Nhóm “thợ đụng” ở góc chợ Đồng Xuân, Hà Nội, ngóng việc buổi sáng - Ảnh: TÂM LÊ
Bây giờ còn ít người mà việc làm cũng ít, bởi dịch người ta không làm ăn được, hàng hóa không bán được thì ai dám lấy hàng nhiều để gọi tụi tôi bốc vác.
Anh Nguyễn Văn Ba
Lúc này đang là thời điểm cuối năm, thông thường sẽ "việc nhiều, thợ ít". Nhưng năm thứ hai của dịch giã, mọi thứ đã thay đổi...
Thợ ít, việc càng ít
Sáng sớm đầu tuần, những nhóm "thợ đụng" ở Giảng Võ, Phạm Hùng, chợ Đồng Xuân, góc Đường Thành, dốc đường tàu phố Cấm Chỉ hay vòng xuyến dốc Bưởi và Hoàng Quốc Việt đã có mặt ở nơi quen thuộc chờ khách gọi đi làm.
Khoảng 7 "thợ đụng" ở góc chợ Đồng Xuân, phía Hàng Khoai (Hoàn Kiếm) co ro đứng trong giá lạnh, hai tay cho vào túi quần đi lại, nhún người cho nóng. Thi thoảng họ lại chắp tay đưa lên miệng thổi lấy hơi ấm.
Họ mặc bộ quần áo mỏng hơn những người khác, vì khi có việc làm sẽ nóng người hơn. Mỗi người đến từ một tỉnh thành khác nhau, nhóm thợ này đến từ các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình... Một góc khác của chợ lại là nhóm người quê Nghệ An, Thanh Hóa. Phần lớn họ đều đi người không đến, làm công việc bốc vác là chủ yếu.
Hiếm người có xe máy hay xe đẩy hàng làm phương tiện hỗ trợ, họ dùng hoàn toàn sức người. Có mặt ở góc đường từ 7h sáng, nhưng mãi tới gần 9h vài người mới có việc làm. Ba người được thuê vác vài bao tải rau tươi từ xe tải xuống. Mỗi người được 10.000 đồng.
Những người chưa có việc lại ngồi xuống hàng nước hoặc ghé ngồi lên yên xe máy dựng ven đường, bấm điện thoại "giết" thời gian và tiếp tục ngóng tiếng gọi. Khoảng 10h, một chiếc xe 4 chỗ màu đen dừng giữa ngã ba bật cốp phía sau.
Nữ tài xế gọi 4 người thợ lại, mỗi người một bọc hàng quần áo vác lên vai rẽ đi các hướng để giao hàng mối. Chiếc xe này không thể đi được vào sâu bên trong ngõ nhỏ, nên đó là cơ hội kiếm tiền cho các "thợ đụng".
Giao xong hàng, người thợ cầm hóa đơn xác nhận nhỏ trên tay đưa cho chủ xe và mỗi người nhận được 20.000 đồng, đủ ổ bánh mì bình dân lót dạ buổi sáng.
Hai người khác được một xe máy đến chở đi bốc hàng nơi khác. Xong buổi sáng, nhưng có người vẫn dài cổ ngóng vì chưa có ai gọi.
Anh Nguyễn Văn Ba, 42 tuổi, "thợ đụng" đến từ Yên Lạc, Phú Thọ, cho biết: "Tôi đã làm ở đây 7 năm rồi, làm đủ thứ việc, khuân vác, bốc hàng, chạy xe. Năm nay dịch bệnh nên việc làm ít quá, trước đây tôi có thể kiếm được 500.000 - 700.000 đồng một ngày, nay chỉ còn 100.000 đồng hoặc hơn một chút".
Nghề tự do này giống như câu cá, bữa nhiều bữa ít, nhưng anh Ba khẳng định năm nay khó khăn hơn nhiều. Về quê nghỉ hơn 2 tháng tránh dịch, anh mới xuống Hà Nội làm lại được vài tuần lại gặp dịch bùng tiếp. Trong nhóm anh có nhiều người vẫn ở lại quê, một số đã bỏ việc chuyển sang nghề khác.
Ở góc Đường Thành nhìn sang chợ Hàng Da, một nhóm thợ mộc ngồi đứng vạ vật cũng ế khách. Mỗi người cầm một cái cưa để người ta biết họ là thợ mộc. "Chúng tôi có đủ đồ nghề nhưng để ở nhà, và có thể làm bất cứ cái gì liên quan đến gỗ" - ông Trần Thanh Minh, quê Nam Định, một thợ mộc gần 40 năm làm nghề, cho biết.
Đã sắp tới giờ ăn trưa nhưng ông Minh vẫn chưa có mối nào gọi làm. "Thời điểm cuối năm người ta sửa nhà, mua sắm, thay thế đồ nội thất nhiều lắm, chúng tôi làm không hết việc. Vào dịp này thường thì việc nhiều mà thợ lại thiếu, nhưng năm nay dịch ít việc, thu nhập giảm cả hai phần ba" - ông Minh thở dài.
Những “thợ đụng” đợi việc làm mộc - Ảnh: TÂM LÊ
Cố ở lại vùng dịch để mưu sinh
Nhóm thợ ở góc chợ Đồng Xuân gần hết buổi sáng mới kiếm được vài chục ngàn đồng, nhưng khi chiếc xe bán tạp hóa vừa dừng cạnh chỗ họ thì vài người đã ùa ra mua các tệp khẩu trang có giá từ 10.000 - 15.000 đồng.
"Dịch giã thì ai chả sợ, nhưng nếu không làm thì không có tiền và các mối khách hàng quen sẽ mất hết" - ông Tô Văn Tuyến, 61 tuổi, một "thợ đụng" lâu năm ở khu "chợ người" Giảng Võ, quận Ba Đình, cho biết.
Ông Tuyến may mắn hơn những "thợ đụng" ở các góc phố khác vì làm lâu năm nên ông có lượng khách hàng quen lớn. "Cả khu phố này hầu như ai cũng biết tên tôi, có người tin tưởng tới mức nhờ tôi giao tiền hộ" - ông Tuyến khoe.
Chúng tôi bất ngờ khi nghe ông kể đã ở khu Giảng Võ từ những năm 1990, người thợ như ông bám trụ nghề ở một chỗ không nhiều. "Bây giờ thay đổi nhiều rồi, máy móc thay con người nên việc ít. Lớp trẻ thì chúng nó đi vào Nam làm nhà máy hết, nhiều công việc khác hơn công việc tự do này".
Chỗ ông Tuyến đứng giờ chỉ còn chưa đến chục "thợ đụng", tuổi gần 50 trở lên. Số này lại chia ra hai nhóm nhỏ, nhóm ông Tuyến đứng sau bốt cảnh sát giao thông, chủ yếu làm việc bốc vác, chuyển hàng, chạy xe ôm.
Nhóm khác đứng ở gốc cây đầu đường La Thành nối Giảng Võ, nhận vận chuyển hàng hóa dài, nặng. Trên yên xe của họ gắn giá sắt để tải hàng, một cuộn dây cao su to quấn quanh giá sắt. Chiếc xe máy cà tàng mang biển số của các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn... cho biết thợ đến từ tỉnh thành nào.
Trước dịch số "thợ đụng" ở đây khoảng 30 người. Còn vài thập niên trước đó, thời ông Tuyến còn trẻ, nơi đây tụ họp cả hơn 100 người, cho nên từng có tên gọi là "chợ người".
Ông Tuyến kể người thuê nói công việc, thợ nói giá tiền dự tính bao nhiêu. Đây chỉ là giá "mở", giá thực phải đến tận nơi mới quyết định. Bê một bao vải lên xe khác với một bao ximăng, chở vài thùng sơn khác với chở một cánh cửa. Khách quen thì không phải mặc cả, ông Tuyến chỉ cần nghe điện thoại là đi ngay.
Ông Tuyến khoe mình không thiếu việc nhờ nhiều quen biết, và đã được tiêm mũi 2 vắc xin. Dù giá lạnh, tuổi cao nhưng 7h sáng ông đã có mặt làm tới 5h30 chiều mới nghỉ. Ông ở trọ cùng người con út mới ra trường, hôm nào việc nhiều, cậu con rảnh ông lại kéo đi làm cùng.
Đợt dịch vừa rồi ông Tuyến phải nghỉ về quê 5 tháng, khách hàng gọi điện thoại nhiều ông sốt ruột lại bắt xe trở ra. Vì ở quê lâu ngày không có việc để làm, một phần trong số đông đảo người dân mưu sinh tứ xứ ở quê Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa của ông lại liều mình ra phố bất chấp dịch bệnh.
Ông Tuyến đã gắn bó ở góc phố đời người này từ thời trẻ, theo trí nhớ của ông khi đó hàng trăm lao động từ các tỉnh lẻ đổ về kiếm kế sinh nhai. Công việc nặng nhọc, đồng tiền ít ỏi, đêm đến phải ngủ cong queo ở vỉa hè.
Thời gian khó ấy cũng bớt khó dần, những người lao động từ chỗ ngủ vỉa hè tới lúc có nhà trọ ngủ chung. Từ chỗ tay không tới giờ đã gom góp mua được điện thoại, xe máy cũ làm phương tiện hỗ trợ làm việc.
Nhờ công việc "thợ đụng", ông Tuyến đã nuôi được 5 người con nên người, trong đó 2 người được học đại học, cao đẳng. Ông còn vợ và mẹ già đã 90 tuổi ở quê, Tết này ông mong có được chút ít tiền để về quê sớm kẻo lỡ dịch bệnh phải cách ly.
Xe vừa đậu ở ngõ chợ Đồng Xuân, 3 “thợ đụng” lập tức chạy tới đón hàng - Ảnh: TÂM LÊ
Tâm sự đồng nghiệp là những "thợ đụng" phụ nữ, ông Tuyến kể vì dịch bệnh nên phần lớn họ đã về quê, số ít còn lại đẩy xe hàng ở chợ hoặc bến xe. Còn những thanh niên trẻ đứng ở gầm cầu theo ông Tuyến họ chủ yếu làm phụ hồ. "Dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn, có thể nhiều bạn trẻ thất nghiệp tìm việc tạm thời" - ông Tuyến kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận