25/07/2015 12:20 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên chiến với IS

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Sau rất nhiều chần chừ và bị chỉ trích vì không chịu tham gia liên quân chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã vào cuộc.

Buổi đưa tang các nạn nhân vụ đánh bom ở Suruc diễn ra tại thành phố Istanbul ngày 22-7 đã thể hiện sự giận dữ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, làm thay đổi quyết định của chính phủ - Ảnh: Reuters
Buổi đưa tang các nạn nhân vụ đánh bom ở Suruc diễn ra tại thành phố Istanbul ngày 22-7 đã thể hiện sự giận dữ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, làm thay đổi quyết định của chính phủ - Ảnh: Reuters

Khoảng 4g sáng 24-7, theo AFP, ba máy bay chiến đấu F16 đã xuất kích tấn công các địa điểm được cho là của IS trên lãnh thổ Syria. Chiến dịch được xác nhận diễn ra tại khu vực biên giới gần với thành phố Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với lực lượng liên quân chống IS, đây là một tín hiệu đáng mừng vì vị trí địa lý của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ tốt cho hiệu quả các cuộc không kích. Cuộc không kích diễn ra sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tổ chức cuộc họp an ninh tại thủ đô Ankara đêm 23-7, theo đó ông xác nhận: “Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định thực thi các giải pháp để bảo vệ an ninh quốc gia”.

Những kẻ gây ra vụ Suruc sẽ phải trả giá 

Phong trào Tuổi trẻ cách mạng yêu nước của Thổ Nhĩ Kỳ

Cho sử dụng hai căn cứ không quân

Cùng với quyết định dấn thân chống khủng bố, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chính thức chấp thuận cho quân đội Mỹ sử dụng hai căn cứ không quân để tấn công IS.

Theo báo New York Times (NYT), nguồn tin từ các quan chức chính quyền Tổng thống Obama cho biết sau rất nhiều tháng thương thuyết, hai bên đã đi đến thỏa thuận cho phép Mỹ đưa máy bay chiến đấu có người lái và không người lái tới hoạt động tại hai căn cứ không quân Incirlik và Diyarbakir.

Giới quan chức Mỹ coi thỏa thuận vừa đạt được có vai trò rất quan trọng, có khả năng xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến chống IS.

Trên thực tế, thỏa thuận đã được nhất trí hôm 22-7 sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby chỉ cho biết hai nước đã “quyết định hợp tác sâu hơn trong cuộc chiến chống IS nhưng vì lý do an ninh, tôi không thể tiết lộ thêm mọi chi tiết lúc này”.

Giới quan sát quốc tế chưa rõ những điều kiện Mỹ phải thỏa hiệp với Thổ Nhĩ Kỳ để đạt được thỏa thuận. Nhưng một quan chức NATO nhận định với AFP: “Người Thổ Nhĩ Kỳ luôn rất ngặt nghèo trong việc bảo vệ quyền lợi của họ”.

Lý giải việc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường, báo NYT dẫn lời một quan chức giấu tên: “Các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua là một phần tác động lớn tới việc họ quyết định tham gia “cuộc chơi” không kích”.

Với Lầu Năm Góc, thỏa thuận mới với Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa rất lớn vì hai căn cứ quân sự nói trên gần biên giới Syria hơn rất nhiều so với Iraq, Kuwait, Jordan và vịnh Ba Tư - những nơi dùng điều động máy bay không kích IS thời gian qua.

Tổng càn quét

Cùng ngày, theo Reuters, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch quy mô lớn trên toàn quốc tấn công những đối tượng tình nghi là thành viên IS và các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Chiến dịch được tiến hành đồng loạt tại 13 tỉnh và thành phố.

Theo Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, riêng tại thành phố Istanbul, chiến dịch chống khủng bố huy động 5.000 cảnh sát cùng sự trợ giúp của nhiều trực thăng quân sự.

Tại đây, cảnh sát đã khám xét khoảng 140 địa chỉ liên quan tới các đối tượng tình nghi thuộc nhóm IS và PKK. Theo nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, 251 đối tượng đã bị bắt giữ và một đối tượng nữ bị tiêu diệt.

Chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang siết chặt an ninh biên giới với Syria, sau vụ đánh bom liều chết ngày 20-7 tại thị trấn biên giới Suruc làm 32 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. IS đã thừa nhận là thủ phạm vụ đánh bom liều chết này.

Đó cũng là một trong những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong nhiều năm qua tại quốc gia này.

Hôm 22-7, hai cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn chết ở khu vực Ceylanpinar, giáp biên giới với Syria. Các tay súng thuộc PKK đã nhận thực hiện vụ tấn công này.

Tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới dài 900km giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria đang có dấu hiệu leo thang trong bối cảnh phiến quân IS gia tăng các vụ bạo lực, làm dấy lên lo ngại sự bất ổn an ninh tại quốc gia láng giềng này có thể lan sang Thổ Nhĩ Kỳ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên