Hình ảnh quen thuộc nhưng dần trở nên "xa lạ" với nhiều thợ ảnh trẻ hiện nay - Ảnh: ANH KHOA
Từ khi dịch COVID-19 quay lại, hầu hết các doanh nghiệp, công ty tổ chức sự kiện... đều tự tạm dừng những hoạt động đông người.
Lấy tiền để dành ra dùng
"Thợ chụp tất cả các mảng đều bị ảnh hưởng đáng kể nhưng nặng nhất là mảng chụp ảnh cưới, rồi đến sinh nhật, tiệc công ty... Tôi thường chụp sự kiện và chân dung nhưng vài tháng rồi chỉ lác đác vài khách. So với cùng thời điểm năm ngoái, lượng khách chỉ bằng 15%, thu nhập chỉ đủ trả tiền trọ và ăn uống dè sẻn", bạn Gia Hoàng (27 tuổi, một thợ chụp ảnh tự do) bộc bạch.
Theo Gia Hoàng, dịch bệnh kéo dài khiến cho túi tiền của khách hàng cũng trở nên eo hẹp, từ đó việc cạnh tranh, "phá giá" chụp ảnh trở nên rất phổ biến.
Còn bạn Nhật Minh (29 tuổi) tuy là nhân viên thiết kế toàn thời gian tại một hãng xe công nghệ tại TP.HCM, bạn vẫn thường nhận chụp hình nhiều dự án ngoài giờ do có chút tên tuổi trong giới. "Thu nhập của tôi giảm 70% so với năm ngoái, tôi đành rút tiền để dành ra dùng dần vì chụp ảnh chuyên nghiệp thì việc nâng cấp thiết bị là rất quan trọng. Công việc chính của tôi bị ảnh hưởng đáng kể bởi rất nhiều khách hàng, đối tác cũng không mặn mà, tạo điều kiện cho mình đến chụp như trước đây", bạn cho biết.
Tranh thủ học thêm kỹ năng
Dù thời điểm hiện tại gặp không ít "sóng gió" với nghề, Nhật Minh vẫn khẳng định sẽ theo đuổi nghiệp nhiếp ảnh đến cùng. "Cứ cầm máy ảnh lên là tôi không còn thấy mệt hay khổ gì nữa. Đại dịch, trong khía cạnh nào đó, giúp tôi nhìn lại những thiếu sót của bản thân, từ đó bổ sung các kỹ năng cần thiết cho công việc", bạn khẳng định.
Còn với Ngọc Thủy (27 tuổi, cựu sinh viên ngành mỹ thuật công nghiệp) thì khoảng thời gian giãn cách xã hội có ý nghĩa nhất định.
"Thợ chụp ảnh phải đi nhiều và cần có sức khỏe tốt để xách dụng cụ cồng kềnh, rồi lăn lê, bò trườn... Tôi là con gái nhưng thời gian qua cứ cố "gồng mình" để không mất khách hay bị cảm giác thua kém đồng nghiệp nam, thường thức xuyên đêm để xử lý ảnh kịp "deadline", rồi phải khẳng định mình với gia đình để rồi cơ thể gánh nhiều bệnh tật", Ngọc Thủy nói. Và hiện bạn có thời gian để thiền, ăn uống điều độ và căn bệnh đau bao tử, căng thẳng dần vơi nhẹ.
Vài tuần đầu sau giãn cách toàn thành phố, Gia Hoàng chỉ chơi game, xem phim, ngủ... và bạn nhận ra sự nhàn hạ tưởng sướng hóa ra tác động đáng kể đến tâm lý. "Đầu tiên chỉ là cảm giác chán nản, mệt mỏi và sau dần là thấy mất phương hướng, nghi ngờ giá trị và khả năng bản thân", bạn kể.
Và bạn buộc mình phải "khởi động" lại bản thân bằng lịch hoạt động dày đặc gồm tập thể dục, nuôi tép thủy sinh, học online và lên ý tưởng cho những bộ ảnh trong tương lai. Với bạn, tự tạo sự bận rộn trong thời gian này là giải pháp hiệu quả để giới trẻ nói chung, các thợ ảnh nói riêng duy trì niềm tin vào bản thân và con đường đang đi...
Nhận ra cái đẹp từ những điều gần gũi nhất
"Từ giai đoạn TP.HCM bị giãn cách, tôi hạn chế đi lại và chỉ chụp hình quẩn quanh các đồ vật, khu vườn trong nhà. Lúc đầu tôi thấy chán vì chỉ coi đó là một sự lựa chọn thay thế để tay nghề không bị lụt. Nhưng sau đó khi quan sát kỹ tôi dần nhận ra tóc cha mẹ bạc hơn xưa nhiều quá, đứa em thì lớn hơn hẳn so với năm trước... Và khi tôi đưa hình mình chụp cho cả nhà coi thì ai cũng cười và khen đẹp, đi khoe khắp nơi trên Facebook. Có thể "cátsê" tôi nhận về là 0 đồng, nhưng bù lại tôi đã học được cái đẹp chẳng ở đâu xa, cái đẹp đôi khi ở ngay tại chỗ chúng ta thường gọi là nhà."
QUỐC MINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận