Phóng to |
Những chùm thơ mang thông điệp của cái đẹp, hòa bình và hữu nghị được thả dưới chân núi Bài Thơ - Ảnh: Xuân Thủy |
Riêng nhà thơ Ko Un của Hàn Quốc - ứng viên giải Nobel 2011, vốn là một cái tên được quan tâm tại liên hoan - đã không thể có mặt do sức khỏe yếu và người phiên dịch (cũng là người giúp đỡ ông về mặt sức khỏe, chính là vợ ông) lại đang ở Tây Ban Nha.
Sáng 2-2, sau lễ kéo cờ biểu trưng cho thơ ca cùng quốc kỳ của 28 quốc gia tham dự, các đại biểu đã tham dự lễ dâng hương hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông tại chân núi Bài Thơ bên bờ vịnh Hạ Long. Sau lễ dâng hương là lễ thả thơ với những bài thơ của các bậc tiền nhân như hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông, hoàng đế - thi sĩ Trần Nhân Tông, chúa Trịnh Cương, cùng các thi sĩ Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Sóng Hồng, Tế Hanh... Một số chùm thơ về vịnh Hạ Long và chùm thơ chào mừng Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương cũng đã được chọn thả.
Chiều cùng ngày đã diễn ra hội thảo “Thơ ca châu Á vì một nền hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” với sự trình bày tham luận của nhiều đại biểu: giáo sư, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc); nhà thơ, nhà phê bình Nikolai Preiaxlov (Liên bang Nga); nhà thơ nữ, TS Mamta G. Sagar (Ấn Độ); nhà thơ Holly Thompson (Nhật Bản); nhà thơ, PGS Dinah Roma Sianturi (Philippines)...
Tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu: “Thế giới đổ dồn về châu Á không chỉ để tìm kiếm các cơ hội đầu tư mà còn để khám phá các giá trị văn hóa, hi vọng tìm thấy sự thanh thản tâm hồn và coi sự thanh thản tâm hồn là bóng mát của lý trí sáng suốt”. Ông nhấn mạnh: “Thơ ca cần đem đến sự bình an cho mỗi con người. Thêm một người được bình yên trong tâm tưởng, thế giới bớt đi một điều bất hạnh”. Chính vì thế, tiếng nói của thi ca đã được cất lên trong những ngày đầu năm 2012 tại Việt Nam - mảnh đất đã trải qua những năm tháng dài chiến tranh tàn khốc - như những tiếng kinh cầu an cho một nền hòa bình với nhân dân châu Á và thế giới.
Việc tổ chức Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần 1 là một nỗ lực lớn mở đường cho các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa của Việt Nam thêm đa dạng, phong phú. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - bày tỏ hi vọng liên hoan thơ quốc tế sẽ trở thành hoạt động thường xuyên trên dải đất hình chữ S chứ không phải chỉ diễn ra một lần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận