Phóng to |
Bà Bạch Cúc cùng con trai Tiến Đạt chuẩn bị bắp cho lứa heo mới - Ảnh: N.T.P. |
Chuồng heo sẽ hết bỏ hoang!
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Thành Minh và bà Hồ Thị Bạch Cúc (ấp Tân Bình 1, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) nằm khuất trong rẫy bắp. Khi chúng tôi đến, bà Cúc đang dọn dẹp lại cái chuồng heo đã bỏ không hơn hai năm nay, để khi được cấp vốn sẽ mua heo mới về nuôi. Bà Cúc bộc bạch: “Trước đây gia đình nuôi hai con heo, nhưng từ ngày cậu con trai thứ ba vào đại học phải bán hết heo. Muốn nuôi lại mà vốn không có nên đành để không”.
Để có tiền cho bốn người con ăn học, gia đình bà Cúc chỉ trông chờ vào bảy sào đất nông nghiệp trồng bắp, khoai mì, mít và mấy chục con vịt. “Mùa mưa thì được phần nào, chứ mùa khô coi như bỏ không vì thiếu nước” - bà Cúc than thở.
Ông Minh, 46 tuổi, sáu năm nay ngày nào người ta cũng thấy ông đi phụ hồ, mỗi ngày được 120.000 đồng. Ông tâm sự: “Thiếu vốn quay vòng nên phải đi làm phụ hồ kiếm tiền cho mấy đứa đi học, chứ cũng lớn tuổi rồi, làm về hay đau lưng lắm”.
Để đền ơn ba mẹ, những người con của ông bà rất chăm chỉ học tập: Nguyễn Duy Tân hiện là sinh viên năm 3 Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, còn Nguyễn Tiến Đạt, lớp 8/2 Trường THCS Phan Chu Trinh là học sinh giỏi nhiều năm liền... Ngoài giờ đi học, dù phải cuốc bộ gần 30 phút để đến trường, Đạt còn làm vườn, bẻ bắp, cho vịt ăn... phụ giúp ba mẹ.
Quyết tâm của người “thợ đụng”
Trong căn nhà cấp 4 chắp vá bằng bạt nhựa của gia đình ông Võ Duy Bửu (ấp Thọ Phước, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), ngoài chiếc tivi cũ thì hàng chục tấm bằng khen của các con được dán kín trên tường là tài sản quý giá nhất của vợ chồng ông.
Ở xã Xuân Thọ, ông Bửu là “thợ đụng” có tiếng bởi chưa bao giờ ông chê việc, dù công việc có nặng nhọc chừng nào. “Vợ chồng anh Bửu nghèo nhưng chịu khó lắm, lam lũ làm lụng để có tiền cho mấy đứa con ăn học” - ông Phạm Quốc Hưng, chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Thọ Phước, cho biết.
Cách đây năm năm, vợ chồng ông Bửu cũng vay được ít vốndiện hộ nghèo để nuôi heo. Tuy nhiên, khi đến gần ngày xuất chuồng thì đàn heo gặp dịch, lăn đùng ra chết hết. Chưa trả được nợ thì vợ ông Bửu bệnh nặng phải nhập viện. Hiện sức khỏe kém, bà chỉ bán bánh tráng trộn trong xóm, lãi 50.000 đồng/ngày, không đủ tiền thuốc thang hằng tháng.
Khó khăn chồng lên khó khăn, nhưng điểm tựa của ông bà là các con học giỏi. Con gái đầu Võ Thị Thùy Dung đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi Võ Thị Kim Phụng, lớp 11C2 Trường THPT Xuân Lộc, 10 năm liền là học sinh giỏi...
Nhận được tin sẽ được hỗ trợ vay vốn không lãi suất, ông Bửu vui mừng cho biết: “Tôi sẽ sửa sang lại cái chuồng, tiếp tục nuôi heo. Hi vọng cuộc sống sẽ khá lên cho con cái ăn học đàng hoàng”.
Cấp 700 triệu đồng vốn cho 60 hộ nông dân Sáng 23-10, tại TP Biên Hòa, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Đồng Nai tiến hành cấp vốn “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 60 hộ nông dân có con em học giỏi của sáu xã thuộc huyện Thống Nhất và huyện Xuân Lộc. Tổng số vốn cấp là 700 triệu đồng (10 triệu đồng tiền mặt/hộ) do Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tài trợ. Ngoài hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho 60 hộ nông dân nghèo, Công ty GreenFeed sẽ tài trợ mỗi hộ nông dân thức ăn chăn nuôi với trị giá 1,65 triệu đồng trong một năm, đồng thời mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí cho các hộ nông dân trên vào sáng 24-10. Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, với sự tài trợ của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam. Đồng Nai là tỉnh thứ 4 thực hiện chương trình này. Trước đó, 180 hộ nông dân nghèo của ba tỉnh Long An, Hưng Yên, Bình Định đã được cấp vốn với tổng số vốn 2,1 tỉ đồng. N.T.P. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận