Ông Hoàng Xuân Kỳ viết thư tay gửi gắm cho người quen tại Campuchia để giúp phóng viên Tuổi Trẻ tìm ra nhân chứng vụ mất tích của trên 500 đồng bào Thổ Châu - Ảnh: TIẾN TRÌNH |
Các cựu binh Koh Tang kể lại khi mới ra đó họ đã thấy xương người khắp nơi. Từ gốc dừa đến cây mít, cây xoài... được trồng trên đảo nơi nào cũng có xương người. Ông Thành kể: Bệnh xá nằm phía dưới vườn cây. Khi lập phương án bảo vệ bệnh xá, bộ đội tiến hành đào các giao thông hào. Nhưng đào đến đâu thì lại gặp xương người đến đó. Cảm giác như từng thớ đất trên đảo Koh Tang đều có thể che giấu một số phận bi thảm |
Vùng biển hắc ám
Giữa cuối tháng 5-1975, sau khi bị đánh bật khỏi các đảo của Việt Nam, quân Khmer Đỏ vẫn cố thủ ở các quần đảo phía Nam Campuchia như quần đảo Poulo Wai, quần đảo Koh Tang... để tiếp tục tác oai tác quái. Chúng được trang bị hỏa lực mạnh để nhanh chóng biến khu vực phía Nam Campuchia trở thành vùng biển chết chóc.
Quân Khmer Đỏ dùng tàu đuổi bắt tàu thuyền qua lại, từ tàu cá, tàu buôn... Nhiều tàu của thuyền nhân Việt Nam vượt biên đã bị chúng chặn bắt, cướp bóc, hãm hiếp và sát hại. “Không ai lọt vào tay quân Khmer Đỏ mà sống sót trở về” - một cựu binh Campuchia nói.
Một trong những sự kiện cướp bóc do quân Khmer Đỏ tiến hành được cả thế giới biết đến lúc đó là khi họ chặn bắt tàu hàng Mayaguez của Mỹ. Hành động của Khmer Đỏ khiến Mỹ giận dữ điều hai đại đội thủy quân lục chiến đi giải cứu tàu Mayaguez.
Trong trận đánh cuối cùng của Mỹ ở Đông Dương, lịch sử tiếp tục ghi nhận thất bại của quân Mỹ: lực lượng giải cứu bị sa vào trận địa hỏa lực của quân Khmer Đỏ, khiến ba trực thăng chở quân Mỹ bị bắn rơi. Trong trận đánh chớp nhoáng này, 41 quân Mỹ thiệt mạng, 3 người mất tích và 50 người khác bị thương ở khu vực đảo Koh Tang.
Những ngày nằm trong sự kiểm soát của quân Khmer Đỏ, vùng vịnh phía Nam Campuchia trở thành vùng biển hắc ám. Nó che giấu bao nhiêu cái chết của những thường dân vô tội khi sa vào tay quân Khmer Đỏ.
Vĩnh viễn không ai biết được có bao nhiêu người bị quân Khmer Đỏ sát hại rồi thả xác xuống biển, cũng chưa ai đếm được có bao nhiêu người bị chôn vùi trên các hòn đảo ở đây trong những ngày bị quân Khmer Đỏ kiểm soát. Chỉ biết chắc một điều rằng trong số những sinh linh chết thảm ấy, có không ít là thường dân Việt Nam.
Một sĩ quan quân đội Campuchia cho biết sau khi có tin Puolo Wai thất thủ trước quân đội Việt Nam, quân Khmer Đỏ đóng trên quần đảo Koh Tang gần đó đã co cụm lại. Sợ quân Việt Nam sẽ tiến đánh tiếp Koh Tang, Khmer Đỏ đã tăng cường nhiều hỏa lực phòng thủ cho quần đảo này.
Quần đảo Koh Tang nằm ngoài khơi phía Nam của Campuchia, gần vùng biển tiếp giáp với Việt Nam - Đồ họa: V.CƯỜNG |
Ký ức nhói lòng
Sau khi giải phóng các đảo phía Nam Campuchia khỏi bàn tay quân Khmer Đỏ, bộ đội Việt Nam được Chính phủ Campuchia nhờ ở lại giúp bảo vệ các hòn đảo này, để phòng quân Khmer Đỏ quay lại tái chiếm.
Khi đặt chân lên đảo Koh Tang, bộ đội Việt Nam đã chứng kiến một khung cảnh khiếp đảm: tử thi, xương người la liệt. Cả hòn đảo rộng lớn chẳng khác nào một bãi tha ma. Một cựu sĩ quan có thời gian công tác tại Koh Tang nói rằng những hình ảnh chết chóc đã ám ảnh không ít bộ đội Việt Nam những ngày đứng chân trên đảo, nhất là những người trẻ.
Đại tá Hoàng Xuân Kỳ (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng ủy Vùng 5 hải quân) nói: “Đã chừng ấy năm rồi nhưng hình ảnh về Koh Tang cứ hiển hiện với tôi trong giấc ngủ”. Đại tá Kỳ kể năm 1980, ông là chính trị viên tiểu đoàn 562 - Vùng 5 hải quân, được điều động sang giúp bạn bảo vệ Koh Tang.
Dù trước đó đã nghe nói về những gì Khmer Đỏ gây ra trong thời gian chúng chiếm hòn đảo này, nhưng khi tận mắt chứng kiến thì sự thật “ngoài sức tưởng tượng” của ông. “Một người bình thường không thể nào tưởng tượng ra con người có thể hành xử với đồng loại dã man đến thế - ông Kỳ nhớ lại - Chạy dài ven bãi biển gần cổng doanh trại lúc ấy có tám cây dương cổ thụ.
Trên mỗi cây dương đều có treo lơ lửng các dây thòng lọng do quân Khmer Đỏ dùng để treo cổ những người bị chúng bắt được. Còn hàng dừa, hướng nhìn về đất liền Kampongsom, hầu như gốc nào cũng có sọ người. Mỗi gốc dừa có ít nhất một, hai đầu lâu. Có những gốc dừa chúng tôi đếm đến chín đầu lâu. Khi đào xuống đất quanh các gốc dừa này, chỗ nào cũng có xác người” - ông Kỳ rùng mình.
Trung tá, bác sĩ Vũ Văn Thành, làm nhiệm vụ trên đảo Koh Tang từ năm 1985 - 1989, nhớ lại: “Lúc tôi ra đảo, chứng kiến các gốc dừa phía mé biển, mỗi gốc dừa bốn hướng đều có bốn hố, mỗi hố rộng 2m. Bọn Pol Pot đào để vùi lấp xác người dưới đó.
Tôi và anh em đào lên đem chôn cất đàng hoàng. Mỗi hố chúng tôi đem lên hai bao tải xương người. Có những hố nạn nhân chết trong tư thế hai ngón tay, hai ngón chân cái bị trói chặt, ngồi co quắp, xương đầu bị bể từ phía sau. Có nhiều hố có cả xương trẻ em... trong túi áo người chết còn có đồng xu tiền Việt Nam”.
Một cựu sĩ quan có thời gian công tác trên đảo Koh Tang nói rằng khi ra giúp bạn tiếp quản đảo Koh Tang, ông bắt gặp trong những hiện vật để lại của những nạn nhân, có cả những thẻ căn cước của cư dân Thổ Châu do chính quyền VNCH cấp trước đây.
Điều này nói lên rằng đã có cư dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ đưa về Koh Tang sát hại. Điều này trùng khớp với lời kể của ông Tư Sĩ, một cựu ngư dân Thổ Châu, người đã may mắn thoát được khi quân Khmer Đỏ dẫn giải cư dân trên đảo về hướng vùng biển Campuchia.
Ông Sĩ nói trước ngày quân đội Việt Nam giành lại Thổ Châu, Khmer Đỏ đã lùa dân, nói là đến một hòn đảo nào đó thuộc Campuchia nhưng ông không biết rõ đảo nào.
Sự thật qua lời những nhân chứng càng củng cố thêm giả thuyết về số phận người dân Thổ Châu bị Khmer Đỏ bắt cóc. Chúng đã đưa họ đến quần đảo Koh Tang rồi sát hại, vùi xác ở đây. Tuy nhiên, ngoài những lời kể của các nhân chứng Việt Nam, vẫn chưa có sự thừa nhận nào từ phía Campuchia, nhất là những kẻ từng tham gia chuyện bắt cóc, gây nợ máu này.
_________
Ký tới: Lời thú tội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận