Người Syria tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ không kích phá hủy một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Marat Numan, tỉnh Idlib - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố: “Một số quốc gia như chúng tôi, Saudi và vài quốc gia đồng minh Tây Âu cho rằng việc triển khai bộ binh đến Syria là hết sức cần thiết”.
Tuy nhiên ông Cavusoglu cho rằng chiến dịch này đòi hỏi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế.
“Trông đợi chỉ Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là không thực tế. Một chiến dịch như vậy cần phải được tổ chức và thực hiện tương tự như chiến dịch không kích (của liên quân chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo do Mỹ lãnh đạo)” - ông Cavusoglu nhấn mạnh.
Trước đó Saudi tuyên bố đã sẵn sàng điều bộ binh tới Syria để chống IS. Phản ứng lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cảnh báo Saudi không được phép đưa quân vào Syria mà không có sự đồng ý của chính quyền Damascus, bởi đó là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Ở thời điểm hiện tại, quân đội Syria với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu Nga và lực lượng Iran đang tấn công dữ dội các nhóm nổi dậy và hiện đã tiến đến khu vực cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 25km. Trong khi đó, lực lượng người Kurd cũng đang tăng cường hoạt động ở biên giới.
Các nguồn tin từ Syria cho biết quân đội chính phủ đang bao vây các nhóm nổi dậy ở thành phố Aleppo, và đẩy phần lớn lực lượng nổi dậy ra khỏi các thành phố và thị trấn trọng yếu ở miền bắc đất nước.
Mới đây lãnh đạo tổ chức Hezbollah đang hỗ trợ quân đội Syria khẳng định “chiến thắng” đã đến rất gần.
Chính quyền Ankara chủ trương lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và coi lực lượng người Kurd ở Syria là đồng minh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara lo ngại người Kurd sẽ lập một vùng tự trị ở phía bắc Syria sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đó, giấc mơ ly khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng bùng cháy. Do đó, hôm qua quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nã pháo vào các vị trí của người Kurd ở Syria.
Ngược lại, Mỹ coi lực lượng người Kurd là một trong những tổ chức chống IS hiệu quả, nên vẫn đang hỗ trợ họ.
Sự hỗn loạn ở Syria khiến thỏa thuận ngừng bắn mà các cường quốc đạt được hoàn toàn trở nên vô hiệu. Mới đây, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã lên tiếng chỉ trích Mỹ không có chiến lược cụ thể nào nhằm giải quyết khủng hoảng Syria.
“Tổng thống Obama từng nói nếu Assad sử dụng vũ khí hóa học thì ông ta xâm phạm lằn ranh đỏ. Nhưng lằn ranh đỏ đó đã bị xâm phạm mà Mỹ không có phản ứng gì” - ông Fabius bức xúc. Ông mô tả bản thân rất tiếc nuối vì Mỹ không có hành động mạnh mẽ và cụ thể nào về vấn đề Syria.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận