là một thiếu sót lớn. Chỉ khi nào làm được điều đó, ta mới có một cái nhìn đầy đủ, nhận diện đúng và sòng phẳng các giá trị của thời đại văn học này, trong đó có câu chuyện thơ trẻ".
Lần đầu tiên có giải cho người viết dưới 35 tuổi
Theo chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, trong những cuộc họp mới nhất của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, ngoài việc chọn lựa, chấn chỉnh Ban văn học thiếu nhi; tới đây sẽ có giải thưởng văn học thiếu nhi hằng năm riêng. Đồng thời, hội cũng sẽ mở cuộc vận động (gồm 2 đợt) kêu gọi các nhà văn viết về đối tượng này.
Hai là, lần đầu tiên hội sẽ có giải trẻ dành cho những người viết dưới 35 tuổi. 10 - 15 năm chưa chắc hình thành nên một thế hệ văn chương cho đàng hoàng nên xuất phát từ thực trạng đội ngũ viết văn có dấu hiệu già hóa, ngay từ bây giờ, hội phải làm những công việc gợi mở, khích lệ, có những cách để ủng hộ, sát cánh cùng họ.
"Dù muốn hay không, lực lượng đó cũng là chủ nhân của nền văn học trong thời gian tới. Họ sẽ quyết định số phận nền văn học. Đây là hai điều mới mẻ nhất mà Ban chấp hành mới quyết tâm cực kỳ cao trong nhiệm kỳ này" - ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận