26/11/2015 17:22 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ tính toán gì khi bắn rơi máy bay Nga?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Vài ngày qua, truyền thông thế giới bị lấp đầy bởi những thông tin liên quan đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom của Nga ngày 24-11. Mọi chuyện đang được phanh phui, phân tích và phỏng đoán rất nhiều chiều.

Máy bay Nga trúng tên lửa bốc cháy - Ảnh: CNN

Đòn đánh bất ngờ

Các tuyên bố của những người đứng đầu cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều cứng rắn và nghiêm túc.

Phía Nga, mặc dù cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “một sự khiêu khích có chủ đích, không phải bột phát”, là “một cú đâm sau lưng”; nhưng cũng khẳng định “sẽ không có tuyên bố chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ” và “sẽ không cắt đứt quan hệ giữa hai nước”.

Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vừa kiên quyết khẳng định “quyền bảo vệ lãnh thổ” của mình, vừa thể hiện chủ đích “không để tình hình leo thang”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động đề nghị có cuộc gặp với ngoại trưởng Nga trong những ngày tới, mà phía Nga chưa thể nhận lời.

Mỹ, EU, NATO và cộng đồng quốc tế, đều có những tác động nhằm làm dịu tình hình. Nhưng vụ việc còn quá nóng, cần phải có thời gian để nó nguội bớt đi!

Nga đang tính toán “một gói các biện pháp đáp trả” Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đã quyết định tức thời một số hành động như cắt mọi liên hệ quân sự với TNK và không chấp nhận vai trò trung gian của NATO trong vụ này. Bởi cho rằng NATO không thể khách quan khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của liên minh quân sự ấy. Các giới chức Nga thậm chí “không loại trừ khả năng sẽ có đụng độ gián tiếp giữa đôi bên tại Syria”.

Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ “ra đòn” bất ngờ nhằm 2 mục đích: Một là muốn khẳng định vị thế của Ankara đối với khu vực tây - bắc Syria, nơi có lãnh địa của người Syria gốc Thổ (Turkmen).

Hai là “nắn gân” xem phản ứng của Nga thế nào khi Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hoàn chỉnh các bước chuẩn bị để thực hiện hình thành một “vùng an toàn” cho phe đối lập Syria tại khu vực này.

Truyền thông Ảrập dự đoán “gói phản ứng” của Nga sẽ có 3 nội dung:

1-   Tăng cường khả năng hoạt động quân sự của Nga tại Syria, để không xảy ra những vụ tương tự. Cụ thể: Nga đưa khu trục hạm trang bị tên lửa đang hiện diện ở phía đông Địa Trung Hải vào yểm trợ cho lực lượng Nga tại Syria; đồng thời quyết định dùng các máy bay không chiến hộ tống các máy bay ném bom khi oanh tạc tại Syria.

2-   Đóng không phận Syria đối với máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách triển khai tên lửa phòng không S400 tại căn cứ quân sự của Nga ở Lazkiya.

3-   Làm thất bại ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập “khu vực an toàn” bên trong lãnh thổ Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ; thay vào đó là đóng cửa hoàn toàn biên giới Syria - TNK để ngăn chặn các chiến binh nước ngoài xâm nhập Syria từ.

Báo chí Ảrập nói gì?

Trang mạng alhayat.com (tiếng Ảrập) ngày 22-11 (tức trước khi xảy ra vụ bắn máy bay) đưa tin nhóm vũ trang đối lập người Turkmen được hỏa lực không quân Mỹ giúp sức đã chiếm lại khu vực nông thôn phía bắc thành phố Aleppo từ tay IS.

Khu vực này cận kề biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn tin nhận định đây có thể là bước đầu tiên để hình thành khu vực an toàn dành cho những người Syria phải lánh nạn tại miền bắc nước này.

Gần đây, bởi các vụ không kích của Nga tập trung ở Lazkiya và việc cả Mỹ, Nga, Syria tập trung đánh phá Deir ez-Zor đã đẩy thêm hàng ngàn người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Cùng ngày, báo mạng aawsat.com cũng đưa tin cho rằng khu vực an toàn sẽ được thiết lập sau khoảng một tuần nữa, với khả năng có cả sự tham gia của Pháp.

Trước hội nghị G20 họp tại Thổ Nhĩ Kỳ (14-11), Pháp còn do dự chưa ủng hộ “đòi hỏi khẩn thiết” của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan về việc thành lập khu vực này. Mỹ cũng vẫn giữ lập trường cho rằng một khu vực như thế sẽ có rất nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại Paris ngày 13-11 đã thúc đẩy cả Pháp và Mỹ theo hướng không cách nào khác hơn là phải có một khu vực như thế bên trong Syria, nhằm tiếp nhận người Syria lánh nạn, không để tiếp diễn dòng người tràn sang châu Âu nữa.

Mặc dù chưa có gì chính thức, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lập tức đẩy nhanh tiến độ biến ý tưởng thành hiện thực. Công việc san lấp mặt bằng được triển khai cấp tập, nhằm dựng hàng ngàn lều trại ở khu vực này, cả đôi bên đường biên giới hai nước.

Trong khi chưa thể hình thành một “cái ô không quân quốc tế” để bảo vệ an toàn cho khu vực này, (ngăn không quân Syria và Nga) đánh phá, Thổ Nhĩ Kỳ tự mình đảm nhận trọng trách yểm trợ đắc lực bằng không quân và pháo binh cho lực lượng đối lập bảo vệ khu vực an toàn này.

Trong khi đó, Nga vẫn tập trung oanh tạc khu vực nằm cận kề phía tây của vùng đất mà Thổ Nhĩ Kỳ xúc tiến xây dựng vùng an toàn nói trên. Khu vực này thuộc quyền kiểm soát của các nhóm Hồi giáo tập hợp trong một cơ chế quân sự chung gọi là “Jeish al-Fath” (Quân giải phóng), trong đó có cả Mặt trận Nusra vốn bị Mỹ xếp loại khủng bố. Jeish al-Fath được cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập vùng Vịnh trợ giúp mọi mặt.

Nga tập trung đánh phá “Jeish al-Fath” bởi lực lượng này đe dọa trực tiếp vùng duyên hải Syria, trong đó có căn cứ quân sự mà Nga mới thành lập ở phía nam thành phố Lazkiya.

Trước ngày 18-11, khi Nga khẳng định chính IS gây nổ chiếc máy bay của Nga trên bầu trời bán đảo Sinai (ngày 30/10), không quân Nga chủ yếu đánh phá các khu vực do đối lập Syria kiểm soát.

Chỉ sau 18-11, người ta mới thấy Nga trưng lên hình ảnh đoàn xe hàng trăm chiếc chở lậu dầu của IS tuồn lậu sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chắc chắn Nga biết chuyện này từ lâu!

Theo alhayat.com ngày 26-11: Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria dẫn lời của Hassan Hajj Ali- một chỉ huy của “lữ đoàn Chim ưng núi” (vũ trang đối lập người Turkmen): Mấy ngày gần đây, trước vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, không quân Nga đã đánh phá 12 lần ác liệt chưa từng thấy vào khu vực nông thôn tỉnh Lazkiya.

Chiến hạm của Nga bắn tên lửa từ Địa Trung Hải và pháo binh hạng nặng của Nga nã đạn từ căn cứ ở Lazkiya tàn phá khu vực này. Đồng thời, quân đội Syria và các nhóm chiến binh dòng Shiite (đồng minh của chính quyền Syria) mở các cuộc tấn công vào các cứ điểm do quân đối lập chiếm giữ.

Chiến sự vẫn đang diễn ra rất ác liệt. Không quân Nga cũng đánh phá ác liệt khu vực Aazaz và vùng nông thôn phía bắc tỉnh Aleppo, nơi Thổ Nhĩ Kỳ định thiết lập “khu vực không có IS, dành cho người lánh nạn Syria”.

Khi Nga tăng cường không kích đánh trả thù IS, thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng giúp nhóm vũ trang Turkmen đánh đuổi IS ở khu vực phía bắc thành phố Allepo nêu trên. Hai khu vực này lại liền kề nhau và đều kế cận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Có lẽ sự “liền kề” và “kế cận” này khiến máy bay SU 24 của Nga có thể “vô tình bay lạc”, hay là một sự cố tình “dằn mặt lẫn nhau”?

Thế là xảy ra sự kiện máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ngày 24-11!

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên