Lễ hội ngập tràn màu sắc - Ảnh: TR.TÂN
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trưởng ban tổ chức lễ hội, cho rằng Việt Nam và các dân tộc Việt Nam nói chung, của các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng mang đậm nét văn hóa bản sắc địa phương.
"Tuy nhiên trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một. Vì vậy, việc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ hội này mang một ý nghĩa đặc biệt", bà Hạnh nói.
Lễ hội tôn vinh văn hóa, thẩm mỹ trên các trang phục thổ cẩm - Ảnh: TR.TÂN
Với chủ đề Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ, lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 1 có nhiều hoạt động như không gian văn hóa cồng chiêng, ẩm thực Tây Nguyên cùng các hoạt động tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của thổ cẩm Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để Đắk Nông giới thiệu các tiềm năng về văn hóa, du lịch, dự án đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Thủ tướng phát biểu tại lễ khai mạc - Ảnh: TR.TÂN
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết nghề dệt thổ cẩm có từ ngàn xưa, hình thành trong quá trình lao động sản xuất và lưu truyền qua các thế hệ cha ông đến hôm nay.
Thổ cẩm mang ngôn ngữ, những nét đẹp, thông điệp riêng. Mỗi trang phục bằng thổ cẩm mang những nét văn hóa, thẩm mỹ riêng của các dân tộc anh em.
Các người mẫu biểu diễn thời trang thổ cẩm - Ảnh: TR.TÂN
Lễ hội văn hóa thổ cẩm VN lần thứ 1 với chủ để "tinh hoa hội tụ" - Ảnh: TR.TÂN
Theo Thủ tướng, cần phải nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào về bản sắc văn hóa, nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng chất liệu thổ cẩm.
Thủ tướng cho rằng, Đắk Nông cần phải có chiến lược phát triển thổ cẩm gắn với từng vùng miền, kết hợp khai thác và phát triển du lịch, phải để cho du khách trải nghiệm các nền văn hóa các vùng miền từ các tỉnh miền núi Tây Bắc đến Tây Nguyên.
Đây là lần đầu tiên Đắk Nông tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm, nhằm tôn vinh nét đem văn hóa truyền thống - Ảnh: TR.TÂN
"Làm sao từ nay quà tặng của Thủ tướng và các vị lãnh đạo khi gặp các vị khách quốc tế, trong các chuyến công du là các sản phẩm thổ cẩm từ 54 dân tộc anh em.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương, ngành thời trang… cần có trách nhiệm nghiên cứu, đưa ra các giải pháp sáng tạo để phát huy các giá trị vốn có của nghề dệt thổ cẩm.
Cần có chiến lược đưa sản xuất thổ cẩm thành các mặt hàng cao cấp như quần áo, túi xách, các mặt hàng thời trang khác… để tăng giá trị của các sản phẩm", Thủ tướng yêu cầu.
Hai Hoa hậu H'Hen và Ngọc Hân giao lưu tại lễ khai mạc - Ảnh: TR.TÂN
"Ngọc Hân may mắn đi được nhiều quốc gia, khám phá nền văn hóa của họ nhưng hiếm thấy ở đâu có các chất liệu, nét đẹp đặc trưng như thổ cẩm các dân tộc Việt Nam. Chúng ta có đến 54 dân tộc, có tới 54 nét bản sắc rất đặc trưng của 54 dân tộc anh em.
Đó không phải là vốn quý, là kho tàng hết sức ý nghĩa để chúng ta phát huy hay sao? Ngọc Hân tin rằng, thời gian tới bằng nỗ lực từ các địa phương, giúp đỡ của các bộ ngành trung ương chúng ta sẽ chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa đặc biệt này"
Hoa hậu Ngọc Hân - đại sứ lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần 1
"Khi được có mặt tại đây, khi được đại diện cho những người con dân tộc Tây Nguyên, bản thân Hen rất tự hào. H’Hen rất cám ơn ban tổ chức đã tổ chức vì đã tạo cơ hội cho các dân tộc, các nước láng giềng đến đây để giao lưu những nét đặc sắc trong các trang phục thổ cẩm.
Mình và các bạn đến từ nhiều dân tộc khác sẽ cố gắng để gìn giữ những nét đẹp truyền thống, đặc trưng trên các bộ trang phục của dân tộc mình. Mình hy vọng rằng, từ những khởi động đầu tiên này sẽ có thêm nhiều hoạt động khác để bảo tổn, phát triển nghề dệt thổ cẩm"
Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận