Thơ Günter Grass: Hồn thơ của người lội ngược dòng

TTCT - Nước Đức vừa mất đi Günter Grass, và ta hãy tạm quên giải Nobel văn chương vốn chưa hẳn là dấu ấn chất lượng, mà nhớ đến nhà văn này như một tiếng nói dũng cảm luôn lội ngược dòng. TTCT trích giới thiệu một số tác phẩm của xu hướng ngược dòng này.


Chân dung tự họa sau lá dương xỉ (chì than)

Từ ngày ra đời CHLB Đức, người Đức luôn thận trọng khi nói đến chủ đề Do Thái, thậm chí đánh đồng người Do Thái với người Israel, nên không những ít khi dám công khai đả động đến Israel, Đức còn cung cấp vũ khí khi nước này bị cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đe dọa xóa sổ.

Sau bài thơ văn xuôi này, Israel cấm Grass nhập cảnh một thời gian, thậm chí đòi hủy giải Nobel, trong khi một cựu đại sứ Israel ở Đức không hề nhận thấy khía cạnh bài xích Do Thái nào trong tác phẩm. Cái thuận và nghịch, như thường thế, nằm trong mắt người xem.

PHẢI NÓI RA

Vì sao tôi ngậm mồm, ngậm chặt cả đời

một điều hai năm rõ mười

và vẫn diễn ra trên thao trường ảo,

để khi nổ ra rồi, nếu còn người sống sót,

may ra họ chỉ còn là dòng chú thích của lịch sử mà thôi.

 

Đó là quyền được đánh phủ đầu để xóa sổ

dân tộc Iran, vốn bị một gã mồm to đè đầu cưỡi cổ

và bắt tung hô vạn tuế như một dàn đồng ca,

chỉ vì người ta đoán non đoán già

là hắn đang tìm cách chế bom nguyên tử.

 

Nhưng vì sao tôi không dám mở mồm

gọi tên đất nước đó ra,

nơi người ta

thừa sức bí mật làm bom nguyên tử,

song nào ai được biết,

vì họ có cho ai giám sát mình đâu?

 

Tôi ngậm mồm không dám nói ra,

vì tất cả quanh tôi đều im hơi lặng tiếng,

và nó đè nặng tim tôi như lời dối gian đê tiện,

như cái quai không cho tôi liều há miệng,

và như thanh gươm sắc bén:

lời tuyên án “kỳ thị Do Thái” luôn lơ lửng trên đầu.

 

Nhưng hôm nay tôi phải nói ra,

khi đất nước tôi,

vốn liên tục bị truy vấn bởi những tội ác tày trời

không đất trời nào dung dưỡng,

nay lẻo mép nấp bóng viện trợ bồi thường

toan bán cho Israel thêm chiếc tàu ngầm nữa,

một con tàu có tài khạc lửa

xóa sổ cả một xứ

được đoán già đoán non là có quả bom nguyên tử,

tuy nhiên nếu cần thì thản nhiên gọi đó là chứng cứ.

 

Vậy hôm nay tôi phải nói ra.

Nhưng vì sao tôi ngậm mồm đến hôm nay?

Vì tôi tin rằng, mình đến từ nơi có những bàn tay

từng nhúng chàm không sao rửa được

thì chớ nói tuột sự thật đó vào mặt Israel, đất nước

mà tôi lúc này và mãi mãi thấy thân thương.

 

Vì sao tôi chờ đến tận hôm nay,

khi bút đã run và tuổi tác nhường này,

để nói cường quốc nguyên tử Israel là một bóng đen

đè lên hòa bình thế giới vốn mỏng manh như vỏ trứng?

 

Vì nhất quyết phải nói ra,

những gì sáng mai có thể sẽ là

quá muộn;

cũng bởi chúng ta

biết đâu sẽ nối tay cho Thần chết

- là người Đức lại càng rõ hơn ai hết -

bằng tàu ngầm tên lửa made in Germany,

và lúc đó sẽ chẳng thể nói gì

đủ biện bạch cho hành vi đồng lõa.

 

Xin thú thực: tôi nói ra những lời này

không chỉ vì buồn nôn cho đạo đức giả phương Tây,

mà còn hi vọng kêu gọi được nhiều người lên tiếng

đòi những kẻ chủ mưu hãy biết kiềng bạo lực,

và ép chính quyền hai nước

phải chấp nhận đoàn giám sát bên ngoài,

được quyền liên tục kiểm tra

Israel với tiềm năng chế bom nguyên tử

và Iran với các nhà máy hạt nhân.

 

Chỉ có thế mới giúp được người dân

Israel và Palestine,

hơn thế nữa, cả những dân tộc khác,

đang chen chúc hằm hè giữa tên bay đạn lạc

trên miếng đất khô cằn bị cai trị bởi lũ điên khùng.

 

Vì nói cho cùng,

cả chúng ta cũng ngồi trong con thuyền sắp đắm.

(La Republica, 4-2012)


Günter Grass lên tiếng về chính sách châu Âu đối với Hi Lạp ngay từ khi cuộc khủng hoảng Hi Lạp mới manh nha, cảnh báo sự lạnh nhạt ích kỷ trước đất nước trong phe liên minh, nơi xuất xứ của ý tưởng ngôi nhà châu Âu và ra đời khái niệm dân chủ. Ông tỏ ra đồng cảm với cơn thịnh nộ của người dân Hi Lạp, và không ngại nhắc đến món nợ của Đức từng xâm lăng đất này.

NỖI NHỤC CHÂU ÂU

Ngươi tránh xa cái nôi cho ngươi nằm lúc lọt lòng,

vì nó đang cảnh hỗn mang bất tuân quy luật thời chợ búa.

Ngươi lạnh lùng cân đong và phán giá nó như rau úa,

quên nó từng là đích khát khao tận đáy tâm hồn.

Ngươi nhìn con nợ bị lột truồng, trói vào vành móng ngựa,

trong khi vẫn dẻo mồm nhai nhải hàm ơn.

 

Xứ sở nhận án quyết phải nghèo, dù chính ngươi

khuân của cải từ đó về nhét đầy bảo tàng thư viện.

Ngươi từng gửi đến đó lính tráng vác đầy súng đạn,

dù trong balô có cuốn thơ lãng mạn Hölderlin.

 

Ôi đất nước có những ông lớn nhà binh

từng là đồng minh của ngươi những ngày trời đẹp.

Nay chỉ còn là đất vô luật pháp

để kẻ nắm luật trong tay bắt người dân buộc bụng thắt lưng.

Ngươi không thấy Antigone vận đồ tang,

như cả đám dân đen từng đón ngươi như quý khách.

 

Còn đám mọt dân, lâu la của Crésus, vét vơ sạch bách

đem gửi nhờ vào tài két sắt của chính ngươi.

Bọn vỗ tay mồi ép tử tù uống cạn

rồi sẽ bị Socrate ném trả chén độc gấp đôi.

Và các vị thần sẽ đồng thanh nguyền rủa

âm mưu thôn tính Olympe của bè lũ các ngươi.

 

Châu lục này sẽ khô héo khi thiếu những người

với trí óc tinh hoa từng đẻ ra ngươi thời nguyên thủy.

(Sueddeutsche Zeitung, 5-2012)

 

ĂN DỌC ĐƯỜNG

Ném vào quan tài tôi

một bao hạt dẻ

và bộ răng mới thửa.

Để nghe tiếng nhai côm cốp

dưới mồ

sẽ có người đoán ra:

Chính hắn ta!

Đúng hắn rồi, chứ còn ai nữa.

(Trích tập thơ Đọc cho người không đọc, 1997)

 

Vẽ nháp về cá trong bếp của cô đầu bếp Agnes Kurbiella theo tiểu thuyết Cá bơn (chì than)

Một số chi tiết trong đời Günter Grass ít được nhắc tới: ông từng học đồ họa và điêu khắc tại Viện hàn lâm Nghệ thuật Düsseldorf (1948-1952) và Đại học Nghệ thuật tạo hình Berlin (1953-1956). Günter Grass thường tự tay minh họa và trình bày các sách của mình. Tranh và tượng của ông thường đóng vai trò bản nháp cho sáng tác văn chương và ngược lại.

Dù được vinh danh với giải Nobel văn chương 1999, khó nói mảng sáng tác nào được ông chú trọng và yêu mến hơn. Grass tự sự: “Tôi được học để thành nghệ sĩ tạo hình và là nghệ sĩ không được học để thành nhà văn”.

Chú thích: 

- Friedrich Hölderlin (1770-1843): được xếp vào những nhà thơ Đức vĩ đại nhất. Thơ lãng mạn của ông là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ.

- Antigone: con gái của Oedipe và Jocaste, chống lệnh vua xứ Thebes để mai táng anh trai mình, do đó bị chôn sống nửa người, và tránh chết đói bằng cách tự vẫn.

- Crésus: vị vua cuối cùng của vương quốc Lydie (thuộc Tiểu Á), được coi là biểu tượng của cuộc sống xa hoa phè phỡn.

- Socrate: triết gia Hi Lạp trước Công nguyên, khi bị ra tòa vì tội phỉ báng thánh thần đã không viện cớ đau ốm để xin tòa thương hại, cũng không vượt ngục như các bạn khuyên để tỏ lòng thượng tôn luật pháp, mà bình thản tự uống chén thuốc độc để chết.

- Âm mưu thôn tính Olympe (nơi thần thánh trị vì): ám chỉ châu Âu “thôn tính” Hi Lạp bằng các món tín dụng không sao trả nổi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận