30/06/2022 10:50 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ muốn dẫn độ 33 ‘phần tử khủng bố’ từ Thụy Điển, Phần Lan

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Theo Hãng tin AFP, ngày 29-6, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này muốn dẫn độ 33 người nghi là "khủng bố" từ Thụy Điển và Phần Lan, sau khi thay đổi thái độ, đồng ý cho hai quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn dẫn độ 33 ‘phần tử khủng bố’ từ Thụy Điển, Phần Lan - Ảnh 1.

Bức ảnh tại Thượng đỉnh NATO ngày 28-6 ở Madrid, Tây Ban Nha có mặt Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ở hàng trên - Ảnh: REUTERS

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc hai quốc gia Bắc Âu đã hỗ trợ quân đội người Kurd và những cá nhân bị Ankara xem là tình nghi khủng bố.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý rút lại sự phản đối của mình để đổi lại những đảm bảo an ninh bằng văn bản từ Thụy Điển và Phần Lan.

Trong bản ghi nhớ ba bên ký ngày 28-6, Thụy Điển và Phần Lan cam kết không ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và lực lượng của họ ở Syria, nhóm YPG, hoặc mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen trụ sở tại Mỹ. Thụy Điển và Phần Lan cũng đồng ý "giải quyết các yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ đang chờ xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ".

Đưa ra yêu cầu dẫn độ ngay khi bản ghi nhớ chưa ráo mực cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chờ lâu để có thể vận dụng ngay các thỏa thuận.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag nói trên Đài truyền hình NTV: "Chúng tôi sẽ tìm cách dẫn độ những kẻ khủng bố từ các nước liên quan trong khuôn khổ thỏa thuận mới".

Ông Bozdag cũng cho biết Ankara yêu cầu dẫn độ 12 người tình nghi là khủng bố từ Phần Lan và 21 người từ Thụy Điển.

Ankara cáo buộc những người này hoặc là thành viên của PKK, hoặc tham gia phong trào của giáo sĩ Gulen.

Đảng PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào nhóm nằm ngoài vòng pháp luật. Đảng này đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ trong gần 4 thập kỷ qua. 

PKK cũng bị EU và Mỹ coi là một tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mạng lưới của giáo sĩ Gulen đứng sau cuộc đảo chính thất bại vào năm 2016 ở nước này. 

Thỏa thuận ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, Phần Lan cũng khẳng định ba nước này sẽ tạo ra một cơ chế chung để thúc đẩy hợp tác chống khủng bố. Thụy Điển và Phần Lan đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt với các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có từ năm 2019, và thực hiện "các bước cụ thể trong việc dẫn độ tội phạm khủng bố".

Văn phòng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mô tả thỏa thuận là một chiến thắng. Ông nói rằng Ankara đã "đạt được những gì mình muốn".

Thượng đỉnh NATO: điểm nóng Ukraine Thượng đỉnh NATO: điểm nóng Ukraine

TTO - Ngay trước hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO, người đứng đầu liên minh quân sự này kêu gọi các quốc gia thành viên tăng chi tiêu quốc phòng trong một thế giới ngày càng 'bất khả đoán' và 'nguy hiểm'.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên