06/12/2021 11:24 GMT+7

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 3: Thợ săn virus lão làng và 5 xác khỉ chứa virus

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Clarence James Peters thuộc loại lão làng trong nghề săn virus. Thời còn trẻ, ông thường dành nhiều thời gian nghiên cứu tại thực địa, chủ yếu ở Mỹ Latin và sau đó ở châu Phi.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 3: Thợ săn virus lão làng và 5 xác khỉ chứa virus - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu virus Clarence James Peters - Ảnh: STAT

Tại Galveston (bang Texas, Mỹ), bác sĩ - nhà nghiên cứu virus Clarence James Peters ở tuổi bát thập nhưng vẫn có thể kể lại rành rọt các giai thoại trong nghề đi săn virus với những lần bay qua đèo núi hiểm trở đến bãi đáp chênh vênh rồi đi bộ vào các ngôi làng vùng sâu. 

Khi trở về nhà, ông đã khai thác từ thiên nhiên một số bí mật về các căn bệnh như bệnh sốt xuất huyết Bolivia hay bệnh sốt thung lũng Rift.

Năm xác khỉ đầy virus Ebola trong thùng xe

"Nếu cứ ru rú mãi ở văn phòng, bạn có thể gặp rắc rối bởi sẽ có ai đó chọc phá mọi thứ bạn làm", ông giải thích trên trang web thông tin y học STAT. Vào thời của ông, đôi khi các nhà khoa học đã lén đem các lọ chứa virus lên máy bay về nước. Họ gọi đó là chuyến bay VIP, tức bay với "cái lọ trong túi" (vial in pocket).

Bây giờ công tác giám sát và kiểm soát dịch bệnh ở tuyến đầu đều rất chặt chẽ. Đối với nghề săn virus thời nay, vẫn còn đó các chuyến phiêu lưu với các nhà khoa học táo bạo tìm cách khám phá bí ẩn của các virus xa lạ để cuối cùng mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, thế nhưng mọi thứ đều đã thay đổi. 

Nay đã có rất nhiều quy tắc ràng buộc hơn và được thực thi nghiêm ngặt hơn. Ví dụ phải bảo đảm vận chuyển mẫu virus qua biên giới theo đúng thỏa thuận giữa các nước.

Peters không phải là thợ săn virus nổi tiếng duy nhất thuộc thế hệ của ông vì còn có huyền thoại TS virus học Karl Johnson - người đã khám phá virus gây bệnh sốt xuất huyết Bolivia và là người đã đặt tên cho virus Ebola, hay TS Joseph McCormick là tác giả cuốn sách Cấp độ 4: Thợ săn virus của CDC (NXB Kindle). Tuy nhiên, hầu hết các đồng nghiệp cũ của Peters đều nhớ đến ông với lòng yêu mến đặc biệt.

Ông nổi tiếng vì thường xuyên mặc áo sơmi in hoa hòe theo kiểu Hawaii, thỉnh thoảng chửi đổng, thường phớt lờ các nguyên tắc và luật lệ. 

Những câu chuyện ông kể lại đã vẽ nên bức tranh sống động về thời hoàng kim săn tìm virus khi các nhà khoa học thường hay làm trước, hỏi sau. Như cái lần ông lái xe ở vùng ngoại ô Washington, D.C. với năm con khỉ bọc trong nilông trong thùng xe. Mấy cái xác đông lạnh của khỉ chứa đầy virus Ebola.

Peters lớn lên trong thập niên 1940 ở Odessa phía tây bang Texas. Ông lấy bằng đại học về hóa học ở Đại học Rice, sau đó lấy bằng y khoa ở Trường Y Johns Hopkins. Sau khi hoàn thành kỳ thực tập, ông đã có một lựa chọn quan trọng. 

Đó là năm 1968, nước Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Các bác sĩ mới ra trường không còn lựa chọn nào khác ngoài phục vụ trong quân đội. Peters không có hứng thú đến Việt Nam làm bác sĩ quân y và cũng không muốn làm việc trong các trung tâm tuyển quân. 

Ông xin đến Đơn vị nghiên cứu Trung Mỹ (MARU nay đã giải thể) ở kênh đào Panama và làm việc dưới quyền của TS Karl Johnson. Sau này ông giải thích: "Một trong những lý do tôi đến Panama vì Karl đã phát hiện ra bệnh sốt xuất huyết Bolivia, vừa phân lập virus và cũng vừa khám phá virus này rất khó nhiễm".

Theo phong cách điển hình của Peters, ông quyết định lái xe vượt Trung Mỹ đến với công việc mới ở Panama và đến muộn một tháng. Trên đường đi ông phải giải quyết một ca mắc bệnh viêm gan.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 3: Thợ săn virus lão làng và 5 xác khỉ chứa virus - Ảnh 2.

Theo Peters, bí mật căn bệnh không dễ phơi bày cho đến khi bạn đến khu vực xảy ra bệnh - Ảnh: Reuters

Những giai thoại săn lùng virus

Trong những năm làm việc tại MARU, Peters đã đi thực tế đến nhiều nơi ở Bolivia, Argentina, Costa Rica và khắp Panama. Sau thời gian làm việc tại Panama, ông về Mỹ nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu y học của quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID) trong căn cứ Fort Detrick ở bang Maryland. 

Năm 1989, ông phụ trách khoa đánh giá dịch bệnh của viện vào lúc khỉ nhập khẩu từ Philippines cho mục đích nghiên cứu bỗng ngã ra chết hàng loạt. Số khỉ này được giữ lại tại trạm kiểm dịch ở Reston (bang Virginia). 

Các mẫu máu do nhóm của Peters nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tử vong trông giống như virus Marburg song kết quả xét nghiệm bổ sung cho thấy đây là một chủng Ebola mới.

Peters và các cộng sự cần đưa một số xác khỉ đến phòng thí nghiệm an toàn sinh học cao tại Maryland để khám nghiệm. Thế nhưng chuyển giao động vật qua ranh giới các bang lại bị cấm. Cuối cùng cũng có cách, xe cộ từ cơ sở Reston và từ phòng thí nghiệm ở Maryland đã chạy đến một trạm xăng để chuyển giao xác khỉ. 

Sau này Peters biết rằng mang rác thải y tế như xác khỉ qua ranh giới các bang không có giấy phép và xe không được cấp phép vận chuyển là hành vi vi phạm nặng nhất trong thời gian bùng phát dịch bệnh.

Trong sự cố ở Reston, những người tiếp xúc với khỉ đã được giám sát chặt chẽ để tìm dấu hiệu nhiễm Ebola. Vấn đề đã trở nên căng thẳng hơn khi một công nhân đột ngột mất tích. Hóa ra anh này nhập viện để cắt ngón chân vì bệnh tiểu đường. Ca phẫu thuật ấy có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc nếu anh ta nhiễm virus Ebola. 

May mắn thay anh này không bị nhiễm, số khỉ chết cũng chỉ nhiễm chủng virus mới được đặt tên sau này là Ebola-Reston. Bệnh này lây cho người nhưng không dẫn đến mắc bệnh song có thể khiến khỉ tử vong.

Vài năm sau, Peters về Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) phụ trách trưởng bộ phận các tác nhân gây bệnh đặc biệt từ virus. Năm 1993, ông là người gợi ý một loại hantavirus (cho đến lúc đó vẫn là virus lạ) có thể là nguyên nhân gây hàng loạt bệnh phổi chết người ở vùng tây nam nước Mỹ. 

Các nhà điều tra dịch bệnh không thể giải thích căn bệnh. Cuối cùng các cơ quan y tế công cộng của các bang và liên bang phải nhờ CDC giúp đỡ.

TS Jim Hughes - giám đốc Trung tâm quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của CDC - vào thời điểm đó đã tập hợp một nhóm gồm những người có ý tưởng khám phá. Peters đã đề xuất nghiên cứu hantavirus.

TS Hughes nhớ lại: "Trong vòng một hoặc hai tuần, anh ấy đã chứng minh mình là người có khả năng thấu thị". Virus mới cuối cùng được đặt tên là Sin Nombre. Sau đó, Peters còn chỉ đạo một dự án phát triển vắc xin thử nghiệm ngăn ngừa bệnh sốt thung lũng Rift.

Cựu đại tá C. J. Peters đã nghỉ hưu sau thời gian là giáo sư tại phòng thí nghiệm quốc gia Galveston thuộc Trường Y khoa Đại học Texas từ năm 2000. Cách đây mấy năm, ông mắc bệnh viêm đa dây thần kinh hủy myelin mãn tính (CIDP). Bệnh tấn công các dây thần kinh ở chi dưới nên ông phải dùng gậy đi lại. 

Điều ông lo sợ nhất là những gì thiên nhiên gây bệnh cho con người, đặc biệt là khó ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm qua một lần hít thở. 

"Thời gian còn dài và virus rất sáng tạo. Tôi đứng về phía con người nhưng tôi lại đặt cược vào virus", ông cảnh báo.

Trong đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết Bolivia ở Cochabamba (Bolivia), Peters đã đến thực địa và quan sát thấy virus Machupo lây nhiễm từ người này sang người khác thường xuyên hơn so với những gì ghi nhận trước đó. Cách thức lây truyền chính là tiếp xúc với nước tiểu hoặc phân của chuột đồng nhiễm bệnh.

Từ thông tin mới này, các bệnh viện đã áp dụng biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa lây nhiễm giữa các bệnh nhân. Đây là loại kiến thức không thể khám phá nếu cứ cặm cụi trong phòng thí nghiệm.

Peters giải thích: "Thông thường bí mật căn bệnh không dễ phơi bày cho đến khi bạn đến khu vực xảy ra bệnh do virus Lassa, virus Machupo hay virus Zika". Từ đó ông kết luận: "Các trạm tại thực địa cực kỳ quý giá".

**********

Hãng dược Pfizer có một nhóm thợ săn chuyên tìm biến thể mới để thử nghiệm hiệu quả của vắc xin. Tìm kiếm có phần nhiêu khê, nhóm nghiên cứu ở Pfizer đã tự tạo biến thể mới để thử nghiệm.

>> Kỳ tới: Tìm biến thể mới thử nghiệm vắc xin

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 2: Dơi, máu và virus ở rừng Cameroon Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 2: Dơi, máu và virus ở rừng Cameroon

TTO - Hoàng hôn buông xuống ngôi làng ở thị trấn nhỏ hẻo lánh Bipindi tại miền nam Cameroon. Nhiều tiếng vù vù vang lên từ khu rừng xung quanh. Bầy dơi ăn quả màu nâu mắt lồi Rousettus aegyptiacus (họ dơi quạ) bay rợp trời.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên