23/09/2017 11:32 GMT+7

Thợ sửa tàu biển

TTO -Giáng những nhát búa rắn rỏi, thợ sửa tàu Lê Văn Vinh (42 tuổi) từng chút, từng chút làm bật tung những con bulông to như ngón chân cái khỏi thân tàu gỗ cũ kỹ.

Thợ sửa tàu biển - Ảnh 1.

Thợ sửa tàu Lê Văn Vinh tháo những con bulông trên chiếc tàu cũ để thay vỏ mới

- Ảnh: LÊ TRUNG

Hôm nay ông và những người thợ thay lớp gỗ cũ bằng lớp gỗ mới cho một con tàu.

Sau những chuyến bám biển dài ngày, sóng gió bão tố quăng quật, những con tàu vỏ gỗ cũ kỹ về bờ nằm nghỉ trên triền đà cho những người thợ "chữa bệnh". 

Triền đà An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) mùa bão tố luôn có gần chục chiếc tàu cũ chờ "chữa thương" để lại ra biển lớn.

Tụi trẻ bây giờ thấy nghề này suốt ngày nhớp nháp, bụi bặm, lom khom dưới mấy thân tàu nên có đứa nào chịu theo đâu! Chỉ có mấy ông già như tụi tui làm thôi. E rằng chúng tôi mất đi thì nghề này cũng mất theo luôn

Ông Trịnh Mỹ

Sửa tàu từ thuở 13

Dáng người nhỏ thó nhưng đôi tay rắn chắc, ông Vinh đã có gần 30 năm làm nghề sửa tàu biển. Người có tuổi nghề cao như ông còn có ông Lê Tấn Dũng (55 tuổi). 

Ông Dũng có 40 năm làm nghề. Thuở nhỏ hai ông theo cha lang bạt khắp nơi làm nghề sửa tàu. Triền đà An Lương là nơi cuối cùng ông dừng chân để làm nghề này kiếm sống. Lớp trước đã già, nay đến lớp các ông.

30-40 năm làm nghề, kinh nghiệm đầy mình nên tay nghề như ông Vinh, ông Dũng luôn được tín nhiệm. Công đoạn của ông Vinh, ông Dũng là làm mộc. 

Đây là công đoạn khó nhất để sửa chữa một chiếc tàu: phải tháo hết lớp vỏ gỗ cũ để thay bằng một lớp vỏ gỗ mới. "Thay xong vỏ một chiếc tàu cũng mất hơn nửa tháng" - ông Vinh quệt mồ hôi nói.

13 tuổi ông Vinh đã theo cha bôn ba khắp nơi, ăn nằm trên những con tàu biển sửa thuê, kiếm cơm. 

Ông nói nghề gia truyền này có từ thời ông nội. Lúc xưa máy móc chưa phát triển, các công ty đóng tàu còn ít nên nghề sửa tàu thủ công khá thịnh hành. 

Hai cha con ông chỉ làm riêng công đoạn mộc, tức làm vỏ tàu. Khi chủ đem tàu tới phải bắt bệnh, hư chi sửa nấy. Gỗ, cưa máy, máy bào... phải đem tới tàu làm tại chỗ.

Ông cho biết một chiếc tàu cần thay mới lớp vỏ phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc tháo lớp ván gỗ, gỡ các giang đà trên thân tàu, rồi chọn gỗ mới để bào nhẵn, đóng bulông ghép cố định thành tàu. 

Xong chuyển sang cho một đội khác để họ trít keo, trát sơn cho lớp vỏ không bị thấm nước khi xuống biển.

Từ năm 1999, khi cha ông Vinh lớn tuổi và nghỉ nghề này, ông tập hợp các anh em thợ mộc trong làng lập thành một đội sửa vỏ tàu gồm 10 người để nhận tàu sửa lấy tiền. 

Từ những chiếc tàu công suất vài chục đến vài trăm CV, đội ông nhận tất. Mỗi năm đội có thể sửa hơn 20 chiếc tàu vỏ gỗ, có những chiếc làm vỏ mới toàn bộ. 

Ông nói làm nghề này phải bền bỉ, suốt ngày phơi nắng, nhất là công đoạn tháo và đóng bulông tốn hao sức lực nhiều. Muốn làm vỏ tàu bền đẹp thì chắc chắn những người thợ phải giỏi nghề mộc và có sức khỏe.

Cực khổ nhưng được cái là thu nhập rất đỡ. Anh em trong đội kiếm khoảng 300.000-500.000 đồng/ngày, mỗi tháng kiếm gần chục triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học. 

Ông Vinh, ông Dũng nói mặc dù bây giờ số lượng tàu đem vào triền đà sửa chữa ít dần nhưng anh em vẫn bám nghề này, bởi cũng còn nhiều người đi tàu gỗ, cần sửa chữa. 

