Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại phủ Tây Hồ, Hà Nội chiều 25-12 - Ảnh: KHẢI MÔNG |
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, người tham gia dịch hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt từ tiếng Việt sang tiếng Anh để trình UNESCO, tại cuộc tọa đàm Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa.
Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phối hợp với tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ tổ chức tại Hà Nội ngày 25-12.
Bà Hiền cũng cho biết tên hồ sơ ban đầu theo quyết định của Bộ VH-TT&DL mang tên Nghi lễ chầu văn của người Việt.
Nhưng đến năm 2014, theo ý kiến của các chuyên gia Hội đồng di sản quốc gia, tên hồ sơ được đổi thành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt để phù hợp và phản ánh đúng về thực hành cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Tuy nhiên, ngày 11-8-2016, Việt Nam nhận được thư của bà Ingrid Theuninck - Ban Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO - đề nghị Việt Nam đổi tên hồ sơ thành Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt để phản ánh đúng với thực tiễn và tinh thần của Công ước UNESCO.
Giải thích về lý do tỉnh Nam Định được chọn là địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ VH-TT&DL thực hiện hồ sơ, bà Hiền cho biết một trong những lý do chính là Phủ Dầy được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
“Mặc dù hệ thống điện thần và thực hành Mẫu Tam phủ được thực hành ở nhiều địa phương, nhưng tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu dấu vết giáng thế như Phủ Dầy, Phủ Nấp”.
Bà cũng nói rõ thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ có lên đồng mà còn bao gồm nhiều hình thức như: lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ… với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa được kết hợp một cách nghệ thuật như là “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
“Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe” - bà Hiền phân tích.
Ông Phạm Sanh Châu, vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), cũng bày tỏ trăn trở khi UNESCO khuyến cáo hiện đang có tình trạng thương mại hóa quá mức di sản để biến thành hình thức kinh doanh, kiếm tiền.
“Bản thân tôi cũng hết sức lo ngại sự biến tướng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh. Nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở phủ, lên đồng với lý do đây là di sản được UNESCO công nhận và coi đây như một “bảo hiểm” để cho rằng việc làm này là đúng. Từ đó sẽ có xảy ra việc không phân biệt được đâu là giá trị thật và giá trị giả”.
Ông lấy ví dụ việc biểu diễn tràn lan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại những buổi khai mạc hội nghị, hội thảo là không phù hợp.
Vì vậy, ông Phạm Sanh Châu đề nghị Bộ VH-TT&DL cũng như các địa phương cần có nhiều cuộc thảo luận để các nhà quản lý cũng như cộng đồng hiểu rõ những giá trị thực sự của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội. |
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận