TTCT- AI giờ đã có thể làm thơ và nhiều người thậm chí không nhận ra sự khác biệt. Điều này có nghĩa gì với tương lai nghệ thuật? Ảnh: zmescience.comNăm 1984, tuyển tập thơ văn The Policeman’s Beard Is Half-Constructed (Râu của viên cảnh sát mới mọc một nửa) do một nhân vật bí ẩn tên Racter ra mắt, gây sốt trong giới độc giả và chia rẽ trong giới phê bình vì sự kỳ quặc của nó. Đa số nhà phê bình đồng ý rằng chưa từng đọc thứ gì giống tập thơ này trước đó, số khác cho rằng các câu thơ thường xuyên bỏ qua tính logic khiến người đọc có cảm giác đang nghe một gã nói mớ khi ngủ.Racter thật ra không tồn tại; những dòng như “Tôi cần điện / Tôi cần nó hơn cả cần thịt cừu hay thịt lợn hay cải bắp hay dưa leo. Tôi cần nó để mơ” là do phần mềm máy tính Racter viết. Được dạy ngữ pháp tiếng Anh cùng một kho từ vựng vài ngàn từ, Racter biết vừa đủ để xâu chuỗi các câu lại với nhau một cách ngẫu nhiên nhưng mạch lạc, ít nhất là ở góc độ ngữ pháp; nó chẳng thấy sung sướng gì với việc chơi đùa với câu chữ.Các nhà khoa học máy tính đã cố gắng để máy móc làm thơ từ ít nhất là những năm 1960, và Racter là một ví dụ điển hình về việc một thứ vô tri có thể tạo ra cái gì đó có nghĩa. Có rất nhiều “nhà thơ” như Racter - các trang web xuất thơ sau một cú click chuột, song tất cả đều nhỏ bé khi đứng cạnh hậu duệ mới nhất của Racter: GPT-3. Nhờ mạng thần kinh nhân tạo mô phỏng cách não người hoạt động, GPT-3, sản phẩm của Hãng công nghệ OpenAI, có thể “hiểu” lượng dữ liệu khổng lồ mà nó được nạp, từ đó có thể viết mọi thứ, giống con người đến kinh ngạc: từ công thức nấu ăn đến kịch bản phim, và tất nhiên là thơ.Stephen Marche, một cây bút của The New Yorker, giao cho GPT-3 một nhiệm vụ khó nhằn: viết tiếp bài thơ còn dang dở Kubla Khan của Samuel Taylor Coleridge. Phần do GPT-3 sáng tạo phức tạp đến mức những độc giả nếu không biết bài thơ gốc có thể sẽ khó nhận ra nơi Coleridge ngừng lại và máy tính bắt đầu tiếp bút. Một trang trong quyển The Policeman’s Beard Is Half-ConstructedHiện tại khó có thể nhìn thấy những giới hạn của AI. Từ nhạc, họa, điêu khắc, thời trang, chẩn đoán y khoa, sản xuất…, có vẻ như không có sân chơi nào mà AI không lấn sang được. Nhưng AI có thể “thắng” trong lĩnh vực thơ ca? Và kiểu “thơ máy” nào rốt cuộc sẽ có thể thuyết phục được con người? Câu trả lời phụ thuộc vào việc thế nào mới được coi là thơ hơn là máy móc có thể làm được gì.Theo nhà thơ Pháp Paul Valéry, đa số con người không mảy may biết thế nào là thơ ca. Đây là lý do nhiều người tin rằng ta có thể thu hẹp khoảng cách giữa nhà thơ và máy móc. Có lẽ những nhà lập trình cho rằng nếu con người có thể nắm được quy tắc hình thành các câu thơ như thể thức, vần điệu, thì tại sao máy móc lại không. Hoặc cũng có thể họ hiểu “thơ” giống như cái mà Racter tạo ra: một số từ nhất định được đặt theo một trật tự nhất định. Nếu đây là cách mà ta cho rằng một ngày nào đó AI có thể thách thức các nhà thơ là con người, thì có lẽ máy móc chắc chắn sẽ thắng, và có khi đã thắng rồi.Nhưng vẫn còn một kiểu thơ ca mà AI sẽ phải đánh bại - thơ với tư cách là một nghệ thuật của sự chính xác tuyệt vời, của thực tế được tái hiện bằng cách gắn kết âm thanh với tri giác. Trong chuyện này, những khiếm khuyết của AI hoàn toàn được phơi bày. Bởi vì, để đấu được trong trò chơi bắt chước này, máy móc phải cho thấy chúng có thể kéo các giác quan của chúng ta đến mức độ biểu đạt cao nhất. Chúng sẽ cần phải mô tả được cỡ như nhà thơ Úc Les Murray xem hạt đậu là “những con cá heo xanh nhỏ xíu” hay Seamus Heaney (Nobel văn chương 1995) coi tình yêu như “một cái muỗng của thợ thiếc/đẫm ánh sáng lấp lánh của nó/trong thùng đựng thức ăn”.Để chơi được ở trình độ này, một cỗ máy phải thấm nhuần từ ngữ với những liên tưởng mật thiết nhất... Nó phải làm được tương tự như nhà thơ 4 lần đoạt giải Pulitzer Robert Frost kết thúc bài thơ Design của mình, với những suy tưởng về sự sắp đặt của tạo hóa khi quan sát một con nhện sửa soạn làm thịt một con bướm đêm: “What but design of darkness to appall? / If design govern in a thing so small”. Bản dịch của Đông Yên trong quyển Robert Frost tuyển tập 1: "Ai đồng lõa đưa nhện lên tận đó / Rồi lừa con bướm trắng đậu vào đây? / Ai ngoài chúa màn đêm kia đáng sợ? / Nếu trời cao mỗi chuyện mỗi an bài".Từ appall (đáng sợ) vần với small được dùng rất đắt, vì nghĩa gốc Pháp của nó là “trắng bệch ra” (cả bài thơ toàn màu trắng: hoa trắng, nhện trắng, bướm trắng) và còn chứa pall, nghĩa là tấm vải trắng phủ quan tài. Cách làm thơ của Frost làm giàu nhận thức của chúng ta, dạy ta cách nhìn thế giới theo cách mới. Không có điều nào kể trên nằm trong khả năng của GPT-3. Trong điều kiện thích hợp, GPT-3 có thể máy móc tạo ra các đoạn văn bản thật một cách ấn tượng. Tuy nhiên, cuối cùng ta sẽ nhận ra nó chỉ là những đoạn chắp vá vô hồn của những mẩu ngôn từ. Có vẻ như khi nói tới AI, chúng ta luôn dễ bị đánh lừa và rơi vào cái bẫy chúng ta tự đặt ra. Ta đã quá sẵn sàng để tin vào sức mạnh của GPT-3, đến mức ta bỏ qua những bằng chứng cho thấy điều ngược lại.GPT-3 có thể tạo ra một loạt vô tận các cụm từ hấp dẫn đến kỳ lạ, với tốc độ gần như tức thời. Nhưng việc đưa người đọc vào một trải nghiệm chung phải bắt đầu bằng việc nắm vững thủ thuật kết hợp những câu từ hay nhất thành một sản phẩm độc lập, một thể thống nhất đáng nhớ. Và GPT-3 không làm được điều đó.Là việc thực hành sâu sắc nhất của toàn bộ nhận thức của con người, thơ ca từ lâu đã được xem là ranh giới phải vượt qua của các bộ óc chạy bằng silicon, là bằng chứng xác thực cuối cùng cho AI. Không phải tình cờ mà mỗi lần AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), sàn diễn chính của nghiên cứu AI, vượt qua một ngưỡng mới thì thơ lại lập tức được nêu ra như bằng chứng cho tiến bộ đột phá đó. Thật ra, có thể nói rằng tham vọng tạo ra một cỗ máy làm thơ đã thúc đẩy toàn bộ ngành AI, giúp những mô hình ngôn ngữ tự nhiên liên tục vượt qua các giới hạn.Những người lạc quan về AI cho rằng không nhiệm vụ nào mà một cỗ máy cuối cùng sẽ không giải được. AI đã đánh bại được những kiện tướng cờ vua rồi cờ vây mạnh nhất, vậy cớ gì thơ sẽ khiến bộ óc máy móc bó tay? Theo nhà nghiên cứu AI Kate Crawford, AI sẽ không thắng được các nhà thơ, vì tất cả đã nhầm lẫn ngay từ khâu khái niệm khi cho rằng trí tuệ giống như máy tính và ngược lại.AI thắng kỳ thủ cờ vua vĩ đại nhất mọi thời đại Garry Kasparov hay kỳ thủ cờ vây xuất sắc nhất thế giới Lee Sedol không phải vì nó đã học được cách suy nghĩ như con người và nghĩ siêu hơn và nhanh hơn, mà vì đã học được cách suy nghĩ hoàn toàn không giống con người. Trong khi đó, thơ có mối liên hệ chặt chẽ với cách con người suy nghĩ. Sức mạnh tinh thần của một bài thơ xuất phát từ các ý định thúc đẩy nhà thơ hành động. Còn khi GPT-3 nhận lệnh viết một bài thơ, nó chẳng biết nó đang làm thơ, thậm chí chẳng biết “viết” là gì. Quan điểm của tôi là máy tính sẽ không bao giờ có thể tái tạo những gì các nhà thơ làm trừ khi nó cũng có thể sao chép lý do tại sao họ làm điều đó.Máy móc viết theo đúng kiểu máy móc: những bài thơ của chúng chỉ là sản phẩm phụ về mặt thống kê của việc hấp thụ một lượng lớn dữ liệu mà không bộ óc con người nào có thể chứa được. Để GPT-3 làm ra “thơ thật” đòi hỏi các thuật toán không chỉ xử lý dữ liệu mà còn cảm được dữ liệu. Cách dùng từ appall của Frost phản ánh cái nhìn sâu sắc, cả đời mới chiêm nghiệm được về sự mất mát. Đây là lý do tại sao thơ, không như nhiều thứ khác mà loài người chúng ta đã thành thạo, không thể sao chép được. Đó là một tác phẩm của sự xem xét nội tâm mà chỉ loài người chúng ta mới có thể làm chủ được. Chúng ta viết thơ nhờ có cái mà máy tính không có: việc là con người. Ảnh: LitHubTrong một tiểu luận năm 1967, nhà thơ Howard Nemerov dự đoán rằng nếu mọi người ngày càng yêu thích những bài thơ được viết bằng máy tính, thì đó không phải là vì “cỗ máy đã bắt chước sự tinh tế của tâm trí, mà là tâm trí đã tự đơn giản hóa để tôn thờ máy móc”. Trong quyển You Are Not a Gadget (2010), Jaron Lanier nhắc rằng phép thử Turin (dùng để kiểm tra khả năng bắt chước của AI có đủ để đánh lừa con người không) có tác động cả 2 chiều: chính con người cũng bị “thử” trong bài kiểm tra đó. Máy tính làm thơ thắng phép thử Turin đồng nghĩa với việc con người thất bại; nó cho thấy ý thức về thơ ca của chúng ta đã lạc trôi đến mức nào, và ta sẵn sàng để bị thuyết phục và công nhận bất cứ điều gì là xuất chúng ra sao. Máy làm thơ càng phổ biến thì ta càng dễ chấp nhận những thứ mà máy có thể làm. Có thể chúng ta sẽ ngợi khen những bài thơ không có bất kỳ thực tại con người nào trong đó. Chúng ta sẽ đánh giá cao những cảm xúc giả tạo. Những câu thơ tự con người viết ra sẽ thành đồ cổ, bán trên metaverse.Với việc ngày càng nhiều start-up được cấp vốn để nghiên cứu NLP hơn bất kỳ lĩnh vực AI nào khác, các nhà phân tích cho rằng chúng ta đang đứng trên bờ vực của một vụ nổ Big Bang của phần mềm ngôn ngữ. GPT-3 đang được dùng bởi hàng trăm bot, ứng dụng, mạng xã hội; nó đứng sau hàng tỉ từ có nghĩa, đúng ngữ pháp được sao chép mỗi ngày. OpenAI gần đây đã hứa hẹn về một phiên bản mới - GPT-4, mạnh hơn gấp 500 lần. Khi hệ thống lớn hơn, chúng sẽ tốt hơn: giảm lỗi dẫn đến câu dở và tăng các thuật toán dẫn đến câu hay. GPT-4 sẽ khiến chúng ta kinh ngạc với khả năng tìm đúng từ phù hợp và sắp xếp chúng một cách nghệ thuật, không lãng phí một âm tiết nào - tất cả hợp lại thành một thứ gì đó nghe có vẻ giống con người. Và chúng ta sẽ lại ca ngợi nó.Song chừng nào mà khả năng làm thơ vẫn còn là rào cản để bước vào địa hạt con người, robot vẫn sẽ chỉ như Racter. Trước sự tấn công dữ dội của máy móc biết tư duy, thơ ca là chốt chặn cuối cùng và tốt nhất của nhân loại.(TRÚC ANH lược dịch từ tạp chí The New Criterion) Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "NHÀ VĂN, NGHỀ VIẾT VÀ CÔNG NGHỆ Tags: AITrí tuệ nhân tạoThơ caLàm thơMáy tính làm thơ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Panama đáp trả ông Trump về đe dọa 'đòi lại' kênh đào THANH HIỀN 23/12/2024 "Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và các khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama".
Hàng loạt đại học phát cảnh báo chiêu lừa đảo học bổng, giảm học phí cho sinh viên MINH GIẢNG 23/12/2024 Hàng loạt trường đại học phát cảnh báo chiêu trò lừa đảo sinh viên về học bổng, giảm học phí khi chuyển khoản cho cá nhân.
Nên 'bêu' tên người xả rác bừa bãi như cách làm của người Nhật? THANH NY 23/12/2024 Để trị 'bệnh' xả rác bừa bãi, hãy học người Nhật cách xử lý người thiếu ý thức nơi công cộng.