"Cũng nhờ nó mà tui nuôi được bốn đứa con ăn học. Giờ vui vì ba đứa đã ra trường đi làm, chỉ còn đứa út học đại học" - ông Dũng bộc bạch.

Thợ sửa tàu biển - Ảnh 3.

Qua tay người thợ, những con tàu "trọng thương" sẽ lại lành lặn để ra khơi - Ảnh: LÊ TRUNG

Những người thợ xảm 60-70

Ở triền đà An Lương có một đội thợ rất đặc biệt: đội xảm. Đội thợ xảm này gồm 10 người, đều là những người đàn ông 60-70 tuổi. Tuổi nghề của đội này trẻ nhất cũng 20 năm làm nghề, nhiều thì trên 40 năm.

Sau khi đội thợ mộc của ông Vinh làm xong lớp vỏ tàu thì chuyển qua cho đội xảm, tức trám những kẽ hở giữa các tấm ván, trít keo, sơn lớp vỏ. 

Ông Trịnh Minh Quang (64 tuổi, thôn An Lương) kể rằng lúc trai trẻ ông làm nghề biển. Nhưng sau đó thấy nghề xảm tàu thịnh hành nên rủ nhiều ngư dân trong thôn lập đội thợ xảm tàu. 

Tàu mới tàu cũ gì cũng cần phải xảm sau thời gian khoảng một năm đi biển, nhất là trước những chuyến biển dài ngày.

Theo ông Trịnh Mỹ (69 tuổi, trưởng đội thợ xảm), kỹ thuật xảm là người thợ phải dùng dăm được bào từ thân cây tre già để trám vào những đường kẽ của ván. Sau đó lấy ximăng trộn với keo, quét đều lên cho dính kín vào những đường kẽ đó.

 Nghề này không dùng nhiều sức nhưng cần độ tỉ mỉ, tinh tế, bởi vậy phù hợp với những người cao tuổi, kỹ lưỡng.

Nhưng tuổi cao cũng có cái khổ. Đó là cả ngày ngồi khom lưng dưới đáy con tàu, người lớn tuổi rất đau mỏi lưng. Lại có khi đứng trên giàn tiệp cao để xảm phần thân và mạn tàu, nhiều người bị say nắng, có khi té ngã. 

Theo ông Mỹ, giá xảm tùy tàu lớn nhỏ khác nhau. Một chiếc tàu mất 2-3 ngày để xảm được lấy giá 2-3 triệu đồng. Mỗi tháng nếu tàu sửa nhiều, thu nhập của mỗi người trong đội chừng 7-8 triệu đồng, tùy người làm nhiều làm ít.

Nhìn những người thợ già ấy cần mẫn, tỉ mỉ với công việc có thể cảm nhận được sự tỉ mẩn với nghề đã ăn vào trong máu của họ. Khi hỏi về việc truyền nghề cho lớp trẻ, ông Mỹ buồn thiu: "Tụi trẻ bây giờ thấy nghề này suốt ngày nhớp nháp, bụi bặm, lom khom dưới mấy thân tàu nên có đứa nào chịu theo đâu! Chỉ có mấy ông già như tụi tui làm thôi. E rằng chúng tôi mất đi thì nghề này cũng mất theo luôn".

Ông nói chiếc tàu đang xảm đây, đợi khô nắng là vài bữa lại hạ thủy ra khơi. Người thợ sửa tàu chỉ ở trên bờ nhưng mỗi khi thấy chiếc tàu mình "chữa thương" lại ra khơi thì lòng phơi phới.

Thợ miền Tây ở làng xứ Quảng

1

Những người thợ miền Tây trít keo composite cho vỏ tàuẢnh: LÊ TRUNG

Ở triền đà An Lương này còn có một đội thợ trít keo, không phải dân địa phương mà là những thanh niên người miền Tây.

Nhóm này trước đó đã lang bạt qua rất nhiều vùng biển như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa... rồi trụ lại ở đây.

Công việc của họ là khi chiếc tàu được xảm xong thì họ trít lớp keo composite lên vỏ tàu. Sau đó đóng đinh cố định lớp keo này để khi tàu xuống biển không sợ nước phá các đường kẽ tàu.

Anh Đỗ Văn Núi (27 tuổi, quê Cà Mau) cho biết ở Quảng Nam những thợ trít keo có kinh nghiệm như đội của anh rất hiếm.

Anh Nguyễn Út (39 tuổi, trưởng đội trít keo) cho biết đội của anh lấy triền đà làm nhà, ngày làm ở đây tự nấu ăn, tối đến treo võng tại triền đà ngủ.

Mỗi tháng nhận lương, anh em gửi về quê cho vợ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con. Một chiếc tàu đội nhận trít keo mất ba ngày, thu nhập mỗi người 5-8 triệu đồng/tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên