Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo sẽ bắt đầu gửi trả các tay súng IS về cố hương vào ngày 11-11 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã cảnh báo Ankara sẽ bắt đầu gửi trả các tay súng IS về nước vào ngày 11-11, cả khi quyền công dân của những người này đã bị tước bỏ.
Hãng tin Anadolu dẫn lời người phát ngôn của bộ này Ismail Catakli cho biết 1 phần tử khủng bố người Mỹ đã bị trục xuất.
"Kế hoạch gửi trả đối với 7 phần tử khủng bố người Đức khác tại các trung tâm trục xuất đã được hoàn tất. Những người này sẽ bị trục xuất vào ngày 14-11", ông Catakli nói thêm.
Đài truyền hình NTV cũng dẫn lời ông Catakli cho biết "3 phần tử IS khác tại các trại trục xuất cũng sẽ được đưa đi trong hôm nay (ngày 11-11)".
Theo TRT Haber, Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch trục xuất khoảng 2.500 phần tử khủng bố. Phần lớn trong số đó sẽ được đưa về lại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). TRT Haber cho biết hiện có 813 phần tử khủng bố tại 12 địa điểm trục xuất trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức chiến dịch tấn công lực lượng dân quân người Kurd ở phía đông bắc Syria vào tháng trước, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút quân khỏi khu vực này.
YPG, nhân tố chính của Liên minh Lực lượng dân chủ Syria (SDF), đã trông giữ hàng ngàn tay súng Hồi giáo thánh chiến trong các nhà giam khắp miền bắc Syria. SDF chính là lực lượng được cho cộng tác đánh IS hiệu quả nhất của Mỹ ở Syria, và là đối tượng tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Vụ tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên lo ngại đối với số phận của các tù nhân. Cụ thể, các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chính SDF cảnh báo các cuộc tấn công như vậy sẽ khiến cuộc chiến chống IS khó khăn, vì IS sẽ có cơ hội hồi sinh sau khi thoát ra khỏi các nhà tù của người Kurd.
Mâu thuẫn nằm ở chỗ Thổ Nhĩ Kỳ thực tế xem YPG là một nhóm khủng bố có liên hệ với các tay súng người Kurd trên đất Thổ. Chính vì vậy, Ankara bác bỏ những lo ngại nêu trên và tuyên bố sẽ cùng đồng minh của riêng mình tự chống IS.
Một rắc rối nữa trong câu chuyện này là khá nhiều người dân đạo Hồi ở châu Âu đã nghe theo lời kêu gọi của IS để đến Trung Đông tiếp sức cho tổ chức này. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các quốc gia châu Âu, gồm cả Pháp, phải xử lý bằng cách đưa công dân của họ về nước.
Theo số liệu gần đây, công dân châu Âu chiếm 1/5 trên tổng số 10.000 tay súng IS bị giam giữ ở Syria trong các nhà tù của người Kurd.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận